Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hồi sinh làng gốm Thanh Hà

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hồi sinh làng gốm Thanh Hà

Hải Đường

Người làm gốm ở Thanh Hà hiện không quá con số 100, phần đông lại là thợ lớn tuổi.

(TBKTSG) – Lửa chi lửa hực sáng lòa / Làng gốm, làng gạch Thanh Hà chi đây! Ấy là câu ca dao đến giờ vẫn thường được các cụ bà ở Hội An ầu ơ ru cháu. Điều đó cũng khẳng định nghề gốm Thanh Hà là một trong những nghề truyền thống có bề dày lịch sử ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Gốm hạng cung đình cũng xác xơ!

Làng Thanh Hà chỉ cách đô thị cổ chừng ba cây số. Cụ Nguyễn Lành, đã gần 80 tuổi, cho biết vào khoảng thế kỷ 16, trong số những di dân từ Thanh Hóa, Nghệ An có những thợ gốm lành nghề chọn Thanh Hà làm nơi định cư và phát triển nghề gốm bởi nơi đây có nhiều đất sét, trước mặt là con sông rộng, sau lưng là đường cái quan rất thuận tiện giao lưu, buôn bán ở cả đường bộ lẫn đường thủy.

Nghề gốm xứ Bắc “bén duyên” đất Quảng để hình thành nên một làng nghề với nhiều dòng sản phẩm phong phú, sắc sảo. Sản phẩm gốm Thanh Hà là gốm thô, không men với các chủng loại như con thổi, nồi, chậu, ấm, hũ, bồng binh, cối, trả, chum vại, bình hoa, chậu kiểng, chân đèn…

Nhiều sản phẩm mang màu gạch đỏ đặc trưng, bên cạnh đó, với tài nghệ của nghệ nhân khi gia giảm thời gian và nhiệt độ nung mà gốm Thanh Hà đa dạng màu sắc, từ màu hồng, hồng vàng đến đỏ, gạch nâu và xám đen.

Đặc biệt, gốm Thanh Hà nhẹ hơn hàng đất nung ở nhiều nơi khác. Vậy nên khá hút khách. Các nghệ nhân gốm Thanh Hà từng được các đời vua nhà Nguyễn mời ra Huế để chế tác những sản phẩm đặc biệt phục vụ cho sinh hoạt cung đình. Có người còn được phong hàm bát phẩm, cửu phẩm.

Nhiều lão ông còn cho biết đến đầu thế kỷ 19, nghề gốm ở Thanh Hà được dồn về ấp Nam Diêu. Nhiều hộ buôn gốm sắm được ghe bầu, chuyên chở gốm đi bán khắp cả miền Trung. Thế nhưng, cùng với thời gian, hàng gốm gia dụng đã dần yếu thế trước sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hàng nhựa, hàng nhôm nên lớp trẻ không tha thiết theo nghề. Nhiều thợ gốm chuyển qua làm gạch, ngói. Số hộ làm gốm trong làng đếm chưa hết mười đầu ngón tay. Và như thế, từ một làng nghề nổi tiếng, làng gốm Thanh Hà ngày càng xơ xác…

Hồi sinh nhờ du lịch

Năm 2009, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) có Quyết định số 17818/QĐ-SHTT cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm gốm Thanh Hà đối với các sản phẩm: gạch (nhóm 19), bình, chum, tượng, tranh, con thổi (nhóm 21). Hiệp hội Sản xuất kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ Hội An là đại diện của nhãn hiệu hàng hóa này.

Mãi đến đầu thế kỷ 21, chính quyền thành phố Hội An nhận ra ưu thế phát triển du lịch từ làng nghề truyền thống. Năm 2001, gần 10 tỉ đồng được đầu tư cho sự khôi phục làng gốm Thanh Hà và lập tuyến tham quan cho du khách. Bến sông bị xâm thực được làm bờ kè, đường bê tông được bảo vệ, và chính những con đường làng nhỏ, lát gạch, len lỏi quanh các hàng rào chè Tàu xanh ngắt tỏa ra mọi hướng làm ngẩn ngơ du khách. Họ đến Thanh Hà bằng đường bộ và đường thủy ngày một đông hơn để thăm và tìm hiểu nghề gốm.

Làng gốm Thanh Hà bắt đầu sống dậy. Bếp lò lại đỏ lửa ngày đêm. Nhiều mặt hàng gốm trang trí mới ra đời phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, lại là sản phẩm làm thủ công nên được du khách yêu thích mua về làm quà lưu niệm. Sản phẩm gốm Thanh Hà cũng được các nhà hàng, khách sạn mua về làm vật trang trí trong phòng, bàn ăn, trên các hàng rào… để đón khách du lịch. Sản phẩm được tiêu thụ không chỉ ở Hội An mà còn đến các thành phố lớn và ra cả nước ngoài.

Cô Maja Ostloye, một du khách Na Uy đi cùng nhóm bạn đến tham quan làng gốm đã được tự tay chuốt gốm, làm ra một chiếc bình nho nhỏ. Cô thích thú nói: “Tôi sẽ nhớ mãi chuyến đi này và sẽ giới thiệu để các bạn tôi đến thăm di sản văn hóa thế giới Hội An, thăm làng gốm Thanh Hà như tôi”.

Về phía làng nghề, từ khi làng gốm được đưa vào danh sách các điểm du lịch của Hội An, mỗi năm, làng đã đón khoảng 10.000 lượt khách trong nước và quốc tế. Cuộc sống người dân, cả về vật chất lẫn tinh thần đều phong phú hơn. Tại lễ hội cúng tổ làng gốm Thanh Hà vừa diễn ra hồi cuối tháng trước, từ sáng sớm, nhiều hộ trong làng đã dậy lo mâm cúng tại gia. Còn tại miếu Nam Diêu thì chiêng trống rộn ràng, trầm hương thơm ngát. Các bô lão thành kính dâng cúng lễ vật và tế lễ trong khi trẻ con và những người thợ lo chuẩn bị cho các cuộc thi chuốt gốm, nặn 12 con giáp!

Một cô gái trẻ còn quan tâm nghề gốm.

Duy còn một trăn trở của Thanh Hà là người làm gốm trong làng hiện không quá con số 100, phần đông lại là thợ lớn tuổi. Mặc dù thợ lành nghề ở địa phương và chính quyền thành phố cũng tỏ ra tích cực hỗ trợ đào tạo nghề gốm cho lớp trẻ nhưng số thanh niên quan tâm học nghề vẫn chưa nhiều. Hy vọng với quyết định mới đây của chính quyền thành phố này, cho phép xây dựng công viên văn hóa đất nung, biến Nam Diêu thành nơi bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của làng gốm Thanh Hà, sự trọng thị đối với nghề gốm nơi giới trẻ sẽ dần được cải thiện.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới