Hồi sinh nghệ thuật ca trù
Thoa Nguyễn
![]() |
Nhiều bạn trẻ cùng trải nghiệm nhạc cụ bổ trợ cho ca trù |
(TBKTSG Online) - Ca trù đang trở thành hiện tượng lôi cuốn tâm hồn của lớp người trẻ tuổi. Sau bao biến động thời cuộc có lúc ca trù tưởng chừng đã chìm vào dĩ vãng, song vài năm trở lại đây bộ môn nghệ thuật này bỗng hồi sinh, thu hút không những lớp trung niên mà còn khiến lớp trẻ tưởng chỉ biết đến công nghệ số cũng say sưa theo tiếng phách.
Có một làng cùng phục dựng ca trù
Từ xưa đến nay, cuộc sống của người dân thôn Tiểu Than, xã Vạn Ninh (Gia Bình - Bắc Ninh) chỉ trông vào cây lúa; dù còn vất vả nhưng đời sống tinh thần không hề thiếu thốn khi mỗi dịp lễ, Tết, hội hè, đình làng lại vang tiếng hát, điệu đàn, nhịp phách ca trù .
Theo lời kể của những nghệ nhân nơi đây, năm 2003, tiến sĩ Trần Đình Luyện, lúc đó là Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) tỉnh Bắc Ninh về khảo cứu cụm di tích thờ Cao Lỗ Vương, đã đề xuất với địa phương khôi phục nghệ thuật hát ca trù. Nhưng cả làng không còn ai biết đàn hát nên ý tưởng này chỉ dừng lại ở mức đề xuất.
Cụ Hoàng Văn Thuỷ, một người làng nhiều tâm huyết với ca trù, đã đứng ra vận động một số người học đàn, học hát. Trong một lễ hội đình làng, cụ Thuỷ đã đưa ra bàn việc khôi phục bộ môn nghệ thuật truyền thống ca trù, và được dân làng tán thưởng. Từ đó, Tổ ca trù Tiểu Than được thành lập, nòng cốt là hội viên thơ của thôn và một số đại diện dòng họ Nguyễn Thiết.
Sau một thời gian tập luyện dưới sự hướng dẫn của các thầy truyền nghề, tháng 11-2008, xã Vạn Ninh đã thành lập câu lạc bộ (CLB) ca trù Tiểu Than với 22 thành viên, cao tuổi nhất là cụ Thuỷ (82 tuổi), ít tuổi nhất là ca nương Nguyễn Thị Lam (15 tuổi). Tháng 9/2009, Ca trù Tiểu Than lần đầu tiên tham gia hội diễn nghệ thuật ở huyện Gia Bình và ca nương Nguyễn Thị Lam đã giành Huy chương Bạc.
Theo các nghệ nhân câu lạc bộ ca trù Tiểu Than, đến nay, câu lạc bộ đã có 30 người tham gia, chưa kể lực lượng ca nương kế cận, trong đó có 7 thành viên 12 tuổi theo học hát và tiếp thu rất nhanh. Phong trào cùng thưởng thức ca trù hiện đang lưu truyền khắp thôn Tiểu Than.
Lan tỏa và hồi sinh
Không chỉ được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp, trong đời sống thường nhật ca trù cũng đã lặng lẽ trở lại, lặng lẽ lên ngôi như một báu vật từng bị quên lãng bởi lớp bụi thời gian.
Ra đời vào thế kỷ 15, đạt tới đỉnh cao nghệ thuật huy hoàng vào thế kỷ 19, và tới cuối thế kỷ 19 bỗng bị miệng tiếng của xã hội trù dập, ca trù đã từ thành thị lui về nông thôn, ẩn trong sâu thẳm tâm hồn những gia đình, dòng họ và mất dần vị trí trong đời sống xã hội gần trọn thế kỷ 20. Tiếng đàn đáy, tiếng phách dường như tắt hẳn, chỉ còn đâu đó một vài làn điệu lẻ loi phát trên radio theo lịch định kỳ, một vài điệu hát nấp kín sau cánh cửa các gia đình đã từng có cụ tổ, ông tổ theo nghiệp cầm ca.
Hiện nay, ca trù xuất hiện trên khắp các tỉnh thành miền Bắc, miền Trung, từ Hà Tĩnh, Thanh Hoá ra tới Hải Dương, Hải Phòng, Hà Tây… Thủ đô Hà Nội có nhiều nhóm ca trù như nhóm ca trù Thái Hà có truyền thống cầm phách lâu đời, xưa kia vang danh với tên tuổi bà Phán Chí đã từng hát cho vua Khải Định ngự thính, còn ngày nay nổi danh với các danh ca, danh cầm đàn ngọt hát hay, đặc biệt với cặp đào nương 12 tuổi Kiều Oanh và Thu Thảo và giọng hát lay động hồn người. Cũng nổi danh không kém là nhóm ca trù của bà Phó Thị Kim Đức. Nhờ sự rèn luyện khắt khe, giờ đây cô đào Bạch Dương của nhóm này đã trở thành giọng ca nắm vững mọi luyến láy của ca trù. Thậm chí, cô bé 7 tuổi trong gia đình cô cũng đã có tiếng phách vững chẳng kém các bậc sinh thành, tuy chưa thể có tiếng phách trạng nguyên như bà Kim Đức; gần đây, nhiều người biết đến nghệ thuật ca trù qua câu lạc bộ ca trù Thăng Long do ca nương Phạm Thị Huệ làm chủ nhiệm.
Là một loại hình âm nhạc cổ truyền thính phòng đã đạt tới đỉnh cao trong nền tảng âm nhạc dân tộc, ca trù rất kén người chơi, để tham gia cuộc chơi, đòi hỏi người chơi vừa sự am hiểu, vừa say mê, vừa kiên nhẫn... Không thể trở thành một tay gõ phách điệu nghệ chỉ qua vài lần đi ngồi chầu, mà ca trù đòi hỏi các đào nương phải học từ bé, người nghe cũng phải tốn không ít thời gian khổ luyện.
Đáng chú ý là lớp trẻ ngày nay, mà chỉ mới 5 năm trước hầu như
chẳng hiểu nổi một câu thơ, câu hát nói của ca trù, nói gì tới thưởng
thức hay thậm chí học điệu Thét nhạc, Hát truyện… vốn được coi là rất
khó của nghệ thuật ca trù, đã biết dành thời gian rèn luyện cùng với cây đàn đáy, trống chầu và bộ phách tre. Trong những buổi sinh hoạt ca trù của các câu lạc bộ, tại ngôi nhà cổ 87 Mã Mây Hà Nội, hay nhưng dịp ca trù đua tài cùng các nghệ thuật khác tại các buổi liên hoan, luôn đầy áp những thính giả trẻ tuổi.
Trăn trở của ca nương trẻ
![]() |
Ca nương Phạm Thị Huệ (áo đỏ) trong một buổi biểu diễn chào mừng chuyến thăm của Nữ Hoàng Đan Mạch tại Liên hoan nghệ thuật đường phố |
"Tôi thích được gọi là ca nương bởi với ca trù, tôi được sống hết mình với những đam mê dẫu biết rằng nghiệp không đủ “sức” đảm bảo cuộc sống vật chất. Ngoài ra, tôi cảm được sức sống mãnh liệt của âm nhạc truyền thống và thấy nó là nhân tố quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách con người”, ca nương Phạm Thị Huệ, chủ nhiệm câu lạc bộ ca trù Thăng Long mở đầu cuộc trò chuyện giản dị, cởi mở.
Kể về duyên nghiệp, chị cho cho rằng, những ngày đi biểu diễn, chị nhận ra một điều: âm nhạc dân tộc vẫn có chỗ đứng trong lòng khán giả. Với trách nhiệm của một nhà giáo, công với niềm đam mê của người nghệ sĩ, chị đã chọn ca trù để thực hiện ý muốn “làm một điều gì đó cho nền âm nhạc truyền thống”.
Ngày đầu tiên bước chân vào ca trù, chị đã đạp xe hàng chục kilômét về Hải Dương tìm nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ học đàn đáy, rồi lại ngược Hà Tây (cũ) tìm cụ Nguyễn Thị Chúc để học hát với đam mê có thể lưu truyền được loại hình cổ truyền mang tính bác học của dân tộc. Có lẽ chính vì tâm huyết ấy mà chị được các “báu vật sống” truyền dạy hết mình. Chị say mê đàn hát mọi lúc, mọi nơi. Sau hai tháng theo học, chị Huệ đã tìm ra quy luật của nhịp phách, kỹ năng rất quan trọng khi hát ca trù.
Trong vòng một năm, chị đã thạo hết các làn điệu chính, một số làn điệu phụ và bắt đầu diễn xướng. Bốn năm sau, chị Huệ đã có thể biểu diễn các làn điệu ca trù. Trong khi đó, để có thể hát và đàn một cách lão luyện, các ca nương ngày xưa phải mất ít nhất 5 năm rèn luyện.
Chia sẻ những thành công của câu lạc bộ ca trù Thăng Long do chị thành lập, chị Huệ cho biết, từ khi ngày đầu đến nay, câu lạc bộ luôn thu hút được rất nhiều người đam mê ca trù đến theo học. Hiện nay, CLB Ca trù Thăng Long đã có tổng cộng 20 ca nương và kép đàn. Hầu hết các em tuổi đời còn rất trẻ; đặc biệt có em Nguyễn Huệ Phương chỉ mới 10 tuổi, và gần đây, thành viên nhỏ nhất của câu lạc bộ mới tham gia sinh hoạt được chưa đầy 2 tháng mới lên 9 tuổi.
Năm trước, thành viên câu lạc bộ ca trù Thăng Long đã nghĩ đến việc khôi phục lại hình thức "Hát cửa đình" với đầy đủ các thể thức như dàn bát âm và các làn điệu múa hát cổ ở cửa đình. Hiện câu lạc bộ cũng đang cố gắng để hoàn thiện nốt một vài điệu múa.
Bằng cách làm riêng của mình, câu lạc bộ ca trù Thăng Long đang tụ hợp những người cùng chung đam mê ca trù để cùng bảo tồn loại hình nghệ thuật truyền thống này. Theo thường lệ, 19 giờ 30 thứ sáu hằng tuần, câu lạc bộ ca trù Thăng Long lại tổ chức dạy trống chầu và 19 giờ 30 tối thứ bảy tuần đầu tiên của tháng câu lạc bộ tổ chức biểu diễn miễn phí cho những thính giả cùng chung đam mê. Từ đó, không chỉ người dân Thủ đô mà giới trẻ và cả khách quốc tế lại háo hức, mong ngóng đến đình Giảng Võ (Ba Đình – Hà Nội) để được học, được thưởng thức ca trù.
Khi nghệ thuật ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, chị Huệ nhận thấy mình phải có trách nhiệm hơn nữa trong việc gìn giữ và nâng cao giá trị của loại hình nghệ thuật này. Tuy nhiên, điều khiến chị trăn trở chính là chị và câu lạc bộ sẽ không đủ sức để làm điều này mà rất cần sự chung tay của cả cộng đồng, nhất là các cơ quan chức năng. “Ca trù cần phải được đưa vào trường học để dạy một cách bài bản giống như các môn nghệ thuật khác. Bên cạnh đó, các nghệ nhân cũng rất cần sự quan tâm của Nhà nước để sống được với nghề - đó cũng là cách thể hiện sự quan tâm đến các nghệ nhân, là cơ sở điều kiện để thu hút người trẻ tìm đến với âm nhạc truyền thống...”, chị Huệ chia sẻ.
Những trăn trở của người nghệ sĩ, của một ca nương trẻ tuổi, cũng chính là những gì mà người yêu âm nhạc cổ truyền Việt Nam mong muốn.
Ngỡ ngàng với hình ảnh những chàng trai trẻ điểm trống, những cô gái độ tuổi trăng tròn gõ phách trên chiếu ca trù thay vì những cụ già da nhăn nhúm, tay run rẩy, du khách nước ngoài đã từng thích thú “tôi không nghĩ, bạn trẻ Việt Nam có thể đam mê và thành công với nghệ thuật cổ sớm như vậy”. Nhìn hình ảnh ấy, hồn cũ của “Tả vọng đài xưa hồ liễu rủ” (bài hát nói Dấu đẹp Hồ Gươm) đang trở lại, ghi dấu Thủ đô văn hiến đang dần tròn 1000 năm tuổi.