Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hội thảo Biển Đông: Đề xuất các ý tưởng hợp tác

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hội thảo Biển Đông: Đề xuất các ý tưởng hợp tác

Bình Nguyên

Các đại biểu tại phiên bế mạc hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông tại TPHCM ngày 12-11 – Ảnh: Mộng Bình

(TBKTSG Online) – Các nhà khoa học đã đề xuất, thúc đẩy hợp tác khu vực, nhất là trong lĩnh vực kinh tế và thương mại, là một trong những phương cách giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến tranh chấp, an ninh tại khu vực Biển Đông.

Trong phiên bế mạc của hội thảo khoa học quốc tế lần 2 về Biển Đông tại TPHCM, giáo sư đến từ Trung tâm nghiên cứu quốc phòng và chiến lược thuộc Đại học quốc gia Úc Leszek Buszynski nói, xây dựng sự hợp tác, thỏa thuận là giải pháp cho các nước trong khu vực này giải quyết các vấn đề liên quan đến Biển Đông.

Ông Buszynski cho rằng nếu các bên liên quan ngồi lại với nhau, cùng nhau bàn luận thì các vấn đề của Biển Đông sẽ sớm được xem xét, được xác định và từ đó có thể họ sẽ tìm ra được giải pháp giải quyết. “Hãy để châu Á giải quyết các vấn đề của họ”, ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, giáo sư Buszynski nói rằng giải pháp cho khu vực Biển Đông phải đi kèm với các thỏa thuận ràng buộc các quốc gia tham gia thực hiện, dựa trên luật pháp quốc tế để mang lại sự ổn định lâu dài cho khu vực.

Cùng quan điểm với ý kiến trên, ông Nazery Khalid, Chuyên viên cao cấp của Viện biển của Malaysia, nói rằng giải pháp khu vực cho các vấn đề Biển Đông cần có tính pháp lý được các bên tôn trọng, phù hợp với luật pháp quốc tế, và cần gắn với hợp tác vế kinh tế, thương mại và đầu tư.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gon Online sau phiên bế mạc, ông Khalid nói nếu các nền kinh tế trong khu vực Biển Đông gắn kết với nhau hơn thông qua hợp tác kinh tế, thương mại thì sẽ tránh được những đối đầu không cần thiết. “Hợp tác kinh tế sẽ là chìa khoá giúp các nước tránh được các vụ va chạm”.

Theo ông Khalid, nền tảng hợp tác giữa các nước trong khu vực Biển Đông đã có dựa trên thỏa thuận thương mại tự do (FTA), và điều quan trọng là các bên liên quan cần có những đề xuất, sáng kiến và đối thoại để cùng giúp phát triển khu vực này.

Trong bài phát biểu tổng kết tại phiên bế mạc, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, ông Dương Văn Quảng nói đối thoại là cần thiết nhưng chưa đủ. “Sự minh bạch trong quan điểm, minh bạch trong chính sách cùng với thiện chí là điều kiện tiên quyết cho quá trình tìm kiếm giải pháp lâu dài và công bằng”, ông nói.

Để tiến tới giải pháp lâu dài, ông Quảng cho rằng trước hết các bên liên quan cần phải nghĩ cách quản lý xung đột như thế nào. Trên cơ sở này thì các bên cần phải xây dựng lòng tin với nhau và từ lòng tin mới quản lý được xung đột và giữ ổn định tại khu vực.

Ông Quảng nói với phóng viên sau phiên bế mạc rằng tại hội thảo lần này, các nhà khoa học đã chỉ ra một số khái niệm mà không có nội dung rõ ràng. Ông Quảng đưa ra ví dụ là rất nhiều đại biểu phân tích rõ đường lưỡi bò (hay đường đứt đoạn 9 khúc) của Trung Quốc là phi lý và không có tính pháp lý.

Ông Quảng cho rằng cũng cần phải xác định nội dung của giải pháp khu vực là gì và liên quan đến những vấn đề gì, vì thực ra Biển Đông không chỉ có một vấn đề và là nhiều vấn đề liên quan đến tranh chầp lãnh thổ, an ninh hàng hải, tự do đi lại, bảo vệ các nguồn tài nguyên, bao gồm cả tài nguyên cá….

“Biển Đông không chỉ cung cấp kế sinh nhai cho các nước, và do vậy nếu một giải pháp khu vực bao gồm được tất cả các vấn để trên thì sẽ là giải pháp tốt”, ông Quảng nói.

Muốn xây dựng được lòng tin thì các bên phải có thiện chí, minh bạch chính sách và quan điểm. Ông Quảng nói Khi đưa ra sáng kiến thì cũng phải nói rất rõ nội hàm của sáng kiến là gì, ví dụ như nói cùng khai thác thì phải nói rõ là khai thác ở đâu, khai thác với ai và khai thác như thế nào.

Ông Quảng cho biết thêm cùng khai thác, vùng tranh chấp, đường lưỡi bò, vai trò và lợi ích của các nước ngoài Biển Đông là các vấn đề được các đại biểu trong và ngoài nước thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến nhất tại hội thảo quốc tế về Biển Đông lần 2.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á của Indonesia, ông Hasjim Djalal đề xuất đối thọai cần phải được tiếp tục để thúc đẩy hợp tác và sự hiểu biết giữa các quốc gia trong khu vực Biển Đông.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới