(KTSG Online) - Hôm nay (28-12), Cục hàng không Việt Nam cho biết đã đạt được thỏa thuận để nối lại đường bay với các quốc gia, vùng lãnh thổ gồm: Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Campuchia và Mỹ.
Hiện nay, nhu cầu về nước của người Việt ở nước ngoài là rất lớn, với hơn 140.000 người nên Cục Hàng không đề xuất Bộ Giao thông Vận tải tăng tần suất bay một số thị trường từ ngày 1-1 tới.
- Bắt đầu bán vé đường bay Việt Nam – Nhật Bản, giá từ 9 triệu đồng
- Khách Nga quay lại Khánh Hòa, khách Uzbekistan nghỉ dưỡng ở Phú Quốc
- Nếu vẫn còn đếm F0 thì du lịch sẽ mãi không có khách
Đạt được thỏa thuận nối lại 5 đường bay
Theo báo cáo về việc thực hiện kế hoạch nối đường bay quốc tế của Cục Hàng không Việt Nam, cơ quan này đã gửi văn bản tới cơ quan phụ trách hàng không của Nhật Bản, Đài Bắc, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Campuchia và Lào.
Đây là những quốc gia và vùng lãnh thổ được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho ngành hàng không nối đường bay từ ngày 1-1 tới.
Kết quả là 4 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Nhật Bản, Đài Bắc (Đài Loan), Singapore và Campuchia đã đồng ý nối lại chuyến bay với Việt Nam.
Với Nhật Bản, Cục Hàng không Việt Nam cấp phép bay cho các hãng Vietnam Airlines, Vietjet Air và All Nippons Airways. Chuyến bay đầu tiên của Vietnam Airlines vào ngày 5-1-2022, Vietjet Air và All Nippons Airways sau đó một ngày.
Các chuyến bay từ Nhật Bản chưa thể triển khai sớm vào 1-1, từ thời điểm Thủ tướng cho phép nối đường bay do các cơ quan Nhật Bản nghỉ lễ đầu năm mới, hành khách chưa thể xét nghiệm Covid-19 theo quy định.
Với Đài Bắc, Cục Hàng không Việt Nam cấp phép bay đến Đài Bắc cho Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways. Kế hoạch ban đầu là Vietnam Airlines khai thác 1 chuyến/tuần, VietJet Air 2 chuyến/tuần và Bamboo Airways 1 chuyến/tuần. Phía Đài Bắc đề nghị tăng tần suất cho mỗi bên lên tối thiểu 5 chuyến/tuần.
Với Singapore, đảo quốc này thống nhất nối lại đường bay quốc tế với Việt Nam và sẽ thông báo việc phân bổ tải cho hàng không của nước này sau. Về phía Việt Nam, Vietnam Airlines sẽ khai thác tuyến này với tần suất 2 chuyến/tuần và Vietjet Air một chuyến/tuần.
Với đường bay Campuchia, Cục hàng không cấp phép cho Vietnam Airlines 4 chuyến mỗi tuần TPHCM - Phnom Penh và ngược lại.
Ba quốc gia chưa có ý kiến về nối lại đường bay là Hàn Quốc, Lào, Trung Quốc. Phía Thái Lan thì đề nghị trao đổi thêm về nội dung Việt Nam đưa ra.
Riêng với Mỹ do chỉ có Vietnam Airlines đang khai thác và đã được nhà chức trách hàng không hai nước cấp phép khai thác thường lệ nên việc trao đổi là không cần thiết, hãng có thể triển khai bay như kế hoạch.
Nhu cầu về nước cao, đề nghị tăng tần suất bay
Cục hàng không dẫn báo cáo của Bộ Ngoại giao cho biết, nhu cầu về nước của người Việt ở nước ngoài là rất lớn, ước tính có hơn hơn 140.000 người muốn về Việt Nam.
Các hãng hàng không đề nghị tăng tần suất với những thị trường có nhu cầu lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan để đáp ứng nhu cầu này.
Từ đó, Cục hàng không cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép thực hiện như đề xuất của phía Đài Bắc là 5 chuyến/tuần. Chuyến thứ năm phân bổ cho Pacific Airlines.
Thêm vào đò là kiến nghị cho phép nới lỏng biên độ đàm phán với Nhật Bản, Đài Bắc, Hàn Quốc với tần suất mỗi thị trường không vượt quá 10 chuyến/tuần/chiều.
Cơ quan này cũng kiến nghị Bộ không hạn chế việc vận chuyển khách nối chuyến trên các chuyến bay trong thời gian thí điểm và mở các chuyến bay thương mại thường lệ đến châu Âu và Úc.
Hiện nay, rất nhiều Việt kiều ở châu Âu và Úc đang mong có chuyến bay để về quê ăn tết Nguyên Đán 2022. Cục hàng không kiến nghị Bộ cho phép để tiếp tục đàm phán với đối tác để nối chuyến bay từ Pháp, Đức, Nga và Úc với tần suất bay dự kiến là 7 chuyến/tuần với mỗi thị trường.
Tin tốt là VNA và các hãng bay sẽ có nguồn khách hàng vô cùng lớn. Vẫn chưa rõ là giá cả vé máy bay sẽ là bao nhiêu ? Thêm nữa thủ tục “isolate” sẽ là như thế nào ? Nếu không lại tái diễn tình trạng quá cảnh sang Campuchia? Nhân dịp năm mới, để thể hiện tinh thần phục vụ, hãng bay nên có chính sách khuyến mãi mạnh mẽ, thủ tục minh bạch nhanh gọn cho Việt kiều, qua đó lấy lại uy tín cho hàng không nước nhà.