(KTSG Online) – Sức mạnh của đồng đô la Mỹ trong thương mại toàn cầu tăng lên trong tháng 1, chiếm hơn 50% giao dịch ngoại hối quốc tế được thực hiện thông qua hệ thống tin nhắn chuyển tiền của Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (Swift).
- Nhiều ngân hàng trung ương dự kiến tăng dự trữ đô la
- Đô la Mỹ liệu có mất vị thế vào tay nhân dân tệ?

Trong báo cáo hôm 20-2, Swift cho biết, tỷ lệ giao dịch thương mại sử dụng đô la Mỹ trên toàn cầu tăng lên 50,2% trong tháng 1, từ 49,1% trong tháng cuối năm ngoái. Đó là mức sử dụng đồng bạc xanh cao nhất trong thương mại toàn cầu kể từ khi Swift thay đổi cách thu thách dữ liệu thanh toán vào giữa năm 2023.
Với từ cách là đồng tiền dự trữ hàng đầu của thế giới, đô la tiếp tục chi phối dòng chảy thanh toán qua Swift. Trong gần 1 năm rưỡi qua, đô la chiếm trung bình khoảng 48% giao dịch thanh toán thương mại quốc tế, tiếp theo là đồng euro (23%), bảng Anh (7,1%).
Những con số trên nhấn mạnh các hiện thực kinh tế đang củng cố vai trò trung tâm của đô la trong thương mại quốc tế trong bối cảnh có nhiều cuộc tranh luận, đặc biệt là khu vực kinh tế mới nổi, về việc tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng tiền của nước Mỹ.
“Nếu có một đồng tiền thay thế cho đô la, thì đồng tiền đó cần phải tốt hơn đô la”, Marc Chandler, giám đốc chiến lược thị trường của Bannockburn Global Forex và là một chuyên gia kỳ cựu trên thị trường tiền tệ,cho biết tuần trước tại một hội nghị ngành ở thành phố Miami (Mỹ).
Giống như một mạng lưới viễn thông rộng lớn hơn là một hệ thống thanh toán, Swift được các ngân hàng toàn cầu sử dụng để gửi tin nhắn cho nhau khi họ quản lý các giao dịch tiền tệ. Swift bắt đầu tập hợp dữ liệu thanh toán vào năm 2010, nhưng điều chỉnh kỹ thuật về cách theo dõi các số liệu thanh toán dựa trên các tiêu chuẩn báo cáo thương mại được sửa đổi gần đây.
Tất nhiên, không phải tất cả các giao dịch trên thị trường ngoại hối trị giá 7.500 tỉ đô la mỗi ngày đều được thực hiện qua Swift, nơi đã bắt đầu loại trừ một số ngân hàng lớn của Nga khỏi dịch vụ thanh toán quốc tế sau khi Moscow phát động cuộc chiến ở Ukraine vào năm 2022.
Tuy nhiên, dữ liệu thanh toán qua Swift phản ánh rõ các dòng chảy ngoại hối lớn, thúc đẩy hoạt động thương mại toàn cầu theo thời gian. Theo báo cáo đánh giá thường niên gần đây nhất của Swift, công bố vào tháng 6-2024, khoảng 11,9 tỉ lệnh giao dịch đã được gửi qua Swift vào năm 2023. Con số này tăng so với 11,2 tỉ lệnh vào năm 2022.

Trong những năm gần đây, ngày càng có nước tìm cách tìm cách giao dịch thương mại mà không sử dụng đồng đô la Mỹ hoặc các tổ chức tài chính của Mỹ. Một trong số đó là Nga, nước đang tìm cách phát triển nền kinh tế trước các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt của phương Tây.
Khối BRICS, một nhóm 10 nền kinh tế mới nổi bao gồm Nga và Trung Quốc cũng như Brazil, Ấn Độ và Nam Phi đang thảo luận phương án giảm phụ thuộc vào đô la. Khối này đang phát triển một hệ thống nhắn tin thanh toán phi tập trung và độc lập BRICS Pay để thay thế cho Swift. Hệ thống này cho phép các nước thành viên của BRICS giao dịch thương mại với nhau bằng đồng tiền của họ để giảm phụ thuộc vào đô la.
Theo Swift, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc hiện đứng thứ 4 về thị phần trong tổng lưu lượng thanh toán trên Swift, chiếm gần 3,8%, cao gấp đôi so với một thập niên trước. Trong khi đó, các đồng tiền của Brazil và Ấn Độ không nằm trong top 20 thị phần thanh toán qua Swift.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tập trung nhiều hơn vào vai trò của đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế, cảnh báo sẽ đánh thuế 100% đối với nhóm BRICS nếu họ chuyển sang sử dụng bất kỳ đồng tiền nào khác để thay thế đô la.
Phát biểu hôm 13-2 trước cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ở Washington, ông Trump nói: “Nếu họ (các nước BRICS) muốn chơi xấu chống lại đồng đô la, họ sẽ bị đánh thuế quan 100%”.
Theo Boomberg