Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hồn Tết phương Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hồn Tết phương Nam

Hoài Vũ

(TBKTSG Xuân) - Nhà văn Sơn Nam đã viết: “Ăn Tết mình phải về quê. Ở quê mới có cái không khí Tết dân tộc. Xưa nay đều vậy cả”. Đúng như ông nghĩ. Trong ký ức tuổi thơ, Tết đến với tôi rất sớm. Mới nửa tháng Chạp mà đó đây đã lai rai tiếng quết bánh phồng thình thịch trong sương sớm. Ở miệt vườn, người tráng bánh, kẻ làm mứt, lặt củ kiệu, ép chuối phơi khô. Ngoài đồng thì bà con tát đìa, trong vườn trẻ con lặt lá mai, người người tất bật chuẩn bị Tết. Đặc biệt, chiều 29 Tết, trong xóm lại có vài nhà làm heo, bà con hàng xóm xúm xít chia thịt, ra Giêng lấy lúa trừ tiền.

Hồn Tết phương Nam
Ảnh: Văn Thanh

Giờ đây, cứ mỗi lần Tết đến là tôi lại nhớ mùi lúa chín, mùi rơm rạ, mùa hoa lá, mùi áo mới, mùi chuối phơi khô, mùi củ kiệu... nhớ đến quay quắt không sao chịu nổi. Đã ba bốn mươi mùa xuân đi qua, tôi đâu còn cầm gàu tát đìa, đâu còn dỡ chà cá hoặc quậy mương bắt tôm ăn Tết, cũng không nghe được tiếng quết bánh phồng, một thứ âm vang quen thuộc, gần gũi tự bao đời đã đi vào hồn, vào tâm thức của mỗi người. Tôi cũng ít có dịp chứng kiến các cụ già săm soi mấy chậu mai chậu kiểng, rồi nào chùi lư, quét dọn và cắt xén lại hàng dâm bụt cho thật tinh tươm. Hồi tôi còn nhỏ, gần đến Tết, đêm trăng nào cũng nghe tiếng giã gạo chày đôi, chày ba. Nay những thứ âm thanh huyền diệu đó đã đi vào quá khứ xa xăm.

Mùa xuân là mùa diễm lệ nhất để con người giao hòa với trời đất. Nhà nào cũng muốn đưa một mảnh thiên nhiên vào cuộc sống. Dù nghèo hay giàu, ở thành thị hay thôn quê, trên bàn thờ mỗi nhà cũng đều có một bình hoa và dĩa trái cây. Tết là thời khắc thiêng liêng nhất, là “khí” của trời đất nảy sinh, giúp con người thể hiện những tình cảm cao đẹp, giải tỏa tâm trí.

Tuổi thơ ai mà chẳng hơn một lần chứng kiến cảnh đưa ông Táo về trời, nhất là buổi cơm đoàn tụ, cúng rước ông bà chiều 30 Tết, rồi nào mừng tuổi, nhận tiền lì xì... Và còn bao nỗi nhớ, nhớ da diết nồi bánh tét trên bếp lửa hồng nổ lách tách, nhớ từng hũ tương, vịm dưa cải, món mứt dừa và keo củ kiệu của mẹ tự tay làm.

Tết nay, khó mà tìm được hình ảnh cô thôn nữ duyên dáng trong chiếc áo bà ba ngồi lặt củ kiệu hoặc xay bột gõ bánh in, hay bà mẹ quê ngồi gói bánh tét hoặc ép chuối phơi khô. Ngay cả cụ già ngồi chùi lư cũng vắng bóng vì đã có máy móc làm thay. Chúng ta đang ở vào thời kỳ hội nhập và phát triển, nhiều giá trị tinh thần và vật chất đã được đánh giá sàng lọc lại. Do đó, nhiều cái cũ đã mất đi, cái mới lại ra đời. Chuyện bánh tét, bánh chưng, dưa kiệu củ hành... không còn nguyên vẹn ý nghĩa như xưa. Nếu cần, phụ nữ chỉ ra chợ hoặc siêu thị là có ngay mọi thứ, không cần phải tốn công, tốn sức, cầu kỳ để thi thố tài nữ công gia chánh.

Ngày nay, không khí đón Tết tuy không rộn ràng tất bật như xưa, nhưng cứ Tết đến là ai nấy cũng muốn trút hết những gánh nặng lo âu để tận hưởng cái cảm giác êm đềm của một ngày đầu xuân. Tết không chỉ là ngày đoàn tụ gia đình, ngày ăn uống thỏa thuê hoặc gặp nhau để chúc phúc mà còn là ngày để xóm giềng thăm hỏi lẫn nhau. Chính những tình cảm cao đẹp đó sẽ giúp cho mọi người bừng lên một sức sống mới, một niềm hạnh phúc mà ai cũng mong đợi trong những ngày đầu năm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới