Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và bùng phát nghiêm trọng trong đợt dịch thứ 4 đã gây áp lực lên toàn nền kinh tế nói chung cũng như các lĩnh vực kinh doanh nói riêng, bao gồm tín dụng tiêu dùng. Đặc biệt, thách thức đặt ra còn lớn hơn cho các công ty tài chính dẫn đầu như FE Credit, với thị phần theo một cuộc khảo sát gần đây vào khoảng 50% thị trường.
Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE CREDIT) mới công bố kết quả kinh doanh quý 3-2021 với giá trị giải ngân đạt 10.300 tỉ đồng, đồng thời doanh số giảm so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc khách hàng khó tiếp cận nguồn vay, đặc biệt ở các khu vực công nghiệp trọng điểm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như TPHCM, Bình Dương… đây vốn là những khu vực tập trung khách hàng có nhu cầu vay tiêu dùng cao. Ngoài ra, trong giai đoạn dịch bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp, công ty đã chủ động hạn chế việc giải ngân mới, tập trung củng cố danh mục để tăng trưởng trở lại ngay sau khi đại dịch đi qua.
Đồng thời, lệnh phong toả được áp dụng tại các tỉnh và thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội cùng các tỉnh thành lân cận kéo dài suốt quý 3 khiến nhiều điểm giới thiệu sản phẩm, dịch vụ (POS) của công ty tài chính tạm thời đóng cửa. Điều này đã kìm hãm cả hoạt động cho vay mới và thu nợ của doanh nghiệp.
Theo đó, khoản phải thu ròng cuối cùng (ENR) của FE Credit chỉnh nhẹ về mức 62.431 tỉ đồng. Thu nhập từ hoạt động kinh doanh trong quý 3 đạt 3.100 tỉ đồng, giảm so với cùng kỳ.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, công ty cũng tiến hành tăng vốn điều lệ nhằm đảm bảo an toàn tài chính như thanh khoản về vốn. Kết quả, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của FE Credit cải thiện đáng kể, lên mức 21,6% trong quý 3-2021. Cùng với đó, chi phí vận hành (OPEX) & chi phí sử dụng vốn giảm đáng kể cũng cho thấy hiệu quả tối ưu hóa chi phí nhờ ứng dụng công nghệ vào quy trình quản lý và vận hành.
Mặc dù kết quả kinh doanh quý 3 ít tích cực nhưng Covid-19 cũng là cơ hội để FE Credit rà soát và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, sẵn sàng cho đà tăng trưởng trở lại hậu đại dịch.
Đánh giá về triển vọng kinh doanh trong tương lai phía FE Credit chia sẻ: “Bức tranh ngắn hạn có thể còn nhiều điều chưa chắc chắn nhưng triển vọng dài hạn của thị trường tài chính tiêu dùng và sự phát triển của FE Credit vẫn đang ở phía trước. Chúng tôi xác định thách thức cũng chính là cơ hội cho Công ty sau đại dịch”.
Bởi, Covid-19 dù gây nhiều ảnh hưởng nhưng cũng góp phần thay đổi hành vi của khách hàng, cụ thể là tạo ra dịch chuyển hành vi tiêu dùng sang các nền tảng kỹ thuật số, không chỉ cho các khoản vay mà còn các giao dịch khác như trả nợ và mua sắm.
Với sự chuẩn bị bài bản, FE Credit tự tin rằng nền tảng công nghệ hiện có sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng. Chưa kể, với sự tham gia của đối tác Nhật, việc ứng dụng công nghệ và sáng tạo chắc chắn sẽ được đẩy mạnh hơn nữa.
Trong thời gian tới, FE Credit sẽ tiếp tục khai khác tiềm năng của hơn 12 triệu khách hàng sẵn có, thông qua các sản phẩm không tốn phí, cung cấp hạn mức tín dụng cho khách hàng ngay trên các nền tảng công nghệ, thay vì tiếp cận qua các kênh telesales như hiện nay.
Công ty cũng đã có nhiều sáng kiến để nâng cao hiệu quả thu hồi nợ, trong đó thiết lập các chiến lược phù hợp cho từng phân khúc khách hàng khác nhau, nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ xử lý nợ, cùng với các hoạt động pháp lý đang được đẩy mạnh, đồng thời tập trung thanh lý danh mục đầu tư đã tái cơ cấu để tối ưu hóa khả năng thanh khoản.
Bên cạnh các sáng kiến hiện tại, công ty cũng lên chiến lược tập trung trong năm 2020 với việc mở rộng hoạt động cho vay tới các nhóm đối tượng khách hàng cận cao cấp, với các sản phẩm chuyên nghiệp và chuyên biệt hơn như khoản vay dành riêng cho giáo viên, y bác sĩ…
Đặc biệt với sự tham gia của cổ đông chiến lược SMBC trong thời gian tới, giới chuyên môn kỳ vọng FE Credit sẽ tận dụng cơ hội tiềm năng này để cải thiện chi phí huy động vốn, nâng cao hiểu quả quản trị rủi ro, phát triển sản phẩm mới, đồng thời tiếp nhận những sáng tạo công nghệ phong phú từ đối tác Nhật Bản để mở rộng hệ sinh thái, củng cố những chiến lược sắp tới của công ty.