Thứ Tư, 17/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Hợp tác ‘cộng sinh’ để cùng nhau bứt phá

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hợp tác, liên kết để TPHCM và Tây Nguyên cùng nhau bứt phá. Đây là nhận định của nhiều đại biểu tại hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TPHCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên diễn ra tại Lâm Đồng ngày 29-12. Sự hợp tác, kết nối không chỉ giúp cho các doanh nghiệp có cơ hội hợp tác làm ăn mà còn phát triển việc đầu tư, mở rộng thị trường.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi (trái) và Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm tiêu biểu của các địa phương trong khuôn khổ sự kiện diễn ra ở thành phố Đà Lạt.

Chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TPHCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có sức lan tỏa rộng trên các lĩnh vực: đầu tư, xúc tiến đầu tư và thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, văn hóa – du lịch, y tế, giáo dục…

Kết nối cung – cầu, tìm đầu ra ổn định cho hàng hóa

Chia sẻ với KTSG Online tại Hội nghị Tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TPHCM với các tỉnh vùng Tây Nguyên vào chiều ngày 29-12 tại tỉnh Lâm Đồng, bà Võ Thị Thu, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) chuối Laba Banana Đạ K’Nàng (Lâm Đồng), cho biết nhờ có chương trình hợp tác giữa TPHCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên mà HTX bà có nhiều khách hàng lớn tại TPHCM.

Cụ thể thông qua việc tham gia các chương trình hội chợ tiêu dùng, kết nối kinh doanh hoặc triển lãm hàng hóa giữa TPHCM và tỉnh Lâm Đồng tổ chức mà doanh nghiệp bà đã có mối lương duyên làm ăn lâu dài với các doanh nghiệp lớn của thành phố với lượng chuối tiêu thụ hàng chục tấn chuối mỗi ngày.

Đơn cử như Công ty Nông sản Cao Vũ (tiêu thụ 1-3 tấn/ngày), HTX thương mại nông sản Tường Nguyên (1-3 tấn/ngày), Công ty Hưng Thịnh LD (khoảng 500 kg/ngày),…

Đáng chú ý, hơn 2 năm qua, Công ty xuất nhập khẩu nông sản Việt Nhật, trung bình mỗi ngày mua 20 tấn chuối của Laba Banana Đạ K’Nàng để cung cấp cho các hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị,… khắp thành phố, điều không dễ dàng đối với hầu hết doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Ngoài ra, thông qua các khách hàng này, sản phẩm chuối của Laba Banana Đạ K’Nàng còn được đưa đi bán khắp cả nước cũng như xuất đi Đài Loan.

Không riêng HTX nói trên, hàng loạt doanh nghiệp khác của các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên khác cũng “hưởng lợi” từ chương trình hợp tác tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TPHCM với các tỉnh vùng Tây Nguyên.

Trên thực tế, thương mại – dịch vụ là lĩnh vực được đánh giá duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm qua tại TPHCM. Những yếu tố tạo nên kết quả này là do hạ tầng thương mại phát triển, việc lưu thông hàng hóa xuyên suốt, góp phần đảm bảo cân đối cung – cầu, ổn định giá cả thị trường.

Do đó, trong chương trình hợp tác với các tỉnh Tây Nguyên, thời gian qua TPHCM thực hiện vai trò kết nối cung – cầu hàng hóa giữa thành phố và các tỉnh Tây Nguyên bằng nhiều hoạt động như chương trình bình ổn thị trường, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, phân phối hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến và mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng, chợ đầu mối… trên địa bàn thành phố.

TPHCM cũng đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ các địa phương để phát triển mô hình chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, xây dựng nguồn nguyên liệu bền vững cho ngành nông nghiệp chế biến thực phẩm của thành phố.

Các đại biểu nhìn nhận thế mạnh của Tây Nguyên là nông sản và TPHCM là thị trường tiêu thụ đến 60% sản lượng nông sản. Ngoài ra, trong quá trình hợp tác, dòng tiền, công nghệ đã được chuyển dịch đến các tỉnh Tây Nguyên tạo tiền đề để có những bứt phá trong tương lai.

Ông Lê Trường Sơn, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, cũng cho biết nhà bán lẻ hàng đầu trong nước này trong nhiều năm qua đã tham gia nhiều hoạt động kết nối cung cầu ở khu vực Tây Nguyên, tổ chức thu mua nhiều nông sản, hoa tươi tại khu vực này để kinh doanh trong chuỗi bán lẻ ở TPHCM và nhiều tỉnh thành.

Đáng chú ý, theo ông Sơn, khu vực Tây Nguyên hiện có nhiều nhà cung cấp chiến lược cho Saigon Co.op cung cấp các sản phẩm rau củ quả chủ lực của vùng với sản lượng khoảng 12.000 tấn/năm…

Trong bối cảnh nhu cầu người tiêu dùng thay đổi “ăn no sang ăn an toàn” thì các nhà sản xuất, trồng trọt,… cần lưu ý để làm sao sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải đạt chất lượng và độ an toàn thật cao.

Bà Thu của HTX chuối Laba Banana Đạ K’Nàng cũng cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ kết nối cung cầu hàng hóa giữa chính quyền hai địa phương, kết quả khả quan còn đến từ chính sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các tổ chức, doanh nghiệp trong mục tiêu đáp ứng các tiêu chuẩn cao về chất lượng sản phẩm an toàn và dinh dưỡng. “Điều may mắn là chuối Laba Banana Đạ K’Nàng của chúng tôi đã đến được với người tiêu dùng Nhật Bản, Hàn Quốc,… vốn là những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn. Do đó, khi có cơ hội là chúng tôi nhanh chóng nắm bắt”, bà Thu chia sẻ.

Nhiều khách mời dùng thử sản phẩm của một doanh nghiệp Tây Nguyên.

Đại ngàn – điểm đến đầu tư của doanh nghiệp TPHCM

Bên cạnh việc tìm kiếm nguồn cung nông sản chất lượng cao, an toàn và ổn định, các doanh nghiệp của TPHCM cũng nhìn thấy những cơ hội về đầu tư từ vùng Tây Nguyên, đặc biệt trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến và thương mại.

Trao đổi với KTSG Online bên lề sự kiện, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành (TPHCM), cho biết nhìn thấy tiềm năng lớn về phát triển du lịch ở thành phố ngàn hoa, hơn 6 năm trước Công ty Lê Thành đã quyết định đầu tư khách sạn ở thành phố Đà Lạt. Khách sạn LA Đà Lạt tiêu chuẩn 5 sao với 300 phòng được đưa vào khai thác được khoảng 4 năm nay.

“Loại trừ ảnh hưởng dịch bệnh nặng do Covid-19 kéo dài, thời gian còn lại công suất cho thuê phòng tại khách sạn LA ĐàLạt tương đối hiệu quả”, ông Nghĩa nói, và dự báo: “Với tình hình kinh doanh thuận lợi như hiện nay và ngành du lịch ở Lâm Đồng ngày càng phát triển, chúng tôi tin rằng sẽ sớm hoàn được số tiền 1.000 tỉ đồng vốn đầu tư vào khách sạn LA Đà Lạt vào những năm tới”.

Đến với hội nghị này, ông Nghĩa cho biết Lê Thành mong muốn tìm được cơ hội đầu tư một khách sạn tiêu chuẩn 5 sao nữa ở các tỉnh Tây Nguyên, trong đó điểm ngắm là tỉnh Kon Tum.

Cũng liên quan đến đầu tư vào bất động sản du lịch, ông Lê Tấn Hòa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Daksun Hill (TPHCM), cho KTSG Online biết nhận thấy Đắk Nông có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái nên Daksun Hill đã đề xuất được đầu tư dự án khu nhà ở nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái hơn 2.000 tỉ đồng tại địa phương này. Theo kế hoạch, Daksun Hill sẽ phát triển dự án trên khu đất rộng hơn 200 ha, trong đó dự án sẽ được phát triển loại hình cao cấp.

Cũng trao đổi với KTSG Online bên lề sự kiện, ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết hiện nay Saigon Co.op đã phát triển mạng lưới siêu thị rộng khắp khu vực các tỉnh Tây Nguyên với 8 Co.opmart gồm: Co.opmart Pleiku, Buôn Mê Thuột, Bảo Lộc, Đak Nông, Chư Sê, Kon Tum, Buôn Hồ, và Cư Mgar.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, số điểm bán lẻ của Saigon Co.op tại khu vực này còn ít và dư địa thị trường tiêu thụ ở vùng Tây Nguyên còn rất lớn. Do đó, Saigon Co.op mong muốn chính quyền các địa phương tạo điều kiện để nhà bán lẻ này có cơ hội phát triển nhiều điểm bán lẻ khác trong thời gian tới. Ông Sơn chia sẻ, giai đoạn 5 năm tới (2023-2027), Saigon Co.op sẽ đẩy mạnh phát triển các siêu thị mới tại các địa phương này, kể cả mang mô hình đại siêu thị và hệ thống cửa hàng các loại.

Hàng loạt nhà bán lẻ khác như Nguyễn Kim, Bách Hóa Xanh,… cùng nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác của TPHCM cũng đã đầu tư sản xuất kinh doanh tại các tỉnh Tây Nguyên.

Trên thực tế, nhằm góp phần vào phát triển kinh tế tại địa phương, trong những năm qua, các tỉnh vùng Tây Nguyên đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước; trong đó đã thu hút doanh nghiệp TPHCM quan tâm đầu tư nhiều dự án.

Cụ thể tỉnh Đắk Lắk đã thu hút 50 dự án đầu tư của các nhà đầu tư đến từ TPHCM với tổng vốn hơn 6.000 tỉ đồng. Trong đó đáng chú ý là Trung tâm Metro Cash & Carry Buôn Ma Thuột, nhà máy chế biến cà phê xuất khẩu Intimex Buôn Ma Thuột, Trung tâm thương mại Nguyễn Kim; Khách sạn Sài Gòn – Ban Mê,… đã góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Đắk Nông có 27 dự án với số vốn đăng ký gần 2.000 tỉ đồng, Kon Tum 9 dự án với 542 tỉ đồng; tỉnh Lâm Đồng 146 dự án với tổng vốn đăng ký 23,4 nghìn tỉ đồng; Gia Lai thu hút 43 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 50 ngàn tỉ đồng.

Sau giai đoạn 2010-2021, hợp tác giữa TPHCM với các tỉnh vùng Tây Nguyên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên lĩnh vực thương mại; nông nghiệp; nông, lâm nghiệp… Đặc biệt, trong lĩnh vực đầu tư, các doanh nghiệp TPHCM đã đầu tư hàng chục nghìn tỉ đồng vào vùng Tây Nguyên.

Các dự án được triển khai hiệu quả đã góp phần tăng thu ngân sách và giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh trong vùng.

Theo lãnh đạo các tỉnh Tây nguyên, chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TPHCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên đã góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết nhiều việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và kỳ vọng sẽ tiếp tục là động lực để vùng Tây Nguyên bứt phá trong thời gian tới.

Vẫn còn nhiều điều cần cải thiện

Một doanh nghiệp TPHCM cũng mang máy móc, công nghệ đến hội nghị để quảng bá sản phẩm đến doanh nghiệp và đại diện các tỉnh Tây Nguyên.

Mặc dù vậy, tại hội nghị, các đại biểu cho rằng cơ chế hợp tác giữa hai địa phương chủ yếu là hỗ trợ một chiều của TPHCM cho các tỉnh trong vùng, các kết quả hợp tác kinh tế – xã hội chưa ngang tầm với tiềm năng, thế mạnh của hai địa phương, nhất là các dự án thuộc lĩnh vực kinh tế và lĩnh vực đầu tư xã hội hóa.

Qua thời gian triển khai hợp tác, các hoạt động, chương trình chưa có chiều sâu. Các nội dung thỏa thuận hợp tác chưa cụ thể chuyên sâu các lĩnh vực được đánh giá mang lại hiệu quả, và chưa có kế hoạch cụ thể triển khai chương trình. Chương trình hợp tác chưa đi vào trọng tâm: quá dàn trải trên nhiều ngành lĩnh vực, không xác định lĩnh vực nào là trọng tâm, là đột phá dẫn đến không tận dụng được thế mạnh của từng bên.

Đáng chú ý, trong thời gian qua, TPHCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên gặp rất nhiều khó khăn, đứng trước nhiều thách thức cần tập trung giải quyết, ưu tiên tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sớm phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là nguyên nhân khách quan khiến cho sự hợp tác giữa các tỉnh và thành phố trong thời gian qua có phần chững lại và hiệu quả chưa đạt như kỳ vọng.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, khẳng định, TPHCM trong quá trình phát triển luôn xem việc liên kết, hợp tác với các địa phương là điều kiện, động lực để thành phố phát triển nhanh và bền vững, đặc biệt hợp tác với các tỉnh Tây Nguyên thời gian qua đóng góp quan trọng cho phát triển của thành phố.

Theo ông Mãi, Tây Nguyên là trung tâm nông nghiệp, cây ăn trái. Các địa phương phát huy thế mạnh, lợi thế vốn có, đây cũng là nhu cầu của TPHCM trong tiêu thụ và chế biến xuất khẩu. Về kết nối cung – cầu, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, để các sản phẩm của địa phương đi vào các chuỗi cung ứng lớn thì các bên liên quan phải bàn kỹ việc xây dựng vùng nguyên liệu, tổ chức sản xuất, phân phối sản phẩm. Kết nối cung – cầu với Tây Nguyên là ưu tiên của TPHCM. Tới đây, TPHCM sẽ đề nghị SATRA, Co.opmart… tăng cường hợp tác với các địa phương.

Cũng tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM và lãnh đạo các địa phương đã trao 29 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên với TPHCM trên nhiều lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới