(KTSG Online) - Đến năm 2025, số lượng hợp tác xã nông nghiệp hoạt động đạt loại tốt và khá chiếm từ 60% trở lên trong tổng số hợp tác xã trong cả nước.
Đây là điểm đáng chú ý được đưa ra trong Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới vừa được Chính phủ ban hành.
Theo Chinhphu.vn, nghị quyết 106 đưa ra mục tiêu đến năm 2025 là nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp theo định hướng phát triển bền vững; ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, ưu tiên phát triển hợp tác xã nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…, và đến thời gian đó sẽ có ít nhất 300 mô hình hợp tác xã nông nghiệp điển hình hoạt động hiệu quả, doanh thu bình quân của hợp tác xã đạt từ 5 tỉ đồng/năm trở lên.
Có khoảng 30% cán bộ trong Ban giám đốc, thành viên hội đồng quản trị, Ban kiểm soát được đào tạo nghề giám đốc hợp tác xã nông nghiệp theo chương trình đào tạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các cơ sở đào tạo khác, ưu tiên đào tạo lực lượng cán bộ trẻ, cán bộ nữ tham gia quản lý, điều hành hợp tác xã… .
Cùng với đó, Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu là thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phấn đấu có trên 3.000 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng biện pháp thực hành nông nghiệp tốt (GAP), kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
Theo thống kê của Liên minh hợp tác xã Việt Nam, tính đến hết năm 2022, cả nước có hơn 29.000 hợp tác xã, thu hút gần 7 triệu thành viên là các hộ gia đình nhưng chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn. Tổng vốn điều lệ là hơn 54.000 tỉ đồng, bình quân mỗi hợp tác xã là hơn 1,85 tỉ đồng.