Thứ Hai, 7/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

HoREA kiến nghị sửa đổi Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 06/2023/TT-NHNN và tới 1-9 thông tư này mới có hiệu lực. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bất động sản TPHCM lo ngại những quy định mới sẽ hạn chế vay tín dụng, và kiến nghị sửa đổi nhiều vấn đề liên quan.

HoREA lo ngại những quy định mới của Thông tư 06/2023/TT-NHNN sẽ hạn chế vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản - Ảnh minh họa: Lê Hoàng.

Theo TTXVN, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 06/2023/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Thông tư 06 đến ngày 1-9-2023 mới có hiệu lực, thế nhưng các doanh nghiệp bất động sản TPHCM đã có văn bản kiến nghị sửa đổi.

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng Thông tư 06 quy định tổ chức tín dụng không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay.

Trong đó quy định "dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh" chưa đồng bộ, thống nhất với Điều 55 và khoản 1 Điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản 2014: "điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh".

Do vậy, đã hạn chế vay tín dụng đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại, khu đô thị ngay tại thời điểm mà chủ đầu tư có nhu cầu bổ sung vốn tín dụng cao nhất để triển khai thực hiện xây dựng các công trình của dự án.

Theo HoREA, ở thời điểm này, chủ đầu tư đã bỏ ra một khoản tiền rất lớn để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp phép xây dựng. Chủ đầu tư có nhu cầu vay vốn tín dụng (bổ sung) để đầu tư xây dựng các công trình của dự án và dự án đã có đủ pháp lý thuộc giai đoạn thực hiện dự án, nhưng chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh nên chưa được phép huy động vốn của khách hàng theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2014.

Ở góc độ khác, nếu dự án đã đủ điều kiện đưa vào kinh doanh thì chủ đầu tư sẽ không đi vay tín dụng ngân hàng với lãi suất cao; chủ đầu tư được phép mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai, được huy động vốn từ khách hàng. Đây là nguồn vốn rẻ nhất, hiệu quả nhất của doanh nghiệp bất động sản do không bị áp lực phải trả lãi, trả vốn gốc, mà chỉ cần sớm hoàn thành dự án để bàn giao nhà cho khách hàng.

Cũng theo TTXVN, quy định cấm cho vay tại khoản 2 Điều 1 thông tư mới theo HoREA không chỉ tác động đến hoạt động kinh doanh bất động sản thuộc ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, mà còn tác động tiêu cực đến đầu tư phát triển nói chung.

Bởi việc áp dụng đối với mọi dự án đầu tư, nên một số dự án đầu tư khác bị rơi vào trường hợp bị cấm cho vay, như các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) thực hiện các công trình hạ tầng, cầu đường, cảng, sân bay, nhà máy phát điện, bệnh viện, trường học, nông, lâm, ngư nghiệp… do khi các dự án PPP đã đủ điều kiện đưa vào kinh doanh cũng là lúc dự án đã hoàn thành.

Lúc này, chủ đầu tư sẽ có nguồn thu từ dự án và chủ đầu tư không còn nhu cầu huy động vốn để thực hiện dự án đầu tư nữa. Do đó, doanh nghiệp sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận là chủ đầu tư dự án PPP đã đủ điều kiện pháp lý và tại thời điểm này mới phát sinh nhu cầu huy động vốn để bù đắp tài chính cho các khoản đầu tư thực hiện dự án, hoặc có nhu cầu tìm đối tác để mời góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án.

Đại diện HoREA cho rằng, điều cấm này của Thông tư 06 dẫn đến hệ quả chủ đầu tư phải có đủ nguồn vốn đầu tư, có khả năng tự mình vay vốn để thực hiện dự án, hoặc tìm được "bên thứ ba" có đủ năng lực, có thể huy động vốn của nước ngoài để có thể tham gia góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh phát triển dự án.

Với quy định trên, khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp trong nước không nhiều, nhưng lại tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài do có lợi thế "nguồn vốn rẻ". Vì vậy, quy định chưa tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp nội địa trong giai đoạn phục hồi sau Covid-19.

Ngoài ra, quy định cũng chưa tạo điều kiện cho chủ đầu tư dự án bất động sản được hợp tác với các nhà đầu tư. Vì điều khoản không cho phép nhà đầu tư vay vốn tín dụng để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư trong giai đoạn dự án đang triển khai đầu tư xây dựng nhưng chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh, dù dự án đã có đầy đủ pháp lý như quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc giấy phép xây dựng…

Trong khi đó, đây cũng là thời điểm mà chủ đầu tư có nhu cầu hợp tác với nhà đầu tư thứ cấp để được bổ sung vốn, cùng hưởng lợi nhuận, cùng chia sẻ rủi ro.

Với những giải trình trên, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi Thông tư 06 theo hướng bỏ quy định tổ chức tín dụng không được cho vay đối với trường hợp dự án đã có đầy đủ pháp lý hoặc dự án có sử dụng đất đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc đã được cấp giấy phép xây dựng.

1 BÌNH LUẬN

  1. Tín dụng, suy cho cùng, phải đúng với mục tiêu đề ra, đạt được mục đích mong muốn cho toàn bộ nền kinh tế. Mọi nguồn tiền, từ trong dân hay từ ngân hàng mà ra, đều phải tập trung vào định hướng này. Lợi ích của một hoặc nhiều người, nhiều đại gia, nếu đi ngược lại với mục tiêu này, cũng cần phải kiểm soát và kiềm chế, kể cả bị bác bỏ. Để làm được điều này, cần phải có một hệ thống chính sách công khai, minh bạch, thông thoáng, dễ hiểu, dễ làm. Nếu một chính sách cứ cầm tay chỉ việc từng thứ một, thì đó không phải là chính sách thực sự. Đó chỉ là sự biến tướng, chẻ nhỏ chính sách lớn thành những quy trình con. Mọi việc sẽ trở nên rối rắm, khó hiểu, khó làm, vướng vào mê hồn trận xin – cho không bao giờ dứt.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới