Thứ Ba, 16/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

HSBC: Việt Nam đang tiến lên trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thống kê cho thấy dòng vốn FDI vẫn tiếp tục chảy mạnh vào các nước Đông Nam Á, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất. Trong đó Việt Nam và Indonesia là hai thị trường nhận nhiều vốn FDI nhất. Việt Nam đang chuyển mình thành trung tâm sản xuất công nghệ, Indonesia lại tập trung vào chuỗi cung ứng xe điện.

Đây là nhận định trong báo cáo mới của nhóm phân tích của HSBC về dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) vào khu vực ASEAN. Một điểm đáng chú ý là sau mỗi cuộc khủng hoảng, vốn FDI lại chảy vào khu vực này nhiều hơn.

Chẳng hạn như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (GFC) năm 2008-2009, tổng lượng vốn FDI chảy vào nhóm ASEAN-6 (Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines) trung bình mỗi năm đạt gần 127 tỉ đô la Mỹ kể từ năm 2010, gần gấp ba lần so với một thập niên trước đó (mức trung bình trong giai đoạn 2000-2009 là 41 tỉ đô la).

Tương tự, lượng FDI ròng (chênh lệch đầu tư vào và ra nước ngoài) trung bình đạt gần 54 tỉ đô la một năm kể từ 2010, gần gấp bốn lần so với một thập niên trước đó.

Còn ví dụ mới nhất là kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu, dòng chảy FDI vẫn đứng vững. Năm 2020, ASEAN-6 thu hút lượng FDI cao kỷ lục, chiếm khoảng 13% FDI toàn thế giới, phần lớn nhờ vào sự bùng nổ đầu tư vào Singapore.

Theo HSBC, lý do là vì các công ty đa quốc gia tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại những nền kinh tế tăng trưởng nhanh và có lợi thế về chi phí. Bên cạnh đó, những cải cách trong khuôn khổ pháp lý dành riêng cho FDI tại từng quốc gia ASEAN trong những năm gần đây giúp thu hút thêm nguồn vốn đầu tư đáng kể.

Thêm nữa, không phải tất cả đều hưởng lợi như nhau từ dòng vốn FDI. Chẳng hạn như sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, phần lớn vốn lại chảy vào Singapore, quốc gia được biết đến như là trung tâm tài chính của khu vực.

Còn về khu vực sản xuất, Malaysia và Việt Nam là hai thị trường nổi bật. Trong khi lượng vốn FDI được phê duyệt trong quí 4-2021 của Malaysia vọt lên chiếm 12% GDP, Việt Nam đã chuyển đổi thành trung tâm sản xuất mới nổi của toàn cầu, chiếm được thị phần toàn cầu đáng kể trong nhiều lĩnh vực, bao gồm dệt may, giày dép và điện tử tiêu dùng, theo HSBC.

Theo đó, dòng chảy FDI mới vào Việt Nam từ thập niên 2010, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, vẫn luôn chiếm 4-6% GDP.

Ban đầu, phần lớn vốn đầu tư đổ vào các lĩnh vực tạo giá trị gia tăng thấp như dệt may và giày dép, nhưng trong hai thập niên gần đây Việt Nam đang tiến lên trong chuỗi giá trị, trở thành trung tâm sản xuất chính cho các sản phẩm điện tử.

Thống kê cho thấy xuất khẩu hàng điện tử đã đạt mức cao kỷ lục 100 tỉ đô la trong năm 2021, chiếm hơn 30% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Vào 20 năm trước, con số tỷ trọng chỉ là 5%.

Xu hướng này càng phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, không chỉ nâng cao sản lượng xuất khẩu của Việt Nam mà còn gia tăng dòng chảy FDI vào trong nước. Mặc dù quá trình này phần nào bị gián đoạn do Covid-19, FDI vào Việt Nam vẫn rất ổn định.

Theo báo cáo của HSBC, chiến lược thu hút FDI cạnh tranh và những điều kiện vĩ mô cơ bản lành mạnh của Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút nguồn FDI chất lượng, yếu tố chính giúp nền kinh tế tiến lên trong chuỗi giá trị.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới