(KTSG Online) - Tập đoàn công nghệ Huawei Technologies của Trung Quốc đang tìm cách thu phí từ khoảng 30 công ty lớn nhỏ của Nhật Bản đang sử dụng công nghệ đã được đăng ký bản quyền của tập đoàn này. Huawei cũng được cho là đang đẩy mạnh hoạt đông thu phí bản quyền ở Đông Nam Á, theo Nikkei Asia.
- Mỹ dừng xuất khẩu công nghệ cho Huawei
- Các hãng xe lo ngại sự thống trị bản quyền công nghệ kết nối của Trung Quốc
Một nguồn tin ở văn phòng chi nhánh của Huawei tại Nhật Bản tiết lộ Huawei đang đàm phán ký hợp đồng cấp phép sử dụng bản quyền công nghệ cho khoảng 30 công ty Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến viễn thông.
Việc một nhà sản xuất lớn đàm phán trực tiếp với các khách hàng nhỏ hơn về phí sử dụng bản quyền công nghệ là điều hết sức bất thường. Điều này dường như cho thấy Huawei đang đối mặt với một môi trường kinh doanh ngày càng thách thức khi các lệnh trừng phạt của Mỹ cản trở tập đoàn này bán thiết bị ra nước ngoài.
Huawei đang yêu cầu phí sử dụng bản quyền công nghệ từ các các công ty sử dụng mô-đun giao tiếp không dây được sản xuất dựa trên công nghệ đã được cấp bằng sáng chế của tập đoàn này. Mức phí được yêu cầu dao động từ mức cố định 50 yen (0,35 đô la Mỹ) trở xuống cho mỗi đơn vị sản phẩm hoặc 0,1% giá của một đơn vị sản phẩm trở xuống.
Nguồn tin từ một số công ty Nhật Bản cho biết, các doanh nghiệp nhỏ chỉ vài nhân viên cho đến các công ty khởi nghiệp có hơn 100 nhân viên, đều nhận được yêu cầu trả phí bản quyền từ Huawei.
Toshifumi Futamata, một nhà nghiên cứu ở Đại học Tokyo, cho biết: “Mức phí này tương đương với tiêu chuẩn quốc tế”.
Huawei nắm giữ một tỷ lệ cao các bằng sáng chế tiêu chuẩn thiết yếu (SEP), cần thiết cho các tiêu chuẩn truyền thông không dây như 4G hoặc Wi-Fi. Bất cứ thứ gì kết nối với internet đều cần phải có giấy phép sử dụng bằng sáng chế thiết yếu tiêu chuẩn (SEP) từ các công ty như Huawei.
Thiết bị do các công ty khác sản xuất tương thích với các tiêu chuẩn đó cũng sử dụng công nghệ đã được cấp bằng sáng chế của Huawei. Điều này có nghĩa là nếu Huawei yêu cầu, nhiều công ty sử dụng các thiết bị kết nối internet có liên quan sẽ phải trả phí sử dụng bản quyền bằng sáng chế.
Ngay cả các công ty Nhật Bản không sử dụng sản phẩm của Huawei cũng có thể phải chịu khoản phí bất ngờ. Hơn nữa, nhiều công ty vừa và nhỏ không quen với các cuộc đàm phán cấp phép sử dụng bản quyền công nghệ. Vì vậy, họ lo ngại về việc ký kết hợp đồng với các điều khoản bất lợi.
“Tùy thuộc vào nội dung của các hợp đồng, điều này có thể dẫn đến rủi ro rò rỉ dữ liệu của các công ty Nhật Bản. Họ cần thuê luật sư và các chuyên gia khác để tránh ký những hợp đồng bất lợi”, Futamata cảnh báo.
Futamata cho biết thêm, các hợp đồng như vậy có thể bao gồm quyền truy cập vào phần mềm của mô-đun giao tiếp không dây, dẫn đến nguy cơ rò rỉ dữ liệu.
Các cuộc đàm phán về bằng sáng chế công nghệ viễn thông thường được tiến hành giữa các nhà sản xuất thiết bị lớn. Những cuộc đàm phán như vậy tốn nhiều thời gian. Việc bán sản phẩm do Huawei sản xuất sẽ thu nhiều lợi nhuận hơn so với việc thu phí bản quyền công nghệ của sản phẩm đó.
Tuy nhiên, lợi nhuận của Huawei đang sụt giảm khi các lệnh trừng phạt của Mỹ cắt giảm khả năng tiếp cận của tập đoàn này đối công nghệ và linh kiện của Mỹ. Chẳng hạn, do không được quyền tiếp cận hệ điều hành Android của Google, Huawei đã gặp rất nhiều khó khăn khi bán thiết bị ở các thị trường nước ngoài bao gồm điện thoại thông minh. Căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng gia tăng cũng khiến các công ty Nhật Bản tránh sử dụng các sản phẩm của Huawei.
Phí bản quyền bằng sáng chế không bị hạn chế thương mại, nên đây có thể là một nguồn thu nhập ổn định cho Huawei.
Huawei đã thành lập một trung tâm chiến lược sở hữu trí tuệ tại Nhật Bản để giám sát hoạt động kinh doanh phí bản quyền của tập đoàn này ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm Singapore, Hàn Quốc, Ấn Độ và Úc.
Cuối năm 2022, hãng xe Suzuki Motor của Nhật Bản đã được Huawei cấp phép sử dụng các bằng sáng chế thiết yếu tiêu chuẩn liên quan đến công nghệ truyền thông 4G được sử dụng cho ô tô được kết nối.
Nhiều công ty Nhật Bản khác có thể phải đối mặt với yêu cầu trả phí bản quyền từ Huawei. Theo hãng nghiên cứu Seed Planning có trụ sở tại Tokyo, các mô-đun giao tiếp không dây sử dụng công nghệ được cấp bằng sáng chế của Huawei là thành phần không thể thiếu đối với các mạng Internet vạn vật (IoT) được kết nối. Công nghệ này đang được sử dụng ở xe tự lái, nhà máy vận hành tự động, y học, năng lượng và hậu cần.
Theo Nikkei Asia