(KTSG Online) – UBND thành phố Huế vừa cùng Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam cam kết hợp tác thực hiện dự án “Huế - Đô thị Giảm Nhựa ở miền Trung Việt Nam”.
Dự án được xây dựng với sự tài trợ của WWF Na Uy thông qua WWF Việt Nam và tiếp nhận bởi UBND thành phố Huế sẽ hỗ trợ thành phố bảo vệ các dòng sông và hệ sinh thái các vùng đất ngập nước và ven biển không bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa, thông qua các biện pháp can thiệp với sự tham gia của các bên liên quan bao gồm các khối công tư, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng địa phương.
Dự án được thực hiện trong 4 năm, từ năm 2021-2024 và được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn khởi động dự án (2021) và giai đoạn triển khai thực hiện (2022-2024) với mong muốn đưa Huế trở thành một điểm đến không rác nhựa vào năm 2030.
Theo đó, thành phố Huế cam kết đến năm 2024, Huế trở thành “Đô thị Giảm Nhựa” với 70% chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý, đồng thời rác tái chế từ bãi chôn lấp được đẩy mạnh thu hồi.
Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc Chương trình Giảm nhựa, WWF Việt Nam, cho biết dù đã có rất nhiều nỗ lực từ địa phương trong công tác giảm thiểu và quản lý rác thải, nhưng trên thực tế ô nhiễm rác thải nhựa vẫn là một vấn đề đáng quan tâm, đặc biệt những ảnh hưởng tiềm ẩn đến sinh kế của ngư dân đánh bắt thuỷ sản ven bờ do việc ô nhiễm này có thể dẫn đến giảm nguồn lợi thủy sản. Do đó, cần phải có những can thiệp mạnh mẽ ngay lập tức để ngăn chặn vấn đề này và giảm thiểu các tác động của rác thải nhựa đối với các dòng sông, khu vực đất nước ngập nước ven biển.
Theo đánh giá của WWF Việt Nam, mặc dù tỷ lệ thu gom rác thải ở thành phố Huế rất cao, 98% vào năm 2020, cùng với những nỗ lực của chính quyền địa phương, các nhóm tình nguyện, Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế. Tuy nhiên, ô nhiễm rác thải nhựa vẫn đang là vấn đề môi trường nghiêm trọng ở một số lưu vực sông hồ xung quanh Hoàng Thành, các khu chợ ngoài trời, bãi biển công cộng… Việc thất thoát rác thải nhựa làm tắc nghẽn các dòng sông và đe dọa các hệ sinh thái và môi trường biển, ven biển, tác động đến hoạt động du lịch, vận tải biển và nuôi trồng thủy sản.
Theo thống kê, hiện tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ở thành phố Huế khoảng 407 tấn/ngày, trong đó rác thải nhựa chiếm hơn 15%, chỉ đứng thứ hai sau thành phần rác hữu cơ. Trong đó, khối lượng rác thải nhựa thất thoát vào môi trường ở thành phố ước tính vào khoảng 3,13% so với tổng khối lượng rác thải phát sinh. Hoạt động sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần là nguồn gây ô nhiễm rác thải nhiều nhất, kể cả về số lượng và khối lượng.
Ông Trần Song, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế, cho rằng để giảm thiểu lượng rác tại các cơ quan, đơn vị và các khu dân cư, thời gian qua, Huế đã tiên phong, chủ động xây dựng và thực hiện đề án “Ngày Chủ nhật xanh”, “Chủ nhật vì cộng đồng” và các hoạt động hưởng ứng phong trào nói không với túi ni lông, sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần nhằm giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường… Hiện, các đơn vị trên địa bàn đã tổ chức ký cam kết tham gia thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, “Nói không với túi ni long và sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần”; các trường học xây dựng mô hình thu gom túi ni long, pin qua sử dụng, thu gom giấy in, giấy báo loại làm túi đựng thay thế túi ni long sử dụng 1 lần cung cấp cho các quầy thuốc, nhà thuốc, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ khăn về kinh tế.
Tuy nhiên, công tác thu gom rác thải nhựa vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc do nhiều hộ dân chưa nhận thức và quan tâm đến phong trào chống rác thải nhựa nên thành phố vẫn đang đối mặt với thách thức về môi trường, đặc biệt là vấn đề quản lý chất thải rắn. Do đó, ông song hy vọng dự án này sẽ hỗ trợ thành phố bảo vệ các dòng sông và hệ sinh thái các vùng đất ngập nước và ven biển không bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa, thông qua các biện pháp can thiệp với sự tham gia của các bên liên quan bao gồm các khối công tư, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng địa phương.