(KTSG Online) – Trong hai tháng cuối năm, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ khởi công nhiều dự án bên cạnh kế hoạch giải ngân 100% vốn đầu tư công, đảm bảo nguồn cung tiêu dùng cho những tháng cuối năm và chuẩn bị Tết Nguyên đán.
- Huế đi tìm mô hình phù hợp để phát triển công nghệ cao
- Huế sẽ trở thành đô thị trực thuộc Trung ương
Thông tin này được ông Trần Hữu Thùy Giang, Chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết tại buổi họp báo thường kỳ tháng 10-2022 vào chiều 3-11 để thông tin tình hình kinh tế xã hội 10 tháng đầu năm và nhiệm vụ những tháng còn lại năm 2022.
Hai trong số các dự án sẽ khởi công là Khu công nghiệp (KCN) Gilimex tại thị xã Hương Thủy và Khu trung tâm thương mại Aeon Mall tại khu đô thị mới An Vân Dương.
Được biết, KCN Gilimex là một trong ba KCN mới được phê duyệt vào năm ngoái bên cạnh KCN Phú Bài giai đoạn 4, đợt 1 tại thị xả Hương Thủy và Khu công nghiệp Tứ Hạ giai đoạn 1 tại thị xã Hương Trà.
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Gilimex do Công ty Cổ phần khu công nghiệp Gilimex làm nhà đầu tư với diện tích thực hiện dự án khoảng 460,85ha, bao gồm 49,17 ha tại phường Phú Bài, và 411,68 ha tại xã Thủy Phù, trong đó dự kiến bố trí tái định cư 36 hộ. Dự án có vốn đầu tư hơn 2.600 tỉ đồng.
Trong khi đó, tỉnh Thừa Thiên Huế và Aeon Mall Việt Nam năm ngoái đã ký kết văn kiện ghi nhớ về thực hiện quyết định đầu tư trung tâm thương mại Aeon Mall Huế với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 4.000 tỉ đồng. Khu đất có diện tích khoảng 86.216 m2, thuộc Khu A - Đô thị mới An Vân Dương, thành phố Huế.
Bên cạnh hai dự án trên, trong hai tháng cuối năm, theo ông Giang, tinh Thừa Thiên Huế sẽ thúc đẩy các dự án để giải ngân 100% vốn đầu tư công như kế hoạch đề ra.
Theo báo cáo từ Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh Thừa Thiên Huế, tổng số vốn đầu tư công năm 2022 theo kế hoạch của tỉnh đã giao là 4.700 tỉ đồng. Tính đến ngày 15-10 vừa qua, số vốn đầu tư công đã được giải ngân qua KBNN Thừa Thiên Huế là hơn 2.500 tỉ đồng.
Theo ghi nhận, vào hai tháng cuối năm, tình hình thời tiết tại Huế và miền Trung nói chung tiếp tục diễn biến phức tạp là một trong những khó khăn để hoàn thành các dự án đầu tư công bên cạnh thiếu hụt nguồn nguyên vật liệu xây dựng và vướng mắc trong giải tỏa đền bù. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu 4 tổ công tác liên ngành đặc biệt được thành lập từ đầu năm 2022 để đẩy nhanh tiến độ các dự án cần thúc đẩy tiến độ.
Ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trong mùa mưa bão, đảm bảo nguồn cung tiêu dùng cho những tháng cuối năm và chuẩn bị Tết Nguyên đán, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, góp phần kiềm chế lạm phát, nhất là thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán là những mục tiêu khác trong hai tháng cuối năm của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Từ đầu năm đến nay, tình hình mưa bão đã gây thiệt hại về người, tài sản của nhà nước và nhân dân tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Cụ thể, đã có 4 người chết, 13 người bị thương, 452 nhà bị tốc mái; hư hỏng một số trạm y tế, cơ sở trường học; sạt lở hơn 21,7 km bờ sông, bờ biển, 38 km đê bao nội đồng, 20km kênh mương dẫn nước phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp cùng các công trình phụ trợ khác. Những thiệt hại này đã ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn tính mạng, sản xuất nông nghiệp và giao thông đi lại của người dân...
Tổng giá trị thiệt hại lên đến hơn 1.100 tỉ đồng, trong đó thiệt hại do các đợt mưa lũ 873,9 tỉ đồng và do bão số 4 là 228,4 tỉ đồng.