(KTSG Online) – Huế dự kiến đón 3-3,5 triệu lượt khách du lịch trong năm nay và tổng thu du lịch ước khoảng 6.000-7.000 tỉ đồng với điều kiện dịch bệnh Covid-19 về cơ bản được kiểm soát tốt ở trong và ngoài nước, cho phép các hoạt động du lịch trở lại bình thường.
Đó là một trong hai kịch bản dự báo về triển vọng du lịch của Thừa Thiên Huế trong năm 2022, được nêu ra tại Hội nghị triển khai công tác năm 2022 do Sở Du lịch Thừa Thiên Huế tổ chức hôm 20-1.
“Cú huých” từ Festival Huế 2022
Báo cáo đánh giá tổng kết công tác năm 2021 tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, cho biết trong bối cảnh khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, sở đã chủ động thích ứng linh hoạt trong tình mới, triển khai một số hoạt động, sự kiện để phục hồi, phát triển du lịch trong năm qua, như tổ chức Hội nghị “Phục hồi, thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế trong trạng thái bình thường mới”; Diễn đàn du lịch Huế năm 2021 với chủ đề “Chuyển đổi số trong ngành du lịch...
Sở cũng đã tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động và đề xuất cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành du lịch. Chẳng hạn, sở đã triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh, giúp giải quyết gói hỗ trợ cho 1.197 hướng dẫn viên với số tiền hơn 4,3 tỉ đồng.
Về đổi mới trong công tác truyền thông quảng bá du lịch, sở đã ứng dụng công nghệ 4.0 để giới thiệu điểm đến, ẩm thực, dịch vụ du lịch Huế trên các trang mạng xã hội như TikTok, Facebook, Instagram, YouTube, Zalo...của Visit Hue.
Theo ông Phúc, trong năm qua, sở đã phát triển các sản phẩm du lịch mới bao gồm tour khép kín sử dụng phương tiện xanh thân thiện với môi trường, trải nghiệm áo dài trên xe xích lô và xe điện, tham quan bối cảnh phim trường ở thành phố Huế...
Sở cũng đã hỗ trợ xây dựng sản phẩm trải nghiệm miền Trung và Thừa Thiên Huế bằng hình thức caravan và chuyến bay charter của Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội, tour khám phá sản phẩm du lịch cộng đồng vùng đầm phá và miền cao kết hợp nghỉ dưỡng ở Thừa Thiên Huế của Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam.
Sở đã phối hợp với Công ty Vietsoftpro triển khai các ứng dụng về du lịch thông minh, bước đầu thí điểm hệ thống xe đạp thông minh ở Làng cổ Phước Tích và một số khu vực trên địa bàn thành phố Huế.
Về phương hướng và nhiệm vụ năm 2022, ông Phúc nhấn mạnh sở sẽ tập trung xây dựng các thương hiệu chủ đạo song song với nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ của loại hình du lịch văn hóa- di sản, trong đó, chú trọng các sản phẩm hắn với các chủ đề “Huế, thành phố của lễ hội”, “Huế, kinh đô ẩm thực”, “Huế, kinh đô áo dài”.
Trong năm nay, Huế sẽ tổ chức 5 sự kiện lễ hội du lịch theo kế hoạch tổ chức Festival Huế 2022, gồm: Lễ hội Huế - Kinh đô ẩm thực, Lễ hội Sen, Ngày hội Hiphop, Ngày hội Lân Huế và Hie Wellness Festival – Tuần lễ du lich chăm sóc sức khỏe.
Những sự kiện này sẽ góp phần thu hút khách đến với Huế, tạo đà cho phục hồi du lịch.
Hai kịch bản tăng trưởng
Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh còn phức tạp, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế dự báo ngành du lịch Thừa Thiên Huế chỉ tăng trưởng ở mức tương đối, theo 2 kịch bản.
Thứ nhất, nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát, sở sẽ triển khai các hoạt động du lịch theo trạng thái thích ứng an toàn, tập trung đón khách nội tỉnh, nội địa, từng bước tổ chức thí điểm đón khách quốc tế theo hướng dẫn. Với kịch bản này, dự kiến năm 2022, Thừa Thiên Huế sẽ đón 2 triệu lượt khách và tổng thu từ du lịch ước khoảng 3.500-4.000 tỉ đồng.
Thứ hai, nếu dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt trong nước và quốc tế, cho phép các hoạt động du lịch trở lại trạng thái bình thường, Thừa Thiên Huế dự kiến đón khoảng 3-3,5 triệu lượt khách và tổng thu ước tính 6.000-7.000 tỉ đồng
Chia sẻ tại hội nghị, ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, khẳng định quyết tâm mở cửa đón khách quốc tế trong trạng thái bình mới trong năm 2022. Ông cho biết ngoài việc thu hút khách nội địa, sở đang xây dựng kế hoạch triển khai các chuyến bay charter phục vụ khách quốc tế và nối đường bay thương mại Phú Bài (Huế) – Incheon (Hàn Quốc) trong năm nay.
“Sau quá trình làm việc với sở, Bamboo Airways đã sẵn sàng tham gia tuyến bay này”, ông Giang nói và cho biết thêm về sản phẩm du lịch mới, trong năm 2022, sở sẽ phối hợp với Hiệp hội du lịch Thừa Thiên Huế xây dựng hai loại hình du lịch trọng tâm: du lịch ẩm thực và du lịch chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng, đặc biệt là du lịch y tế.
Sở cũng sẽ kết hợp với chính quyền thành phố, trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế để quảng bá sản phẩm du lịch “Phố đêm Hoàng Thành”.
Năm 2022, ngành du lịch Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tuc đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch, đặc biệt thông qua sự kết hợp với các đơn vị và đối tác bấy lâu nay bao gồm Vietsoftpro. Ông Giang cho biết, Công ty Vietsoftpro đã hỗ trợ phát triển sản phẩm “Không gian ảo quảng bá du lịch Thừa Thiên Huế” dựa trên nền tảng nền tảng triển lãm ảo (Virtual Exhibition).
Ông Giang nhận định: “Đây xu thế mới vì trong giai đoạn hiện nay, chúng ta không thể tham dự các hội chợ quốc tế được, vì vậy, các địa phương, các quốc gia sẽ tự tạo không gian ảo để kết nối với nhau và giúp khách trải nghiệm, mua các sản phẩm thông qua các cuộc triển lãm ảo”.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lượng khách đến Huế trong năm ngoái chỉ đạt 691.571 lượt, giảm 59,02% so với năm 2020, trong đó, khách quốc tế (hầu hết là người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam), đạt 22.735 lượt, giảm đến 96% so với năm 2020. Lượng khách giảm, kéo theo doanh thu từ du lịch giảm mạnh 69% so với năm trước, xuống mức 1.177 tỉ đồng.Nhiều doanh nghiệp du lịch, nhất là mảng khách sạn, nhà hàng, lữ hành, vận chuyển phải tạm dừng hoạt động. Gần 5.000 người lao động trực tiếp và hàng chục ngàn lao động gián tiếp trong ngành du lịch đã và đang bị thất nghiệp hoặc phải chuyển đổi nghề nghiệp.