Thứ ba, 14/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Huế ‘lên’ Trung ương: thời điểm để phát triển kinh tế xanh và kinh tế số

KTS Hoàng Việt Trung

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Thời điểm Huế chính thức là thành phố trực thuộc Trung ương vào đầu năm 2025 cũng là lúc cần tăng tốc khai thác tiềm năng phát triển kinh tế xanh và kinh tế số trong việc phát huy giá trị di sản tại Quần thể di tích cố đô Huế.

Lợi thế của Huế so với các thành phố trực thuộc Trung ương nằm ở sự đa dạng và tính liên kết của các di sản. Quần thể di tích cố đô Huế không chỉ là một công trình kiến trúc đơn thuần, mà còn là nơi lưu giữ âm nhạc cung đình, thơ văn trên kiến trúc và những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng, hệ thống thủy đạo, cảnh quan, cây xanh…

Đạp xe quanh Hoàng Thành Huế - dịch vụ du lịch tiềm năng có thể khai thác. Ảnh: Hoàng Lê

Sự giao thoa này tạo ra một trải nghiệm văn hóa tổng thể, khác biệt hoàn toàn so với các di sản đơn lẻ ở các địa phương khác. Điều này mở ra cơ hội phát triển các mô hình du lịch trải nghiệm đa chiều, kết hợp giữa tham quan, thưởng thức nghệ thuật và học hỏi lịch sử. Hơn nữa, sự hiện diện của cả di sản vật thể và phi vật thể tạo điều kiện để Huế phát triển một nền công nghiệp văn hóa và sáng tạo độc đáo.

Nhận diện di sản để phát triển kinh tế

Trong quy hoạch về di tích, hệ thống di sản cố đô Huế có 30 giá trị để nhận diện, được chia làm 4 loại, bao gồm giá trị văn hóa, lịch sử, con người xứ Huế; giá trị kiến trúc nghệ thuật; giá trị sinh thái và giá trị xã hội. Từ các giá trị di sản này có thể nhận thấy một số lợi thế để phát huy giá trị, thừa hưởng thành quả kinh tế xanh, kinh tế số trên nền tảng di sản.

Cụ thể, Thái Y Viện, vốn là nơi chăm sóc sức khỏe cho hoàng tộc triều Nguyễn, lưu giữ nhiều bài thuốc cổ truyền và kiến thức y học cung đình. Đây không chỉ là biểu tượng văn hóa mà còn chứa đựng giá trị kinh tế thông qua khai thác du lịch và dịch vụ y học cổ truyền.

Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế trong thời gian qua tái hiện dịch vụ y học cung đình giúp du khách có thể tham gia các chương trình trị liệu như bấm huyệt, xông hơi, dùng các bài thuốc cổ truyền. Bên cạnh đó, nơi đây có thể phát triển thành trung tâm nghiên cứu và ứng dụng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại. Điều này không chỉ tạo ra cơ hội phát triển du lịch y tế mà còn đóng góp vào sự phát triển của ngành y học nói chung.

Bên cạnh đó, Thái Y Viện có thể phát triển sản phẩm thương mại hóa thông qua các bài thuốc cổ, rượu, trà thảo mộc, tinh dầu… được sản xuất và bán như các sản phẩm lưu niệm đặc trưng hay giáo dục và trải nghiệm thông qua tổ chức hội thảo, các buổi trình diễn về y học cổ truyền để thu hút sự quan tâm của các chuyên gia y tế, sinh viên, và du khách quốc tế.

Hệ thống thủy đạo tại Huế, với các dòng sông trong Hoàng Thành, kết nối ra các sông Ngự Hà, sông Đông Ba là di sản độc đáo vừa mang giá trị lịch sử vừa sở hữu tiềm năng khai thác kinh tế to lớn.

Huế có thể dựa vào hệ thống này để phát triển du lịch đường thủy thông qua xây dựng các tour khám phá trên sông, kết hợp tìm hiểu lịch sử, kiến trúc và thiên nhiên. Cùng với đó, tổ chức thưởng trà trên hệ thống thủy đạo trong Hoàng Thành Huế, phục vụ các món ăn truyền thống, tạo thêm điểm nhấn thu hút du khách trên nhà hàng nổi hoặc thuyền và sử dụng các công nghệ trình diễn ánh sáng, âm thanh trên mặt nước, tái hiện không gian lịch sử và văn hóa cung đình là những dịch vụ tiềm năng khác.

Quét thông tin để tìm hiểu điện Kiến Trung trong Đại Nội Huế trước khi tham quan. Ảnh: Nhân Tâm

Các tuyến trải nghiệm Thượng Thành, một phần của Hoàng thành Huế cũng giúp cho du khách hình dung ra được tính chất lịch sử, công năng sử dụng tại các eo bầu. Huế có thể tạo ra các con đường dọc theo lối đi trên Thượng Thành, qua các eo bầu, nơi du khách có thể tận hưởng không khí trong lành và khám phá kiến trúc cổ kính, tính chất lịch sử qua các giai đoạn của Triều Nguyễn bằng dịch vụ xe đạp điện, xe điện trong khu di sản.

Các tuyến này sẽ bao gồm khám phá các làng xã truyền thống thông qua tuyến đường bộ, đường thủy kết nối với các công trình di sản. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm nông nghiệp, trồng cây xanh, và bảo vệ môi trường cùng cộng đồng địa phương.

Giáo dục di sản để truyền tải giá trị văn hóa, lịch sử đến thế hệ trẻ và duy trì Festival Huế hằng năm hướng đến những trải nghiệm xanh và số là những tiềm năng khác.

Nếu những dịch vụ tiềm năng trên được khai thác tốt sẽ giúp tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách, khai thác tài nguyên du lịch di sản một cách bền vững, giảm áp lực lên các khu vực di tích cố định và tạo cơ hội việc làm cho người dân.

Ứng dụng công nghệ vào di sản

Bên cạnh đó, ứng dụng công nghiệp 4.0, ứng dụng công nghệ số và đổi mới sáng tạo để phát huy giá trị di sản đang trở thành xu hướng tất yếu. Trong thời gian qua, cố đô Huế cũng đã áp dụng công nghệ số để phát huy giá trị di sản, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và văn hóa.

Một số ví dụ có thể kể đến là quét dữ liệu 3D các công trình kiến trúc quan trọng như Điện Thái Hòa, Điện Kiến Trung, định danh số cho cổ vật, tổ chức các buổi trình diễn ánh sáng và hoạt động tương tác trên nền tảng di sản, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước, tái hiện các công trình đã mất và cho phép du khách khám phá di sản bằng công nghệ hiện đại…

Biểu diễn nghệ thuật trong Đại Nội Huế trong một sự kiện. Ảnh: Trần Thiện

Phát triển kinh tế từ giá trị di sản không chỉ mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp mà còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử. Các mô hình như khai thác Thái Y Viện, hệ thống thủy đạo, du lịch trải nghiệm trên Thượng Thành, giáo dục di sản và tổ chức festival văn hóa đã chứng minh tiềm năng lớn của di sản Huế trong việc xây dựng nền kinh tế bền vững.

Thực tế cho thấy việc phát triển kinh tế xanh, kinh tế số không chỉ là yêu cầu cấp bách mà còn là cơ hội để Huế tối ưu hóa giá trị cảnh quan và sinh thái. Bên cạnh đó, sự đa dạng của các di sản đã được tổ chức Unesco công nhận cũng tạo nền tảng vững chắc để Huế phát triển thành một thành phố Festival đẳng cấp quốc tế, bao gồm nhiều lĩnh vực, từ âm nhạc, nghệ thuật trình diễn đến triển lãm văn hóa - lịch sử, cảnh quan thu hút khách du lịch và nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới.

Kho tàng di sản này tạo cơ sở để Huế trở thành trung tâm giao lưu văn hóa quốc tế, tổ chức các sự kiện ngoại giao văn hóa quy mô lớn. Điều này không chỉ nâng cao vị thế của Huế trên trường quốc tế mà còn tạo cơ hội phát triển kinh tế thông qua các hoạt động văn hóa và du lịch.

Có thể nói Huế có lợi thế vượt trội trong việc phát triển kinh tế xanh, kinh tế số lấy di sản làm nền tảng. Sự kết hợp độc đáo giữa các loại hình di sản tạo ra cơ hội phát triển đan xen giữa du lịch, văn hóa, giáo dục, công nghệ và sáng tạo. Điều này không chỉ bảo tồn và phát huy di sản mà còn tạo ra động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng và phát triển Huế thành trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc, trung tâm khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế chuyên sâu. Huế được kỳ vọng là thành phố di sản, văn hóa đầu tiên của Việt Nam trên nền tảng bảo tồn, phát huy các giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới