(KTSG Online) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí trình Quốc hội cho phép Thừa Thiên Huế thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù trong quá trình xây dựng thành phố di sản trực thuộc Trung ương.
Thông tin này được ghi nhận vào chiều ngày 11-10 tại phiên họp lần thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi xem xét, cho ý kiến nội dung Tờ trình của Chính phủ Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị cho phép Thừa Thiên Huế xây dựng thành phố di sản trực thuộc Trung ương, có tiêu chí và định hướng riêng.
Theo ông Vương Đình Huệ, trước đây đã có kiến nghị xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương nhưng tỉnh còn nhiều tiêu chí chưa đáp ứng được về hạ tầng hay một số huyện còn khó khăn...
Do đó, tỉnh nghiên cứu để trình Bộ Chính trị cho phép xây dựng thành một thành phố di sản của Trung ương, với những cơ chế, đặc thù riêng. Đây là một điểm độc đáo, sáng tạo, do đó cơ chế đặc thù dành cho tỉnh cần nghiên cứu khai thác được hết vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Theo đó, Thừa Thiên Huế phát triển theo một thành phố di sản văn hóa của Việt Nam, thậm chí của khu vực và thế gới. Và để tạo điều kiện để tỉnh miền Trung thực hiện điều này, Ủy ban Thường vụ Quộc hội thống nhất Thừa Thiên Huế sẽ được hưởng bốn cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển sau này.
Thứ nhất, về mức dư nợ vay, Thừa Thiên Huế được vay với tổng dư nợ vay không quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách của tỉnh hàng năm do Quốc hội quyết định.
Về việc ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu và định mức phân bổ chi thường xuyên, tỉnh Thừa Thiên Huế được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm số chi tính theo định mức dân số theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này.
Về thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, ngân sách tỉnh được hưởng toàn bộ phí tham quan di tích trên địa bàn. Nguồn thu này của địa phương được loại trừ khi tính cân đối ngân sách và phân chia các khoản thu giữa trung ương với địa phương như cơ chế đối với khoản thu từ đất, thu từ sổ xố.
Việc thí điểm thực hiện chính sách này phải đánh giá kỹ tác động, đảm bảo hiệu quả; có lộ trình phù hợp với trình độ và yêu cầu phát triển của các địa phương; tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh; bảo đảm sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ; công khai, minh bạch, phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính.
Về nguồn thu để lại khi bán tài sản công gắn liền trên đất, ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của Tỉnh.
Tỉnh Thừa Thiên Huế được đồng ý thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế nhưng cần nghiên cứu thêm để hoàn chỉnh Nghị quyết đảm bảo tính khả thi cho việc huy động các nguồn thu của Quỹ nhất là việc hỗ trợ từ ngân sách của các địa phương khác; không được sử dụng ngân sách của tỉnh để hỗ trợ Quỹ; cần có những qui định để bảo đảm việc quản lý sử dụng Quỹ đúng mục đích, hiệu quả. Đồng thời lưu ý các ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp Luật và Ủy ban Tài chính ngân sách để hoàn chỉnh các qui định liên quan đến việc thành lập Quỹ.
Uy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết gửi Quốc hội và cơ quan thẩm tra. Ủy ban Tài chính, Ngân sách thẩm tra chính thức trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 15.