Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Huế tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp ‘mắc cạn’ do Covid-19

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tỉnh Thừa Thiên Huế đưa ra nhiều phương án hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn vì Covid-19 để phát triển trong 5 năm tới, bao gồm kêu gọi các tập đoàn lớn tiếp tục đầu tư vào tỉnh để tạo lực đẩy phát triển.

Một góc phố đi bộ tại thành phố Huế lúc dịch chưa bùng phát. Hiện nay, các doanh nghiệp tại khu phố đi bộ này gần như tạm ngưng hoạt động. Ảnh: Nhân Tâm

Trong hai năm vừa qua, khi dịch bùng phát tại Việt Nam, Khu du lịch sinh thái YesHue Eco tại huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế nhiều lần đóng, mở theo diễn biến của dịch cũng như mức độ kiểm soát của địa phương. Chưa kể cơ sở này cuối năm ngoái bị thiệt hại nặng nề và tạm đóng cửa do mưa, bão gây ra.

Qua năm 2021, khu du lịch này được đầu tư trở lại để phục vụ khách. Tuy nhiên, bà Lê Thị Kim Hằng, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ YesHue Eco, cho biết công ty buộc phải đóng cửa từ tháng 8 đến giờ chưa mở lại do dịch lại bùng phát và lo ngại mưa, bão. “Chúng tôi dự định mở lại sau Tết (tháng 2-2022) và hy vọng thời điểm đó đã phủ vaccine”, bà Kim Hằng nói và chia sẻ hiện nay công ty hoạt động chủ yếu mảng sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm gia vị của Huế.

Cũng tương tự Khu du lịch sinh thái YesHue Eco, cơ sở Huế Lotus Homestay của bà Dương Thị Thúy Hằng trong hai năm quả cũng đóng, mở liên tục. Trước đợt bùng phát dịch lần thứ 4, cơ sở này đón nhiều đoàn khách tham quan, trải nghiệm và lưu trú. Tuy nhiên, trong những tháng qua, cơ sở này chỉ đón vài khách đến chơi vào cuối tuần. “Trong thời điểm dịch bệnh, Huế Lotus cũng là nơi thư giãn cho một số gia đình vì không gian rộng yên bình và xa thành phố. Tuy nhiên, nếu dịch bùng phát trở lại nặng hơn thì chúng tôi sẽ tính đến phương án không đón khách nữa”, chị Thúy Hằng chia sẻ.

Khu du lịch sinh thái YesHue Eco và Huế Lotus Homestay là hai trong số các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Huế hoạt động trong các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 sẽ nhận được hỗ trợ từ Thừa Thiên Huế.

Bên cạnh đó, tỉnh miền Trung này sẽ kêu gọi các tập đoàn lớn tham gia đầu tư các dự án công nghiệp, du lịch, dịch vụ; khuyến khích doanh nghiệp duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh trên cơ sở khai thác thế mạnh, đặc thù của địa phương để cùng hỗ trợ các doanh nghiệp khác phục hồi kinh tế.

Những phương án này được đề cập trong Đề án Phát triển doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025.

Bên cạnh các phương án trên, Thừa Thiên Huế sẽ đưa ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân, doanh nghiệp có ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hỗ trợ, tư vấn để khởi nghiệp thành công; hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.

Được biết, đề án đặt ra mục tiêu phát triển đến năm 2025 sẽ có ít nhất 8.500 doanh nghiệp đang hoạt động, đạt 70 doanh nghiệp/vạn dân, tăng 1,5 lần so với năm 2020; tốc độ phát triển doanh nghiệp thành lập mới bình quân thời kỳ 2021 – 2025 tăng 5-10%/năm. Lao động trong doanh nghiệp đạt khoảng 92.000 người, tốc độ tăng bình quân thời kỳ 2021 – 2025 đạt 1,5-3%/năm.

Tăng giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn, phấn đấu đạt khoảng 1.500 triệu đô la năm 2025, tăng 1,7 lần so với năm 2020, tăng 12% giai đoạn 2021-2025. Tổng vốn đầu tư từ khu vực doanh nghiệp đạt khoảng 22.000 tỉ đồng,  tăng 1,5 lần so với năm 2020, chiếm từ 45-50% tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh. Khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 5.500 tỉ đồng, tăng 1,4 lần so với năm 2020, chiếm từ 50-55% tổng thu ngân sách của tỉnh.

UBND tỉnh cũng vừa ban hành quyết định về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025.Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, sẽ thành lập mới 50 hợp tác xã, 1-2 Liên hiệp hợp tác xã và 20 tổ hợp tác, nâng tổng số hợp tác xã toàn tỉnh lên 350 hợp tác xã.Thừa Thiên Huế ưu tiên các hợp tác xã sản xuất quy mô lớn, sản xuất sản phẩm chủ lực của địa phương theo hướng xuất khẩu, liên kết với doanh nghiệp, tham gia chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ cao, gắn với tăng trưởng xanh; sản xuất sản phẩm OCOP…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới