Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Huế xưa trên những đôi giày cao cấp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Huế xưa trên những đôi giày cao cấp

Đỗ Quang Tuấn Hoàng

(TBKTSG) – Có một cô gái người xứ Huế quan niệm, đôi giày không chỉ là vật dụng quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày, không chỉ nâng niu, bảo vệ bàn chân con người, mà còn có thể lan tỏa nét văn hóa của cộng đồng, của quê hương mình. Giá trị cốt lõi ấy đã được cô đưa vào những sản phẩm giày thời trang do cô tìm tòi, thiết kế và đưa ra thị trường.

Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh luôn đam mê với công việc làm giày hiện đại kết hợp với các yếu tố truyền thống.

Góp nhặt tinh hoa từ các làng nghề

Năm 2008, sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Huế, Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh sang thành phố České Budějovice (Cộng hòa Czech) khởi nghiệp bằng việc kinh doanh các mặt hàng tổng hợp. Trụ lại ở đất khách bằng một công việc kinh doanh để kiếm sống rất nhọc nhằn, tuy nhiên cũng không phải chuyện quá sức đối với cô. Nhưng rồi cô nghĩ, cuộc đời không phải chỉ lần hồi kiếm sống qua ngày. Phải làm cái gì để vừa kiếm được tiền vừa có dấu ấn của mình và dân tộc mình. Sau một thời gian mưu sinh nơi xứ người, năm 2014 Quỳnh Anh quay về Huế.

“Lúc mới về nước, trong đầu tôi chỉ nghĩ đơn giản là phải làm một sản phẩm gì đó có thể bán ra được ở thị trường nước ngoài mà lại có thể phô diễn hết tay nghề, văn hóa của người Việt chứ chưa nghĩ cụ thể mình sẽ làm và sản xuất ra cái gì”, cô nhớ lại.

Ngày ngày, Quỳnh Anh về các làng nghề để xem các nghệ nhân làm nghề, giữ nghề, truyền tâm tư tình cảm, văn hóa bản địa qua từng sản phẩm. Cô tìm đến làng Mỹ Xuyên, xã Phong Hòa, huyện Phong Ðiền, cách thành phố Huế khoảng 40 cây số về phía Bắc, nơi nổi tiếng với nghề mộc và điêu khắc gỗ. Kỹ thuật chạm lọng, chạm chìm, chạm nổi, chạm xếp lớp, chạm sâu, chạm cạn, chạm chấm phá, chạm khảm (gỗ trên gỗ)… là những nét độc đáo của nghệ nhân Mỹ Xuyên. Phần lớn những ngôi nhà rường nổi tiếng của Huế đều do người thợ Mỹ Xuyên chạm khắc.

Rồi cô lại đến tìm hiểu nghề sơn mài truyền thống của làng Tiên Nộn, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang. Sức sống của sơn mài truyền thống Huế được thể hiện mạnh mẽ ở những cách tân về đề tài, mẫu mã, công năng sử dụng. Ngược lên huyện miền núi A Lưới và Nam Đông, Quỳnh Anh gặp nghề dệt thổ cẩm (zèng) của người Tà Ôi. Kỹ thuật dệt của người Tà Ôi đã đạt trình độ điêu luyện, cho ra những sản phẩm bền chắc, với những hoa văn đa dạng, cầu kỳ.

Đi nhiều, thấm lắm, cảm xúc dần dần được khơi dậy, Quỳnh Anh bắt đầu nghĩ đến một sản phẩm giày có thể “đứng” được tại thị trường quốc tế. Đó chỉ có thể là những đôi giày chất lượng quốc tế nhưng đậm đà bản sắc địa phương. Quỳnh Anh cho biết cô chọn ngành giày bởi Việt Nam có thế mạnh về ngành này nhưng đến nay vẫn chưa có thương hiệu giày nào nổi tiếng thế giới. Cô muốn thay đổi điều đó. Một sản phẩm thời trang muốn có chỗ đứng trên thế giới, đầu tiên phải khác biệt, kế đến là chất lượng và thiết kế phải đạt chuẩn quốc tế.

Sau một thời gian dài tìm hiểu ở các làng nghề truyền thống Huế, Quỳnh Anh đã sàng lọc được ba chất liệu độc đáo đậm chất Huế đó là điêu khắc gỗ, sơn mài và zèng.

Bắt đầu từ ý tưởng đôi guốc mộc truyền thống của Việt Nam và nhận thấy chưa có ai cách tân đôi guốc mộc như cách tân áo dài, Quỳnh Anh đã hình thành ý tưởng rồi bắt tay vào sản xuất giày từ những mảnh gỗ đầu tiên. Những chiếc đế giày được tận dụng từ những khúc gỗ ở những công trình nhà rường, công trình tạc tượng gỗ thải ra. Các phôi giày đủ kích cỡ này được các nghệ nhân chạm khắc gỗ, sơn mài thổi hồn bằng những họa tiết hoa văn độc đáo mang nét văn hóa dân tộc Việt Nam như trống đồng, hoa sen, các họa tiết trên thổ cẩm…

Quỳnh Anh cho biết việc thuyết phục những nghệ nhân điêu khắc gỗ và sơn mài chịu hợp tác thật khó khăn. Thời gian đầu, không ai chịu đầu quân cho cô. Những người thợ lành nghề nghĩ cô đang phá hỏng truyền thống sơn mài của họ. Những người thợ trẻ thích sự thử thách lại không đủ trình độ để thực hiện yêu cầu. Lại nữa, dùng kỹ thuật sơn mài phức tạp với bảy lớp mài khác nhau để làm gót giày có phải là đang “giết gà bằng dao mổ trâu?”.

Nhưng Quỳnh Anh không nản lòng, cô dần dà vượt mọi rào cản để thuyết phục được những nghệ nhân tâm huyết bắt tay cộng tác.

Anh Hoàng Ngọc Lượm, nghệ nhân sơn mài, nói: “Để sáng tạo ra những màu mới cho sơn mài, chúng tôi đã phải thử nghiệm rất nhiều lần, nhằm tìm ra được phương cách phối hợp đúng – tạo ra màu sắc phù hợp với yêu cầu. Ngoài các kỹ thuật truyền thống, chúng tôi còn sáng tạo thêm ở những kỹ thuật khác như khảm vỏ trứng, khảm trai, lá bạc, lá vàng…”.

Mất hơn ba năm trầy vi tróc vảy, năm 2017, đôi giày đầu tiên ra đời. Và tháng 6-2018, Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh tự tin thành lập Công ty Sản xuất thương mại và dịch vụ Xưa.

Đưa sản phẩm đi xa

Một mẫu giày của Xưa.

Thân thiện, tiện dụng là điểm nổi bật của các đôi giày ở Công ty Xưa. Bên cạnh đó, sản phẩm tích hợp được nhiều nét đặc trưng của ngành nghề thủ công truyền thống như mộc, sơn mài, vẽ, thêu, dệt… dưới bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của các nghệ nhân xứ Huế.

Quỳnh Anh cho biết thêm, do đặc thù hình khối của gót giày, có rất nhiều chi tiết tỉ mỉ mà máy móc không thể làm thay con người, vì vậy, nếu có ai đó muốn nhái hàng của Xưa, chắc chắn họ phải có đội ngũ như Xưa. Còn nếu ở nước ngoài, nơi có rất nhiều thợ giỏi thì họ không thể có giá thành cạnh tranh như của Xưa.

“Các chị trong đoàn ngoại giao nước ngoài đã thích thú khi được Quỳnh Anh giới thiệu trải nghiệm sản phẩm vì không những họ có được một đôi giày thật đẹp, êm mà còn có cả một câu chuyện đặc trưng của văn hóa Việt Nam”.

Ông Trần Sĩ Chương

Sự cách tân với những ý tưởng chạm khắc, sơn mài trên mỗi đế giày giúp những đôi giày Xưa trở nên khác biệt và thu hút người mua tại thị trường quốc tế. Sản phẩm của công ty nhanh chóng có mặt ở các thị trường như Czech, Pháp, Ý, Mỹ…

“Tại thị trường Việt Nam, một đôi giày được bán ra có giá cao nhất là 6 triệu đồng, nhưng tại thị trường quốc tế, mỗi đôi giày của Xưa có giá thấp nhất khoảng 10 triệu đồng”, Quỳnh Anh chia sẻ.

Sau những đôi giày, đôi guốc có gót được làm bằng gỗ mứt, gỗ mít khảm sơn mài, chạm khắc hoa văn, rồng, phượng, hoa lá…, Quỳnh Anh tiếp tục khai thác những giá trị văn hóa truyền thống khi ra mắt những đôi giày, đôi guốc có hoa văn, họa tiết độc đáo từ nét đặc trưng thổ cẩm (zèng) của người Tà Ôi. Cái khó nhất là làm thế nào để ứng dụng vào thực tiễn, vừa có thể kết hợp với trang phục truyền thống như áo dài, vừa tương thích với những trang phục hiện đại trẻ trung, khỏe khoắn. Ước mơ của Quỳnh Anh là zèng sẽ tiếp tục có mặt ở khắp nơi trên thế giới.

Ý định đầu tiên của Quỳnh Anh là sẽ dùng sơn mài và điêu khắc gỗ trang trí phần đế còn thân giày sẽ dùng vải zèng để tạo ra một đôi giày đậm chất Huế. Mục tiêu của cô khi định dùng vải zèng cho các sản phẩm của Xưa, ngoài muốn giữ gìn nghề truyền thống của người dân tộc thiểu số tại Huế, còn muốn giúp họ nâng cao thu nhập, nhận lại xứng đáng với công sức họ đã bỏ ra.

Tuy nhiên, zèng lại có những nhược điểm không phù hợp với những thiết kế mà Xưa đang có, như khi đi lâu nó gây nóng da chân, màu sắc lại hơi trầm. Xưa vẫn đang trong quá trình tìm cách khắc phục những nhược điểm trên, ví dụ như dùng sợi và màu của mình, rồi đặt hàng người Tà Ôi dệt theo phương pháp và hoa văn truyền thống. “Mọi chuyện rất khó khăn. Thuyết phục ai đó thay đổi thói quen là không dễ”, Quỳnh Anh cho biết.

Nhưng cuối cùng, bằng sự tận tâm, những mẫu giày zèng cũng đã ra mắt vào dịp Festival nghề truyền thống Huế 2019. Kế đến, sản phẩm được giới thiệu tại Festival này đã nhanh chóng kết nối được với các thị trường Pháp, Nhật.

Có sản phẩm tốt, Quỳnh Anh thực hiện chiến thuật đứng lên vai người khổng lồ để tiếp cận thị trường. Thông qua những chất liệu độc đáo mà Xưa có được, cô đã thuyết phục được nhiều nhà mốt cao cấp trên thế giới để doanh nghiệp của cô làm gia công cho họ. Từ đó, Xưa sẽ tích lũy được kinh nghiệm, sự nhạy cảm với các xu hướng thời trang cũng như học cách làm thương hiệu, bán hàng. Để đến lúc nào đó, Xưa có thể đường hoàng xuất hiện trên các sàn diễn thời trang quốc tế bằng thương hiệu của mình.

Ông Trần Sĩ Chương, người kết nối khách hàng là những phu nhân của các đại sứ, lãnh sự người nước ngoài ở Việt Nam đến với Xưa, nhận xét: “Các chị trong đoàn ngoại giao nước ngoài đã thích thú khi được Quỳnh Anh giới thiệu trải nghiệm sản phẩm vì không những họ có được một đôi giày thật đẹp, êm mà còn có cả một câu chuyện đặc trưng của văn hóa Việt Nam”.

Hiện tại sản phẩm giày, guốc của Xưa có mẫu mã khá phong phú, thay đổi theo xu hướng thời trang mỗi năm. Sản phẩm của họ chú trọng khai thác tài nguyên hoa văn cổ của dân tộc. Thời gian gia công phụ thuộc vào sự cầu kỳ trong các mẫu thiết kế, trung bình từ 5-15 ngày. Giá bán cao nhất có thể lên đến vài ngàn đô la Mỹ. Ngoài giày, Xưa sẽ tiếp tục với phụ kiện thời trang kết hợp để giới thiệu đặc trưng văn hóa Huế.

Hiện Xưa có hơn 30 nghệ nhân, thợ thủ công. Ngoài những nghệ nhân giỏi nhất, tâm huyết nhất trong mỗi lĩnh vực mà Quỳnh Anh kỳ công tìm kiếm từ đầu, đến nay, họ đã đào tạo được một lớp nghệ nhân trẻ tâm huyết với nghề, trong đó có một phần là giới trẻ ở các làng nghề sơn mài và điêu khắc gỗ ở Huế, phần khác là những người khuyết tật có năng khiếu và sự đam mê với nghề trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới