Thứ ba, 31/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hướng đến dịch vụ đòi nợ… như mơ?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hướng đến dịch vụ đòi nợ... như mơ?

Phan Nhật

(TBKTSG) - Cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động dịch vụ đòi nợ hiện nay là Nghị định 104/2007/NĐ-CP. Tuy nhiên, nội dung quy định và quy chế pháp lý được thiết lập theo đó có vẻ chỉ nhằm tạo dựng một dịch vụ... như mơ.

Các khoản nợ được quyền sử dụng dịch vụ đòi nợ khá đa dạng. Trừ trường hợp đặc biệt là các khoản nợ được giải quyết bởi các bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật (có nghĩa bao gồm trường hợp tuyên bố phá sản) thì các khoản nợ còn lại chủ nợ đều có thể sử dụng dịch vụ này (điều 1.3). Quy định này cũng hàm ý rằng, đây là dịch vụ đòi nợ trực diện, không bao gồm các dịch vụ pháp lý “đáo tụng đình” để phân thắng, bại, hay sử dụng cơ chế thi hành án và thu thu hồi nợ chính thức khác.

Thay vào đó, bên cung ứng dịch vụ được chủ nợ ủy quyền để thay mặt họ trao đổi, chốt nợ và tiếp nhận tài sản thanh toán từ khách nợ để hoàn trả về cho chủ nợ. Mọi biện pháp mang tính chất... siết nợ hay thậm chí là hành động ảnh hưởng đến quyền cá nhân của khách nợ đều bị ngăn cấm.

Hẳn nhiên, đó là mô hình mong muốn. Nhưng liệu rằng hơn 200 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đang tồn tại (theo quy định không được kinh doanh kèm theo một dịch vụ nào khác) với mô hình đó có thể thu hút được khách hàng, tăng doanh thu và... nộp thuế? Vì suy cho cùng, đây chỉ là dịch vụ nhằm giúp chủ nợ tiết kiệm về... mặt thời gian, và dưới bộ khung pháp lý đó, bên cung ứng dịch vụ đòi nợ không thể sử dụng bất kỳ một chiêu thức nào khác mà tự thân một chủ nợ bình thường khó lòng thực hiện được.

Nguy cơ “bung xõa” của các công ty cung ứng dịch vụ là có thể. Kết quả, hoạt động kiểm soát buộc phải đối diện hai vấn đề. Một, không ứng phó kịp thời các biểu hiện thực tế. Hai, không dự liệu và xây dựng một mô hình dịch vụ phù hợp.

Vấn đề thứ nhất được phản ánh qua việc lựa chọn cơ quan quản lý: Bộ Tài chính.

Rõ ràng, đây là các khoản nợ kinh doanh hoặc dân sự. Nó hoàn toàn không thuộc các khoản nợ mà theo truyền thống Bộ Tài chính phải dõi theo. Đặc biệt hơn, chính Nghị định 104 cũng khẳng định dịch vụ đòi nợ không áp dụng đối với các khoản nợ của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và đơn vị lực lượng vũ trang.

Kết quả, Bộ Tài chính quản lý dịch vụ đòi nợ... trong phạm vi của Bộ Tài chính. Thậm chí, trong hướng dẫn tại Thông tư 110/2007, Bộ Tài chính còn yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện chế độ báo cáo đối với Bộ Tài chính các nội dung mà theo quy định hiện hành các doanh nghiệp hầu như phải và chỉ thực hiện đối với cơ quan thuế để thực hiện nghĩa vụ thuế. Nghị định 104 cũng không đặt ra chế độ báo cáo kinh doanh, tài chính này cho Bộ Tài chính.

Trong khi đó, biện pháp xử lý đối với hành vi vi phạm trong dịch vụ đòi nợ thuê cũng không vượt ra phạm vi... đòi nợ. Một khoảng trống pháp lý đối với các sai phạm dưới dạng đòi nợ kiểu siết nợ, đe dọa, xâm hại sức khỏe,... của khách nợ thể hiện khá rõ.

Nhưng sâu xa hơn, mô hình dịch vụ đòi nợ... như mơ, được phản ánh khá rõ ở quy định điều kiện kinh doanh, dường như được đơn giản tối đa.

Để đảm bảo trật tự kinh doanh và xã hội nói chung, quy định đó đặt ra yêu cầu phải là các khoản nợ (i) có đủ căn cứ là nợ hợp pháp, và (ii) đã quá hạn thanh toán. Tuy nhiên, để có thể xử lý các yêu cầu đó, quy định chỉ đưa ra điều kiện duy nhất là người quản lý phải có bằng cử nhân luật trở lên. Thậm chí, điều kiện này cũng không cần thiết nếu họ có bằng an ninh, kinh tế hoặc quản lý. Công ty dịch vụ đòi nợ không bắt buộc phải có bộ phận pháp chế hùng mạnh, và toàn thể người lao động chỉ cần có trình độ từ trung cấp trở lên đối với một trong số các ngành vừa nêu.

Thực tế cho thấy, có nhiều tranh chấp nợ được đưa ra tòa án hay trọng tài để giải quyết nhưng gần như bất phân thắng bại, trong khi có cả tòa án, trọng tài,... và có thể cả luật sư được tham vấn, tranh tụng. Việc đòi nợ không qua con đường tố tụng thì tiết kiệm thời gian, nhưng với đội ngũ làm dịch vụ như quy định hiện hành thì chuyện gây ra bức xúc trong xã hội và gánh nặng cho quản lý của nhà nước sẽ là rất lớn. Những ví dụ điển hình được các đại biểu Quốc hội nêu ra đã cho thấy điều đó.

Thực tế mới là những “thước phim” thật cần phải được nắm bắt để có thể lên một kịch bản mới. Nếu không, với mô hình dịch vụ đòi nợ... như mơ như ở thời điểm hiện tại, thì số vốn điều lệ lên đến hai ngàn tỉ cũng chẳng để làm gì. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới