Chủ Nhật, 6/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Hướng đến một nhà nước mạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hướng đến một nhà nước mạnh

Nguyên Tấn thực hiện

Ông Trần Ngọc Đường.

(TBKTSG) - Thực hiện đợt sơ kết Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị (*) , nhóm chuyên gia đánh giá thực trạng về thể chế bộ máy nhà nước đã có một báo cáo về một số vấn đề cụ thể. Bên lề cuộc hội thảo sơ kết do Ban Chỉ đạo sơ kết Nghị quyết 48 vừa được tổ chức tại TPHCM,… TBKTSG đã có cuộc phỏng vấn GS.TS. Trần Ngọc Đường (**) , Trưởng nhóm chuyên gia, xung quanh các vấn đề này.

Chính phủ phải năng động

TBKTSG: Hiến pháp thừa nhận quyền lực nhà nước bao gồm các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tuy nhiên, báo cáo cho rằng các quyền này vẫn chưa được phân định rõ ràng, thậm chí mâu thuẫn. Xin ông cho biết cụ thể hơn?

- Ông Trần Ngọc Đường: Tôi lấy ví dụ: Hiến pháp quy định tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp (điều 2) nhưng Hiến pháp không quy định cơ quan nào là cơ quan tư pháp, cơ quan nào là cơ quan hành pháp. Trong lúc đó, Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân lại giao cho cơ quan này thẩm quyền kiểm sát hoạt động tư pháp. Chính phủ được giao là cơ quan hành chính, chấp hành cao nhất (điều 109) mà không quy định là cơ quan hành pháp cao nhất...

TBKTSG: Theo ông, giữa hành chính và hành pháp có gì khác nhau?

- Hành pháp (executive) là hoạch định chính sách. Còn hành chính (administration) thì mang tính chất chấp hành, dẫn Chính phủ đến chỗ dễ thụ động, tức là chỉ chấp hành nhiệm vụ. Hành pháp là một thiết chế đầy năng động và sáng tạo.

Hiến pháp cũng như Luật Tổ chức Chính phủ hiện nay quy định quyền hạn của Chính phủ dưới hình thức liệt kê ra 11 nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể. Việc liệt kê như vậy vừa gây sự thụ động, vừa không thể đầy đủ vì xã hội thường xuyên vận động, phát triển nên Chính phủ cũng phải vận động theo. Chỉ cần quy định rõ ràng thẩm quyền của Quốc hội và các cơ quan tư pháp, phần còn lại là của Chính phủ.

TBKTSG: Vậy, những chính sách trong quá trình điều hành của Chính phủ lâu nay do ai thiết kế? Chẳng lẽ không phải là Chính phủ?

- Thực tế việc hoạch định chính sách quốc gia, đặc biệt là chính sách trong các dự án luật chủ yếu do Chính phủ giao phó cho các bộ soạn thảo. Vì thế, trong nhiều lĩnh vực Chính phủ vẫn chưa thực sự trở thành chủ thể của hoạch định chính sách, chiến lược quốc gia. Ví dụ như chiến lược quốc gia về thuế; chiến lược quốc gia về sử dụng tài nguyên khoáng sản… đến nay vẫn chưa có .

Đại biểu Quốc hội phải bình đẳng

Bộ máy nhà nước “phình” to

Theo báo cáo của nhóm chuyên gia, bộ máy tổ chức nhà nước đang có xu hướng “nở” ra. Nổi cộm là tình trạng đẻ ra tổng cục ở các bộ ngày càng phổ biến. Việc chia, tách huyện, xã cũng làm cho bộ máy phình to, tiêu tốn ngân sách. Năm 2001 cả nước có 622 huyện, quận; 10.611 xã, phường. Năm 2005, con số đó là 670 và 10.862 và hiện nay là 691 và 11.062.

TBKTSG: Báo cáo của nhóm chuyên gia cho thấy ngay cả cách thức tổ chức hoạt động của cơ quan quyền lực cao nhất cũng còn nhiều điều đáng bàn. Chẳng hạn như tình trạng hành chính hóa bộ máy Quốc hội.

- Nếu như đặc thù của hành pháp là chế độ thủ trưởng, mệnh lệnh quyền uy, cấp dưới phải phục tùng cấp trên thì Quốc hội lại có đặc thù khác. Hoạt động của Quốc hội phải rất dân chủ, dựa trên bàn bạc, thảo luận và quyết định theo đa số. Không có cấp trên, cấp dưới và tất cả các đại biểu Quốc hội đều bình đẳng với nhau về nhiệm vụ và quyền hạn. Do đó, tổ chức bộ máy của Quốc hội không nên hành chính hóa như Chính phủ.

Thế nhưng, cách tổ chức của các ủy ban Quốc hội hiện nay lại có phần na ná như hành pháp. Trong các ủy ban và Hội đồng dân tộc có rất nhiều cấp bậc như chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, đại biểu chuyên trách thường trực, đại biểu chuyên trách không thường trực, đại biểu là thành viên. Cách tổ chức như thế dễ dẫn đến dựa dẫm, ỷ lại, làm theo cấp bậc.

Theo tôi, các ủy ban và hội đồng dân tộc chỉ nên có một chủ nhiệm để chủ trì các phiên họp và một phó chủ nhiệm để thay chủ nhiệm khi chủ nhiệm đi vắng. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế nên giải quyết chế độ lương bổng cho đại biểu, ai cũng như ai chứ không nên phân biệt theo chức vụ.

TBKTSG: Có ý kiến cho rằng việc các đại biểu Quốc hội vừa làm đại biểu, vừa kiêm nhiệm công việc quản lý trong bộ máy Chính phủ cũng là một bất hợp lý?

- Tôi lại cho như hiện nay là phù hợp. Tôi còn nhớ sau Công xã Paris, Karl Marx đã phê phán các nghị viện tư sản là nơi hay bàn cãi suông. Do đó không phải ngẫu nhiên mà các nước XHCN không có đại biểu chuyên trách, không xem đại biểu là một nghề. Vì vậy, nên có sự kết hợp giữa đại biểu chuyên trách và đại biểu kiêm nhiệm theo một tỷ lệ phù hợp.

Hơn nữa, nước ta còn nghèo, mới có được khoảng 30% đại biểu chuyên trách mà vẫn còn khó khăn thì làm sao có đủ điều kiện để các đại biểu chuyên trách hoàn toàn.

TBKTSG: Thế nhưng, cách thức như ông vừa nói thì khó có thể đảm bảo cho các đại biểu được độc lập trong hoạt động của mình?

- Đại biểu vừa làm quản lý lại vừa giám sát mình thì quả là không khách quan và có thể gây xung đột lợi ích. Do đó, đại biểu kiêm nhiệm, theo tôi, không nên là những người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước (ví dụ như bộ trưởng) mà phải là những cán bộ quản lý giỏi của các bộ, ngành để bổ sung cho đại biểu chuyên trách.

TBKTSG: Một trong những chức năng cơ bản của Quốc hội là giám sát. Tuy vậy, giám sát cái gì, như thế nào vẫn là vấn đề tranh cãi?

- Có ý kiến cho rằng vì Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất nên có quyền giám sát toàn bộ hoạt động của bộ máy nhà nước, từ những cơ quan tối cao như Chính phủ, Chủ tịch nước, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm soát Nhân dân tối cao cho đến chính quyền cơ sở. Ý kiến khác thì cho rằng vì quyền lực nhà nước thống nhất nhưng có sự phân công rạch ròi, cho nên, ở các cấp chính quyền cơ sở, ví dụ như UBND các cấp thì đã có có hội đồng nhân dân các cấp giám sát rồi. Do đó, Quốc hội chỉ cần tập trung giám sát ở tầng cao nhất thôi, tức là đối với những cơ quan do Quốc hội lập ra và những cá nhân do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Tôi nghiêng về ý kiến thứ hai. Vì về nguyên tắc, Quốc hội có quyền giám sát toàn bộ nhưng Quốc hội ta có đặc thù là làm việc không thường xuyên. Và theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội thì giám sát tối cao chỉ diễn ra tại kỳ họp của Quốc hội. Vì vậy, theo tôi giám sát của Quốc hội chỉ nên tập trung vào những đối tượng do Quốc hội thành lập, bầu và phê chuẩn như đã kể trên.

TBKTSG: Còn chức năng giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội?

- Theo tôi, không nên giao cho Quốc hội làm việc đó như hiện nay mà nên giao cho tòa án vì đó là những hoạt động mang tính tài phán dựa trên việc áp dụng pháp luật theo thủ tục tư pháp. Các tòa án nên được mở rộng thẩm quyền tài phán đối với những văn bản pháp quy dưới luật khi người dân khiếu kiện cho rằng văn bản được ban hành trái luật.

TBKTSG: Vậy, ai sẽ kiểm tra chức năng lập pháp của Quốc hội? Rõ ràng là hiện nay vẫn chưa có chế tài hoặc cơ chế sửa sai trong trường hợp văn bản luật do Quốc hội ban hành sai…

- Bất cập này đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X (tháng 4-2006) nhìn nhận và đặt ra nhiệm vụ “xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Hiện nay, vấn đề nói trên đang được nghiên cứu. Theo kinh nghiệm của nhiều nước, nên có một cơ quan tài phán để xem xét những khiếu kiện của người dân về các đạo luật trái với hiến pháp. Đó có thể là một tòa án hiến pháp hoặc hội đồng bảo hiến như các nước đã làm.

________________________________________

(*) Nghị quyết 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 của Bộ Chính trị.

(**) Ông Trần Ngọc Đường là đại biểu Quốc hội khóa X và khóa XI, nguyên là Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới