Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hướng đi của dòng vốn tín dụng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hướng đi của dòng vốn tín dụng

Hoàng Bách

(TBKTSG) – Trả lời cho câu hỏi “Dòng vốn tín dụng Việt Nam thời gian qua chảy vào đâu?” thật sự không dễ. Bởi lẽ vấn đề này, ngoại trừ bản thân các ngân hàng có thể biết chính xác dòng tiền ra từ ngân hàng của họ, còn lại chỉ có thể là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dựa trên số liệu tổng hợp của cả hệ thống, có thể biết được xu hướng này.

Tuy nhiên, số liệu mà NHNN có được chưa chắc đã chính xác do các tổ chức tín dụng đã “xử lý kỹ thuật” trước khi báo cáo cho cơ quan quản lý. Bài viết này mang lại một vài lý giải có thể giúp các nhà hoạch định chính sách có cái nhìn thực tế về hướng đi của dòng vốn tín dụng ngân hàng Việt Nam, từ đó có chính sách hợp lý trong việc kiềm chế lạm phát, bởi “Lạm phát luôn luôn và bao giờ cũng là hiện tượng tiền tệ” (Milton Friedman).

Ai đã giúp các ngân hàng tăng vốn?

Theo thống kê, trong giai đoạn 2008-2010, tổng số vốn điều lệ tăng thêm của 37 ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) Việt Nam khoảng 97.000 tỉ đồng. Đây là con số quá lớn trong một thời gian rất ngắn. Ai có thể trả lời con số khổng lồ này các cổ đông đã lấy từ đâu để góp vốn vào các ngân hàng? Ngày 7-6-2007, NHNN đã ban hành Quyết định số 24/2007/QĐ-NHNN về việc ban hành Quy chế cấp giấy phép thành lập và hoạt động NHTMCP, trong đó có quy định “không được sử dụng tiền vay dưới bất kỳ hình thức nào để góp vốn thành lập ngân hàng”.

Quy định này cũng được kế thừa trong Thông tư số 09/2010/TT-NHNN (thay thế cho Quyết định 24/2007/QĐ-NHNN) khi quy định: “Các tổ chức, cá nhân không được dùng vốn ủy thác, vốn vay của các tổ chức, cá nhân khác để góp vốn và hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của nguồn vốn góp”. Có quy định nhưng NHNN không có cách nào kiểm tra, xác thực mà giao cho các cổ đông “hoàn toàn chịu trách nhiệm”. Đó là lý do khiến điều khoản này được xem là một trong những quy định mang tính “kêu gọi lòng tự giác nhất” mà NHNN đã từng ban hành.

Từ 2008 đến nay, mức lãi suất tiết kiệm tiền đồng hiếm khi xuống dưới 10%/năm (trừ một thời gian của năm 2009) trong khi giai đoạn này không nhiều ngân hàng trả cổ tức trên 10%. Bên cạnh đó, có đến hai phần ba cổ phiếu của các NHTMCP giao dịch dưới mệnh giá, thậm chí không có giao dịch. Như vậy, các cổ đông góp vốn vào các ngân hàng vì mục đích gì? Nếu chỉ nhìn bên ngoài mà không biết bản chất, câu trả lời thật sự bế tắc!

Thực tế, rất nhiều cổ đông nhỏ đã từ bỏ vai trò làm chủ của mình ở các ngân hàng, ngay cả đối với ngân hàng họ đang công tác. Trên website của mình, một ngân hàng vừa hoàn thành việc tăng vốn lên 3.100 tỉ đồng từ mức 1.000 tỉ đồng của năm trước cho biết chỉ có 66 cổ đông (trong tổng số trên 1.300 cổ đông) tham gia góp vốn, còn lại là các nhà đầu tư mới.

Tuy vậy, tất cả các ngân hàng đã vượt qua mốc 1.000 tỉ đồng của năm 2008 và chắc chắn cũng sẽ cán đích thắng lợi mốc 3.000 tỉ đồng của năm nay, chưa nói nhiều ngân hàng tỏ ra khó khăn và chỉ kịp tăng đủ vốn pháp định vào những ngày cuối cùng của năm 2010 đã ngay lập tức trình đại hội đồng cổ đông xin tăng vốn lên 4.000-5.000 tỉ đồng trong năm nay. Liệu điều đó có bình thường?

Nguồn tiền huy động của nhiều ngân hàng thực tế đã không đến được với nền kinh tế, để phục vụ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm tạo ra sản phẩm và giá trị tăng thêm cho xã hội. Trái lại, ngân hàng A mang tiền sang gửi tại ngân hàng B và sử dụng làm tài sản bảo đảm cho cổ đông của mình vay vốn để góp vào vốn điều lệ của mình. Thậm chí, không cần phải đi đường vòng như vậy, các ngân hàng có thể giải ngân trực tiếp cho khách hàng C và đồng tiền này sẽ được chuyển cho cổ đông D để góp vào vốn điều lệ của chính ngân hàng.

Đó là câu trả lời cho một phần câu hỏi vì sao dư nợ tín dụng của hệ thống không ngừng tăng lên, vốn điều lệ của hệ thống vẫn từng bước đáp ứng các yêu cầu của cơ quan quản lý (dù những quy định này khi mới ban hành, nhiều người cho rằng quá sức của nhiều ngân hàng), năng lực tài chính đã được “nâng cao” nhưng thanh khoản vẫn cứ thiếu hụt triền miên, cuộc đua lãi suất cứ chực bùng lên và NHNN vẫn phải vất vả chặn đường này, bịt đường kia.

Tín dụng vẫn không ngừng vào bất động sản

Cơn sốt bất động sản cuối năm 2007 đầu 2008 đã có nhiều phân tích về nguyên nhân, tựu trung lại đều đồng ý rằng tác nhân chính là do tín dụng của hệ thống ngân hàng đã tăng quá cao (năm 2007 tăng gần 54%). Doanh nghiệp đổ xô xây chung cư, người người đi buôn nhà đất.

Từ đó đến nay, dù thị trường chưa trở lại thời sốt nóng nhưng thực tế giá nhà đất không giảm là bao và giá của nhiều phân khúc thị trường vẫn không ngừng tăng lên. Nhà phố ở các quận nội thành TPHCM và đất nền ở các vùng ven vẫn liên tục thiết lập các mặt bằng giá mới. So với thời điểm năm 2007, tốc độ sinh sôi của các cao ốc không hề giảm trong hai năm gần đây. Điều này chứng tỏ dòng tiền vẫn tiếp tục đổ vào thị trường này.

Sau khi Chỉ thị 01/CT-NHNN được ban hành, NHNN cho biết hiện dư nợ phi sản xuất có ngân hàng lên đến 59% tổng dư nợ. Trong số này chắc chắn dư nợ bất động sản và tiêu dùng (mà phần lớn cũng là mua bất động sản) chiếm đa số bởi hai năm qua không nhiều ngân hàng còn giải ngân cho khách hàng mua chứng khoán. Đó là lý do thị trường bất động sản vẫn ấm, dù được cho là nguội lạnh ở phân khúc thị trường căn hộ cao cấp.

Với mức lãi suất giải ngân hiện nay, dao động thực tế trong khoảng 18-22%, được xem là quá sức chịu đựng của các ngành sản xuất kinh doanh. Tuy vậy, mức tăng trưởng tín dụng quí 1-2011 vẫn ở mức cao, lên đến 4,81%. Nhiều ngân hàng dù mạng lưới không lớn, dư nợ không cao vậy mà mức giải ngân hàng tháng lên đến cả ngàn tỉ đồng. Một phần rất lớn trong số này được cho là của các ông bà chủ, và thực tế các “đại gia ngân hàng” này không ai không làm bất động sản.

Giật mình với ICOR

Bên cạnh dòng vốn chạy lòng vòng và vào bất động sản, tín dụng cho sản xuất kinh doanh vẫn là ưu tiên của hệ thống ngân hàng. Tuy vậy, hiệu suất sử dụng vốn của các doanh nghiệp Việt Nam hiện quá thấp. Ngày 7-3-2008, báo điện tử Người đại biểu nhân dân dẫn thông tin từ Viện Khoa học tài chính, Bộ Tài chính cho rằng hệ số ICOR năm này bình quân cả nước là 7-8, còn khu vực nhà nước là 12. Đây đã là con số quá cao so với mức trung bình 3-4 của khu vực.

Thế nhưng, Asia Times online ngày 12-4-2011 có bài viết về Việt Nam (Vietnam changes course) dẫn một báo cáo cho rằng ICOR bình quân của Việt Nam giai đoạn 2001-2009 là 8,78 và của riêng khu vực nhà nước là 17,55. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp nhà nước bình quân phải đầu tư 17,55 đồng mới tạo ra được một đồng tăng thêm. Một sự lãng phí quá lớn.

Tính đến cuối tháng 12-2010, dư nợ của năm ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, MHB, Vietinbank, BIDV và Vietcombank) là 1.097.302 tỉ đồng, chiếm 58% dư nợ của cả hệ thống ngân hàng thương mại trong nước; riêng dư nợ của Agribank đã chiếm 53% dư nợ của 37 NHTMCP còn lại. Những con số này đã nói lên tất cả, rằng tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng Việt Nam có nguồn gốc từ đâu.

Các ngân hàng thương mại nhà nước vẫn có thói quen ưu ái các doanh nghiệp quốc doanh, cho vay theo chỉ định, cho vay nông nghiệp nông thôn, cho vay chương trình đánh bắt xa bờ hay chương trình 1 triệu tấn đường… mà kết quả thế nào ai cũng rõ. Năm 2011 này, với mức tăng trưởng dư nợ được giới hạn dưới 20% cho tất cả các ngân hàng thì không chỉ là lạm phát, mà nguy cơ tác động hất ra (crowding out) đối với các thành phần kinh tế dân doanh là không thể tránh khỏi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới