(KTSG Online) – Theo số liệu thống kê sơ bộ, có hàng ngàn tòa chung cư mini trên cả nước, tập trung nhiều tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM... Qua vụ cháy chung cư trên phố Khương Hạ, Hà Nội gây thương vong và thiệt hại nghiêm trọng, yêu cầu về giải pháp để duy trì vài ngàn tòa chung cư mini hiện hữu mà vẫn đảm bảo an toàn cho cư dân đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Bài toán khó về nơi an cư tại các đô thị đông dân đang đòi hỏi cả cơ quan chức năng, doanh nghiệp và cộng đồng cùng tham gia giải quyết.
- Vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội: đã xác định 56 người tử vong
- TPHCM sẽ tổng kiểm tra PCCC đối với nhà trọ, chung cư mini
Hàng ngàn chung cư mini tồn tại ngoài khung pháp lý
Trước khi vụ cháy chung cư mini gây tổn thất nặng nề mới diễn ra tại phố Khương Hạ, Hà Nội, không có số liệu thống kê về chưng cư mini nào được công bố bởi đây là loại hình nhà ở không có giá trị pháp lý, mặc dù nó vẫn tồn tại trong thực tế từ hàng chục năm nay.
Sau vụ cháy chung cư trên, những con số thống kê về số lượng căn hộ chung cư mini mới được công bố. Theo số liệu rà soát của Điện lực Hà Nội, toàn thành phố này có khoảng 2.000 chung cư mini. Còn theo ước tính của các chuyên gia thì cả nước có khoảng 5.000 chung cư mini đang tồn tại.
Nói về cơ sở pháp lý của chung cư mini khi cung cấp thông tin cho báo chí, ông Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng, cho biết không có loại hình chung cư mini tồn tại trên pháp luật mà đây là một dạng biến tướng.
Bổ sung ý kiến trên khi cung cấp thông tin cho báo giới, ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng, cho biết tên gọi chung cư mini không có trong các văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng trong Luật Nhà ở có loại hình nhà ở riêng lẻ có nhiều căn hộ và trong xây dựng đã có quy định về loại hình công trình này. Thế nhưng, người dân khi xây dựng chung cư mini xin cấp giấy phép vẫn là công trình nhà ở riêng lẻ.
Theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy chữa cháy thì nhà chung cư cao 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích trên 5.000 m3 phải có chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy. Còn nhà ở riêng lẻ không thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, chủ hộ phải thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn phòng cháy.
Nếu là nhà chung cư, để đảm bảo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, các công trình phải đáp ứng các yêu cầu khá nghiêm ngặt như lối thoát nạn, vật liệu chống cháy, hạ tầng giao thông xung quanh. Chính vì vậy, các chủ cơ sở chung cư mini sử dụng giấy phép nhà ở riêng lẻ để xây dựng loại hình nhà ở này nhằm né tránh quy định về phòng cháy chữa cháy. Trong khi đó bản chất chung cư mini chỉ khác chung cư thường là diện tích nhỏ hơn. Nhưng vì nó “núp bóng” là nhà ở riêng lẻ nên cầu về phòng cháy chữa cháy chỉ là khuyến cáo, chứ không bắt buộc như áp dụng với chung cư.
Sau vụ cháy chung chư mini gây hậu quả nghiêm trọng tại Hà Nội, ông Tuấn cho hay Bộ Xây dựng sẽ có văn bản gửi UBND các tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn cụ thể để người dân khi đầu tư xây dựng phải xác định rõ thế nào là nhà ở riêng lẻ. Đồng thời, phải tuân thủ quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn nào và thế nào là loại hình nhà ở để kinh doanh. Về lâu dài, Bộ sẽ tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để quy định và hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ và đầy đủ hơn.
Sau vụ cháy chung cư mini, không ít ý kiến băn khoăn về việc có nên luật hóa loại hình nhà ở này. Song, cho ý kiến trong phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn vừa ra trong tuần này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Pháp luật rà soát lại dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) với quan điểm không hợp thức hoá chung cư mini trong luật này vì vụ cháy vừa rồi rất nghiêm trọng.
Yêu cầu cấp thiết về những giải pháp dài hạn
Để đảm bảo an toàn cho người dân sống ở hàng ngàn chung cư tại các đô thị trên cả nước, ông Vũ Ngọc Anh của Bộ Xây dựng cho rằng giải pháp cấp bách hiện nay là nâng cao khả năng phòng cháy chữa cháy. Chính quyền địa phương có trách nhiệm hướng dẫn giải pháp an toàn, hạn chế sự cố cháy nổ, hướng dẫn thoát nạn. Bên cạnh đó người dân sinh sống tại các chung cư mini cũng cần trang bị mặt nạ chống khí độc, thang dây...
Sau vụ cháy ở phố Khương Hạ, Hà Nội, nhiều chủ chung cư mini bổ sung một số giải pháp thoát nạn như lắp thêm thang thoát hiểm. Tuy nhiên, ông Ngọc Anh cho rằng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Việc lắp thang thoát hiểm cần đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Tại những chung cư mini đã xây lâu năm hoặc thiết kế ban đầu không tuân theo quy chuẩn, lắp thang thoát hiểm có thể xâm lấn vào chỉ giới hoặc không gian công cộng. Trong trường hợp này, cơ quan quản lý trật tự xây dựng địa phương cần linh hoạt, cho phép gắn thang thoát hiểm để đảm bảo an toàn cho cư dân.
Về giải pháp lâu dài, cần siết chặt việc cấp phép xây dựng cũng như trách nhiệm kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương, đặc biệt đối với tòa nhà thay đổi công năng. Bởi nhiều chủ nhà xin cấp phép xây dựng cho nhà riêng lẻ, nhưng sau đó thay đổi chức năng thành nhà chia nhiều phòng cho thuê hoặc bán. Công trình trước khi xây dựng phải duyệt thiết kế chặt chẽ ngay từ ban đầu, không để tình trạng các tòa nhà xây sai thiết kế, sai phép, xây xong rồi mới tìm giải pháp chữa cháy.
Có ý kiến cho rằng, đối với các chung cư mini vi phạm, phải khôi phục các hạng mục như cấp phép, khôi phục hiện trạng ban đầu trong những trường hợp mật độ quá cao. Các công trình sai giấy phép phải tháo dỡ. Thậm chí phải đóng cửa tòa chung cư mini để sửa chữa khi nào đáp ứng đúng yêu cầu mới đưa vào vận hành...
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, việc xử lý vi phạm tại các công trình vi phạm đều đã có trong quy định hiện hành từ xử phạt hành chính đến các biện pháp khắc phục. Biện pháp mạnh là tầng sai phép không cho người ở và chủ nhà phải thoả thuận với người thuê, mua căn hộ tại các tầng đó. Nếu công trình được cấp phép nhà ở riêng lẻ thì yêu cầu tuân thủ theo đúng quy định.
Cơ quan quản lý ngành xây dựng đang hoàn thiện các tiêu chuẩn về an toàn phòng cháy chữa cháy cho nhà ở riêng lẻ về thang, lối thoát nạn khẩn cấp… đủ để điều tiết cho các công trình có chiều cao 25 mét trở xuống.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan chức năng ở các địa phương, đang rà soát toàn bộ công trình dạng chung cư mini, phát hiện vi phạm về trật tự xây dựng; yêu cầu các chủ đầu tư chung cư mini phối hợp lắp đặt cửa chống cháy ngăn từ tầng một vào cầu thang bộ, từ cầu thang bộ lên các tầng cao hơn để ngăn khói vào các tầng; yêu cầu tại tầng một trang bị thêm bình chữa cháy công suất lớn; yêu cầu nhà dân tăng cường trang bị thang dây thoát hiểm, không khóa cửa lên tầng thượng để có thể thoát hiểm…
Thực tế cho thấy, tại các đô thị lớn, nhiều người mua nhà buộc phải chọn ở tại các chung cư mini do giá rẻ, vị trí nội đô, thuận lợi cho công việc, học hành. Bởi thị trường đang thiếu trầm trọng các sản phẩm giá bình dân, phù hợp với túi tiền.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, từ đầu năm đến nay Hà Nội không có dự án nhà ở xã hội nào khởi công. Trước đó, các dự án nhà ở xã hội mở bán đều xếp hàng để được mua và những người mua được không khác gì “trúng xổ số”.
Như vậy, nhu cầu nhà ở của người dân lớn nhưng nhà nước chưa đáp ứng được. Do đó người dân đành phải mua căn hộ như chung cư mini để ở. Qua vụ cháy chung cư mini vừa rồi, các chuyên gia cho rằng ngoài việc tăng cường quản lý nhà nước để tránh những “thảm cảnh” chung cư mini xảy ra, các chính quyền đô thị cần nhìn nhận về sự cấp thiết trong thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho người dân để họ được sống trong nhà ở xã hội thay vì trong các chung cư mini. Trong chính sách phát triển đô thị cần phải dành nhiều quỹ đất hơn để phát triển nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt chẽ để tránh tình trạng xin cấp giấy phép xây nhà ở xã hội, song lại chuyển đổi thành nhà ở thương mại như thực tế đã diễn ra ở không ít dự án. Bởi lẽ, khi những người thu nhập thấp có được sự lựa chọn nơi an cư tại những khu nhà ở xã hội thì họ đâu nhất thiết phải lựa chọn ở chung cư mini.