Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hưởng lợi từ chiến tranh thương mại có phải là quan điểm sai lầm?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hưởng lợi từ chiến tranh thương mại có phải là quan điểm sai lầm?

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Thời gian gần đây nhiều phân tích của các chuyên gia và các tổ chức nghiên cứu thị trường cho rằng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung sẽ tạo ra những “kẻ thắng”, “người thua” ở châu Á khi các dây chuyền sản xuất di dời khỏi Trung Quốc và nước này sẽ mua hàng hóa của các nước khác, thay vì của Mỹ.

Song trong một bài viết đăng trên tờ Nikkei Asian Review hôm 5-12, James Crabtree, Phó giáo sư ở Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học quốc gia Singapore cho rằng: Trong một nền kinh tế toàn cầu hóa, không có nước nào chiến thắng “rõ ràng” trong chiến tranh thương mại.

Chuyển giao công nghệ và tài sản trí tuệ, tâm điểm của đàm phán Mỹ – Trung

Chiến tranh thương mại, “nhát cứa” vào niềm tự hào công nghệ của Trung Quốc

Hưởng lợi từ chiến tranh thương mại có phải là quan điểm sai lầm?
Phó Giáo sư James Crabtree nhận định rằng trong một nền kinh tế toàn cầu hóa, không có nước nào chiến thắng “rõ ràng”  trong chiến tranh thương mại. Ảnh: Getty

James Crabtree cho biết các giả định cho rằng cuộc xung đột thương mại Mỹ – Trung sẽ tạo ra “kẻ thắng” và “người thua” đang gây sự chú ý ở châu Á, đặc biệt là ở nhóm nước đang cạnh tranh xuất khẩu với Trung Quốc. “Song các giả định như vậy không chỉ sai lầm mà còn nguy hiểm vì chúng có thể khiến các nền kinh tế nhỏ hơn ở châu Á khó tìm được tiếng nói chung để liên kết cùng nhau thúc đẩy Washington và Bắc Kinh “xuống thang” cuộc chiến thương mại”, Crabtree viết.

Có quan điểm cho rằng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung sẽ giúp một số nền kinh tế ở châu Á hưởng lợi thực sự “hấp dẫn”. Cho đến nay, Mỹ đã áp thuế nhập khẩu lên 250 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc bán sang Mỹ mỗi năm. Mỹ vẫn có thể tăng mức thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% lên 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc nếu như tiến trình đàm phán Mỹ – Trung trong 90 ngày đình chiến thương mại không mang lại một thỏa thuận đột phá.

Có nhiều cách để dòng chảy thương mại có thể chuyển sang các nền kinh tế châu Á khác khi Mỹ và Trung leo thang chiến tranh thương mại bao gồm các thay đổi nhà cung cấp. Một doanh nghiệp của Mỹ có thể chuyển sang mua linh kiện điện tử của Malaysia hay Đài Loan thay vì Trung Quốc như bấy lâu nay. Hãng công nghệ GoerTek (Trung Quốc), chuyên lắp ráp tai nghe không dây AirPods cho Apple, đang được đồn đoán sẽ sớm di dời dây chuyền sản xuất sang Việt Nam để né các đòn thuế của Mỹ trong tương lai.

Cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất toàn cầu đang ảnh hưởng đến hàng trăm tỉ đô la hàng hóa được dự báo sẽ làm thay đổi các dòng chảy thương mại. Chẳng hạn, xuất khẩu đậu nành của Brazil tăng vọt trong năm qua sau khi Trung Quốc áp thuế trả đũa nhằm vào đậu nành Mỹ. Về dài hạn, các nhà sản xuất toàn cầu cũng có thể thay đổi các quyết định đầu tư và sẽ xây dựng các nhà máy ở những nơi khác châu Á thay vì Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo James Crabtree, quan điểm cho rằng điều này sẽ giúp một số nước châu Á được hưởng lợi gần như chắc chắn do sự nhầm lẫn giữa các lợi ích nhỏ ở một số lĩnh vực cụ thể với các thiệt hại lớn mà cuộc chiến thương mại gây ra. Một phân tích gần đây của bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu thuộc Tập đoàn tư vấn và quản lý tài chính Nomura Holdings (Nhật Bản) cho biết Malaysia là nước có nhiều khả năng được hưởng lợi khi các công ty toàn cầu tìm kiếm các nhà cung cấp mới, trong khi đó, Việt Nam là nước hưởng lợi “rõ ràng” về các quyết định đầu tư mới trong trung hạn của các công ty toàn cầu.

Tuy nhiên, gần một nửa mức hưởng lợi trên giả thuyết chỉ đến từ một lĩnh vực: khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), vốn đóng góp chỉ 3% cho GDP của Malaysia. Hồi tháng 9, Trung Quốc đã quyết định áp thuế trả đũa 10% nhằm vào các sản phẩm LNG của Mỹ.

James Crabtree nhận định các thắng lợi trên là quá nhỏ nếu đặt trên bàn cân với các thiệt hại lớn hơn do xáo trộn thương mại toàn cầu nếu chiến tranh thương mại Mỹ – Trung tăng nhiệt. Các nước châu Á được giả định hưởng lợi  là những nước phụ thuộc vào thương mại lớn nhất. Điều này có nghĩa là các nước này dễ bị tổn thương nhất nếu nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng trì trệ, một hệ quả tất yếu của một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện giữa Washington và Bắc Kinh.

Tỷ lệ tổng kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP của Malaysia đã tăng lên mức 136% vào năm ngoài, trong khi đó, con số này ở Việt Nam là 200%, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB).

James Crabtree viết: “Thật khó tưởng tượng được rằng bất kỳ nền kinh tế nào có độ mở lớn như vậy ‘thắng” trong một kỷ nguyên khi mà các mức thuế hàng hóa cao hơn trở thành một chuẩn mực”. Ông nhận định đang có một sự hiểu nhầm lớn về mức độ các tranh chấp thương mại tác động đến các nền kinh tế hiện đại có mức độ liên kết cao.

Nền kinh tế thế giới đã trải qua nhiều thập kỷ toàn cầu hóa, đồng nghĩa với việc phần lớn thương mại liên quan đến các hàng hóa trung gian chứ không phải các sản phẩm hoàn thiện cuối cùng. Trên lý thuyết, điều này cho phép một số bộ phận trong các chuỗi cung ứng dịch chuyển nhanh chóng nhưng cũng có nghĩa là các tranh chấp thương mại có khả năng sẽ làm gián đoạn các chuỗi cung ứng này và các thiệt hại sẽ rất khó dự báo.

Hầu hết các chuỗi cung ứng vẫn cung cấp nhiều sản phẩm cho khách hàng ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản hay Liên minh châu Âu (EU). Bất kỳ sự sụt giảm nhu cầu khách hàng nào ở các thị trường này sẽ nhanh chóng tác động đến nhà sản xuất ở châu Á. James Crabtree  nhận định: “Các công ty ở châu Á có thể chắc chắn được hưởng lợi nếu một phần các dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc được chuyển sang nhưng rồi sau đó, sẽ thiệt hại lớn hơn nếu các nhà sản xuất Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề từ các đòn thuế của Mỹ ngừng mua hàng hóa của họ".

Phó Giáo sư James Crabtree cũng cho rằng quá trình dịch chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á hay Ấn Độ sẽ diễn ra từ từ. Cho đến nay, có rất ít các công ty toàn cầu có ý định bắt chước GoerTek hoặc chuyển các khối lượng sản xuất lớn sang các nhà cung cấp mới ngoài Trung Quốc.

“Đối mặt với bất ổn thương mại ngày càng gia tăng, các tập đoàn đa quốc gia ít có khả năng khởi động làn sóng xây dựng nhà máy mới ở Singapore hay Thái Lan. Thay vì thế, họ sẽ “án binh bất động” hoặc cắt giảm đầu tư và chờ đợi chiến tranh thương mại kết thúc”, James Crabtree viết.

Vị trí đặt bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới