(KTSG Online) - Saudi Arabia là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới nhờ doanh thu xuất khẩu dầu mỏ tăng mạnh trong năm nay, với GDP được dự báo lần đầu tiên vượt 1.000 tỉ đô la Mỹ.
- Thị trường dầu biến động mạnh trước thông tin Saudi Arabia thúc đẩy OPEC+ tăng sản lượng
- Vì sao Saudi Arabia phớt lờ lời kêu gọi tăng sản lượng dầu của Mỹ?
Thặng dư ngân sách lần đầu tiên trong 10 năm
Hôm 7-12, chính phủ Saudi Arabia công bố thặng dư ngân sách trong năm nay dự kiến đạt 27 tỉ đô la Mỹ nhờ giá dầu tăng vọt. Đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua, vương quốc dầu mỏ này ghi nhận thặng dư ngân sách. Riyadh cho biết tổng thu ngân sách năm 2022 sẽ tăng 28%, lên 328 tỉ đô la Mỹ nhờ doanh thu xuất khẩu dầu cao hơn.
Ngân sách phình to, cho phép Saudi Arabia chi tiêu nhiều hơn 47 tỉ đô la Mỹ so với kế hoạch. Giá dầu thô tăng cao đã đưa Saudi Arabia lọt vào hàng ngũ những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên toàn cầu. Trong một năm mà tăng trưởng toàn cầu được dự báo tăng trưởng ở mức 3,2%, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán Saudi Arabia sẽ tăng trưởng 7,6% và GDP của nước này dự kiến lần đầu tiên trong lịch sử vượt 1.000 tỉ đô la Mỹ. Trong khi đó, chính phủ Saudi Arabia ước tính tăng trưởng năm nay đạt mức 8,5%.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 7-12, Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia Muhammad Al-Jadaan cho hay GDP danh nghĩa của đất nước sẽ đạt 3.970 riyal (1.050 tỉ đô la Mỹ) trong năm nay.
Saudi Arabia đang chứng kiến một năm tăng trưởng cao đáng ngạc nhiên ngay cả khi Mỹ, châu Âu và nhiều nền kinh tế đang phát triển đang phải đối mặt với lạm phát gia tăng và suy thoái.
Trong khi phần lớn thế giới bị ảnh hưởng bởi giá lương thực và năng lượng tăng vọt do tác động của chiến sự tại Ukraine, các đại gia dầu mỏ như Saudi Arabia và các nước láng giềng ở vùng Vịnh Ba Tư đang được hưởng lợi từ dòng doanh thu cải thiện từ dầu khí. Ông Al-Jadaan nói: “Chúng tôi có thể là một trong những điểm sáng nhất trên thế giới hiện nay”.
Ngân hàng thương mại Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) dự báo giá dầu Brent chuẩn toàn cầu sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao hoặc trên 80 đô la Mỹ/thùng trong năm tới. Hôm 8-12, giá dầu Brent giảm 1,3%, còn 76,15 đô la Mỹ/thùng, thụt lùi đáng kể so với mức đỉnh gần 130 đô la Mỹ vào đầu năm nay. Mức giá hiện tại của dầu Brent vẫn cao hơn so với mức trung bình 70,86 đô la Mỹ/thùng vào năm ngoái và 41,96 đô la Mỹ/thùng hồi năm 2020.
Điều này đánh dấu thời kỳ đầu tiên giá dầu duy trì ở mức cao đối với Thái tử Mohammed bin Salman, Thủ tướng Saudi Arabia, người sẽ thừa kế ngai vàng của cha mình. Ông lên nắm quyền điều hành kinh tế của Saudi Arabia trong thời kỳ giá dầu sụp đổ năm 2015 và chứng kiến một giai đoạn đất nước phải áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng đối với người dân, ngay đúng lúc ông thúc đẩy một chương trình đầy tham vọng nhằm đa dạng hóa nền kinh tế của đất nước khỏi dầu mỏ. Nỗ lực đó, có tên gọi là Tầm nhìn 2030, đã được khởi động vào năm 2016 khi Saudi Arabia đau đầu với bài toán ngân sách do giá dầu giảm.
Nhưng vị thế tài chính mạnh mẽ của Saudi Arabia hiện nay đang củng cố ảnh hưởng của Thái tử Mohammed trên toàn cầu, giúp khôi phục vị thế ngoại giao của ông sau vụ nhà báo bất đồng chính kiến Jamal Khashoggi bị sát hại năm 2018, khiến các nhà lãnh đạo phương Tây xa lánh Riyadh.
Thúc đẩy các siêu dự án
Thái tử Mohammed cho biết ngân sách thặng dư sẽ được sử dụng để tăng dự trữ của chính phủ, hỗ trợ các quỹ quốc gia như Quỹ đầu tư nhà nước Saudi Arabia (PIF). Ông cũng sẽ xem xét thúc đẩy một số dự án ưu tiên. Các dự án đầy tham vọng mà ông đã công bố trong năm nay gồm kế hoạch xây dựng một tòa nhà chọc trời cao 518 mét, dài 120 km trong một nhóm cộng đồng tương lai được gọi là Neom.
Dự án thành phố Neom, nơi sinh sống của 9 triệu người, có tổng vốn đầu tư lên đến 500 tỉ đô la Mỹ. Giai giai đoạn đầu tiên của dự án sẽ tiêu tốn 1,2 nghìn tỷ riyal (319 tỉ đô la Mỹ), với một nửa trong số đó sẽ đến từ quỹ PIF.
Ngoài ra, còn có dự án sân bay với mục tiêu trở thành một trong những trung tâm hàng không quốc tế bận rộn nhất thế giới.
Saudi Arabia cũng đang đổ tiền vào nỗ lực tái phát triển các khu vực đô thị lớn nhất đất nước bao gồm Riyadh và Jeddah, cũng như hàng chục thành phố nhỏ hơn. Quỹ PIF đã đầu tư vào hàng loạt công ty mới, bao gồm cả nỗ lực tạo ra thương hiệu xe điện đầu tiên của Saudi Arabia. Công ty tư vấn bất động sản toàn cầu JLL cho biết các dự án xây dựng đang được nghiên cứu triển khai ở Saudi Arabia có tổng trị giá 1.100 tỉ đô la Mỹ.
Saudi Arabia, nền kinh tế lớn nhất khu vực vùng Vịnh Ba Tư, đã lưu ý rằng nước này muốn tránh chu kỳ bùng nổ và sụp đổ, vốn là đặc trưng của những chu kỳ trước đây, với giá dầu tăng vọt rồi sau đó suy sụp đau đớn. Thặng dư từ doanh thu dầu mỏ của Saudi Arabia từng được sử dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá và công trình công cộng và để tăng lương cho khu vực công của Saudi Arabia.
Bộ trưởng Tài chính Jadaan cho biết chính phủ sẽ tiếp tục rời bỏ thói quen tăng chi phí hoạt động như trước đây chẳng hạn tăng lương hay các khoản chi trả khác cho công chức khi giá dầu bùng nổ.
Kể từ năm 2016, khi giá dầu giảm xuống các mức thấp lịch sử, chính phủ Saudi Arabia đã theo đuổi chính sách thắt lưng buộc bụng tài chính, bao gồm cắt giảm trợ cấp nhiên liệu, điện và nước cũng như tăng thuế giá trị gia tăng gấp 3 lần, lên 15% vào thời kỳ ban đầu của đại dịch.
Monica Malik, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng thương mại Abu Dhabi, nói: “Giá dầu cao hơn cho phép Saudi Arabia không còn tập trung vào thắt lưng buộc bụng về tài chính. Trọng tâm giờ đây sẽ tập trung rất nhiều vào việc đạt được tiến triển trong chương trình đầu tư, điều cần thiết cho kế hoạch chuyển đổi nền kinh tế theo Tầm nhìn 2030”.
Tuy nhiên, thành quả đầu tư của Saudi Arabia trong các dự án phát triển lớn là không rõ ràng.
Một số đề xuất của Thái tử Mohammed cũng sẽ cần vốn huy động từ nước ngoài, một nguồn tài chính còn khan hiếm ở Saudi Arabia. Các nhà đầu tư quốc tế đã đổ tiền vào thị trường chứng khoán cũng như trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp của Saudi Arabia. Nhưng họ hạn chế đầu tư trực tiếp vào các dự án ở Saudi Arabia vì lo ngại nhiều vấn đề bao gồm tính thượng tôn pháp luật của nước này.
Dù nguồn thu ngân sách tăng, Saudi Arabia cũng đã có kế hoạch tiếp tục khai thác thị trường nợ toàn cầu vào năm tới để trả nợ các khoản trái phiếu đến hạn thanh toán cũng như thúc đẩy các dự án khổng lồ và tâm huyết của Thái tử Mohammed.
Robert Mogielnicki, nhà nghiên cứu tại Viện các quốc gia vùng Vịnh Arab, có trụ sở ở Washington, nói: “Với quy mô và số lượng lớn các siêu dự án và sáng kiến đang được công bố hoặc đang triển khai, tôi không thể hình dung làm thế nào mà chính phủ Saudi Arabia có thể né tránh vay nợ tài chính trong tương lai gần”.
Theo WSJ