Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hy Lạp: sau trưng cầu dân ý là gì?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hy Lạp: sau trưng cầu dân ý là gì?

Phúc Minh

Hy Lạp: sau trưng cầu dân ý là gì?
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras ủng hộ nói không với yêu cầu cải cách của các chủ nợ. Ảnh: AFP

(TBKTSG Online) – Kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Hy Lạp ngày Chủ nhật 5-7, với 61% cử tri không chấp nhận yêu cầu cải cách mà các chủ nợ đưa ra, chẳng những không khai thông được bế tắc hiện nay mà còn có nguy cơ làm trầm trọng thêm nữa tình hình kinh tế Hy Lạp, chia rẽ trong nội bộ nước này cũng như mẫu thuẫn trong cả châu Âu.

Kết quả bất ngờ

Trong số 95% số phiếu được kiểm, hơn 61% cử tri Hy Lạp nói “không” với yêu cầu cải cách từ các chủ nợ. Kết quả trên khá bất ngờ. Nhưng không bất ngờ nếu xét đến nội dung cuộc trưng cầu dân ý. Trong những câu hỏi mà chính phủ Hy Lạp đặt ra để yêu cầu người dân cho ý kiến, có những nội dung gần như chắc chắn người dân Hy Lạp sẽ không chấp nhận, đặc biệt là việc tăng thuế VAT lên 23% nhằm vào lĩnh vực du lịch – ngành mũi nhọn tại Hy Lạp.

Đa số người dân Hy Lạp bỏ phiếu “không” vì hai lý do: một là những đòi hỏi từ phía chủ nợ không chấp nhận được và nếu phải làm theo, cuộc sống của họ sẽ bị vắt kiệt; hai là bằng cách nói “không”, họ sẽ chuyển thông điệp mạnh mẽ đến châu Âu và buộc các chủ nợ phải nhượng bộ.

Phát biểu trên truyền hình sau khi cuộc trưng cầu ý dân kết thúc, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras ca ngợi người dân nước này đã có sự lựa chọn dũng cảm, đồng thời khẳng định lịch sử Hy Lạp đã bước sang trang mới. Ông Tsipras cho biết Hy Lạp sẵn sàng tiếp tục thương lượng về kế hoạch cải cách và đến bàn đàm phán trong ngày 6-7 với mục tiêu khôi phục hệ thống ngân hàng.

Ra đi hay ở lại eurozone?

Chi tiết đáng chú ý là dù bỏ phiếu “không”, về lý thuyết sẽ mở đường cho Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng euro (eurozone), nhưng trên thực tế, 74% người dân Hy Lạp vẫn muốn Hy Lạp ở lại eurozone.

Việc trên sẽ vô cùng phức tạp bởi trước đó, nhiều quan chức châu Âu đã tuyên bố việc người dân bỏ phiếu “không” đồng nghĩa Hy Lạp có thể phải rời eurozone và sau đó là rời Liên minh châu Âu (EU).

Nhiều nước thành viên EU, nhất là Đức, không chấp nhận bất cứ thỏa hiệp hay nhượng bộ nào với phía Hy Lạp với lý do Hy Lạp đã vượt qua mọi giới hạn. Vì thế, việc Hy Lạp đạt thỏa thuận với nhóm chủ nợ sẽ vô cùng khó khăn, thậm chí nguy cơ Hy Lạp đổ vỡ không kém gì so với trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý. Đức cho rằng Hy Lạp ra khỏi eurozone không phải thảm họa cho châu Âu.

Tuy nhiên, việc giữ Hy Lạp ở lại eurozone bằng mọi giá đang là ưu tiên của một số nước, nhất là Pháp. Chính vì vậy, chính phủ Hy Lạp đã đặt cược vào cuộc trưng cầu dân ý. Việc Hy Lạp rời eurozone không chỉ khiến mỗi nước này phải gánh chịu hậu quả. Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis từng cảnh báo châu Âu sẽ thiệt hại 1.000 tỉ euro nếu để Hy Lạp ra đi. Nếu xét đến hậu quả, các chi phí rủi ro thì việc Hy Lạp ở lại eurozone sẽ tốt hơn cho tất cả các bên.

Châu Âu họp khẩn

Sau khi kết quả sơ bộ cuộc trưng cầu dân ý được công bố, Ủy ban châu Âu (EC) ra thông cáo cho biết cơ quan này "tôn trọng" kết quả cuộc trưng cầu ý dân tại Hy Lạp. Trong thông cáo, Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker cũng cho biết sẽ tổ chức hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi và Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính eurozone (eurogroup) Jeroen Dijsselbloem vào sáng ngày 6-7 giờ địa phương.

Trong khi đó, Chủ tịch EU Donald Tusk cho biết eurogroup sẽ tổ chức hội nghị cấp cao vào 18 giờ GMT ngày 7-7 để thảo luận về cuộc khủng hoảng Hy Lạp.

Tại thời điểm này, phản ứng từ dư luận và chính giới châu Âu vẫn rất khó đoán. Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn chưa phát biểu gì. Trong khi đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng kinh tế Đức Sigmar Gabriel cho biết “rất khó hình dung” sẽ có các cuộc thương lượng mới với chính phủ Hy Lạp.

Tương lai ảm đạm

Sau khi tuyên bố không trả được nợ cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vào ngày 30-6, tại Hy Lạp, các cửa hàng cạn kiệt lương thực thực phẩm và thuốc men; ngành du lịch đối mặt với làn sóng hoãn, hủy chuyến; trong khi các ngân hàng tuyên bố chỉ còn 1 tỉ euro tiền mặt đến hết cuối tuần – tương đương 90 euro/người ở đất nước 11 triệu dân này.

Hy Lạp có nguy cơ vỡ nợ nếu không trả khoản vay 3,49 tỉ euro cho Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) vào ngày 20-7.

Mặt khác, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Varoufakis thừa nhận nước này không thể quay lại dùng đồng drachma vì Hy Lạp đã đập bỏ hết máy in tiền sau khi gia nhập eurozone.

Đọc thêm:

– Người dân Hy Lạp bỏ phiếu về tương lai đất nước

– Khủng hoảng Hy Lạp: lá bài sợ hãi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới