(KTSG Online) - Nhìn xa xa giống như một cánh cung hay hạc cầm, một trong những loại nhạc cụ lâu đời nhất thế giới, cầu Thủ Thiêm 2 sẽ là một trong vài công trình giao thông lớn được bắt đầu sử dụng nhân kỷ niệm ngày 30-4 sắp tới.
Với thiết kế đẹp, cây cầu này chắc chắn sẽ trở thành một điểm nhấn trong kiến trúc cầu ở TPHCM. Nhưng công năng của nó mới đáng nói hơn. Cầu Thủ Thiêm 2 được kỳ vọng sẽ giúp kết nối giao thông giữa quận 1, trung tâm của thành phố hiện hữu, với khu đô thị mới Thủ Thiêm, một trong những trung tâm của thành phố mới Thủ Đức.
Có báo còn giật tít: “Cầu Thủ Thiêm 2 - Huyết mạch giao thông, kinh tế TPHCM”, và nói cây cầu sẽ “góp phần giảm ùn tắc, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội toàn thành phố”(1). Quả vậy, nếu nói đến quy mô tài chính. Thủ Thiêm 2 có tổng vốn đầu tư gần 3.100 tỉ đồng là cầu dây văng đường bộ bắc qua sông Sài Gòn, dài gần 1,5 cây số với sáu làn xe lưu thông.
Nhưng cũng như sự phát triển có phần “giật cục” của khu Thủ Thiêm cho đến nay, cầu Thủ Thiêm 2 có thời gian thi công quá dài so với kế hoạch ban đầu. Được khởi động từ tháng 2 năm 2015, dự kiến hoàn thành năm 2018, đến tận 2017, nó mới được tái khởi động. Tiếp đó, cây cầu dự kiến hợp long tháng 9-2020 và hoàn thành vào cuối năm đó. Nhưng vì nhiều lý do, ngày khánh thành tiếp tục được lùi cho đến hôm nay.
Suốt mấy tuần vừa qua, người sống ở thành phố này nếu có dịp đi qua khu vực chân cầu ở đường Tôn Đức Thắng sẽ chứng kiến sự tất bật trong những công đoạn cuối cùng để hoàn thành cây cầu. Cũng phải nói, người đi đường chịu nhiều bất tiện khi dưới chân họ là đất đá ngổn ngang, còn trên đầu nhiều bụi bặm bay bay. Nhưng ai cũng hiểu bất tiện này sắp đi qua để có được sự thuận tiện cho nhiều người hơn trong tương lai. Dù không ít trắc trở, cầu Thủ Thiêm 2 sẽ thông xe, mà không chịu số phận hẩm hiu của một số cây cầu khác - chẳng hạn như dự án cầu Long Kiểng thuộc huyện Nhà Bè, 20 năm qua vẫn chưa xong khâu giải phóng mặt bằng!
Nghe nói, sau khi khánh thành, cầu Thủ Thiêm 2 sẽ tạo đà cho các cây cầu Thủ Thiêm khác - Thủ Thiêm 3 (nối quận 4 với Thủ Thiêm) và Thủ Thiêm 4 (nối quận 7 với Thủ Thiêm) - lần lượt được triển khai. Một khi tất cả các dự án cầu này hoàn thành, kết nối giữa khu vực trung tâm hiện hữu của TPHCM và trung tâm mới (thành phố Thủ Đức thông qua khu đô thị mới Thủ Thiêm) sẽ tốt hơn rất nhiều, tạo động lực thực sự cho khu Thủ Thiêm nói riêng và thành phố Thủ Đức cất cánh.
Đây là một kịch bản đẹp ai cũng muốn. Tuy nhiên, dường như chỉ các cây cầu thôi thì chưa đủ lực để tạo sự cất cánh thật sự. Cầu Thủ Thiêm (còn gọi là cầu Thủ Thiêm 1) khánh thành cuối năm 2007, đến nay đã 15 năm, nhưng tác động chung lên phát triển của Thủ Thiêm vẫn còn khá khiêm tốn so với kỳ vọng của nhiều người. Ảnh hưởng đáng kể nhất lên khu vực này chắc cũng không ngoài… giá đất. Thật vậy, giá đất ở Thủ Thiêm đã tăng không biết bao nhiêu lần so với trước khi có những dự án kết nối giao thông, và cứ mỗi lần một dự án mới hoàn thành, giá đất lại chực chờ tăng tiếp!
Một nhận định trong một bài báo viết về cầu Thủ Thiêm 2 cho rằng khi hoàn tất, cây cầu này sẽ có tác động tích cực lên thị trường bất động sản tại các khu vực nó đi qua. Có lẽ ý này là xác đáng nếu thử gõ tìm thông tin trên mạng về các dự án cầu Thủ Thiêm. Các kết quả đầu tiên bao giờ cũng dẫn đến các dự án của các công ty địa ốc.
Do vậy, ngoài những cây cầu, khu đô thị mới Thủ Thiêm cần các yếu tố khác để phát triển như được kỳ vọng. Mong rằng những người có trách nhiệm sẽ đặc biệt lưu ý vấn đề này. Chưa hết, chúng ta đều muốn thu hút nhà đầu tư, nhưng nếu giá đất quá cao, họ sẽ chùn bước. Đó là chưa kể vô số hệ lụy khác đi kèm.
Hy vọng lần này, các gửi gắm vào cây cầu mới với thiết kế vô cùng ấn tượng sẽ không còn là “bom xịt” như những lần trước.
---------------
(2)https://www.doisongphapluat.com/tphcm-chap-thuan-lui-tien-do-hoan-thanh-du-an-cau-thu-thiem-2-den-thang-92021-a332331.html