(KTSG Online) – Rạng sáng 19-12, theo giờ địa phương, tại thành phố Montreal, Canada, đại diện của gần 200 nước tham gia hội nghị lần thứ 15 của các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (COP15) đã nhất trí một thỏa thuận nhằm chặn đứng nguy cơ tuyệt chủng của các giống loài động thực vật thông qua cam kết bảo vệ 30% đất đai và đại dương của hành tinh vào năm 2030.
- Ai trả tiền cho thiệt hại do biến đổi khí hậu?
- COP27 thảo luận về bồi thường thiệt hại do biến đổi khí hậu
Thỏa thuận chính thức có tên gọi Khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal (GBF). Trung Quốc là nước giữ chức chủ tịch COP15, với giai đoạn 1 họp tại Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, vào năm 2021, và giai đoạn thứ hai diễn ra Montreal, Canada.
Giới khoa học và các nhà bảo tồn tự nhiên đã hoan nghênh thỏa thuận mang tính lịch sử này của Liên hợp quốc. Song họ cảnh báo vẫn còn nhiều việc phải làm để ngăn chặn sự suy thoái nhanh chóng của thế giới tự nhiên.
Thỏa thuận GBF đạt được giữa lúc các nhà khoa học gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự suy giảm đa dạng sinh học trên quy mô rộng, với nhiều nhà khoa học mô tả rằng thế giới đang đứng trước một cuộc khủng hoảng đe dọa các chuỗi thức ăn, nguồn cung nước và làm trầm trọng thêm vấn đề biến đổi khí hậu.
Được gọi là “Thỏa thuận Paris về tự nhiên” (ám chỉ đến Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu năm 2015), thỏa thuận GBF của COP15 đã đặt ra hơn 20 mục tiêu bao gồm cam kết đến năm 2030, ít nhất 30% đất đai và đại dương trên hành tinh phải được “bảo tồn một cách hiệu quả”, trong khi ít nhất 30% hệ sinh thái đất và đại dương “đang xuống cấp” phải được đưa vào các chương trình “phục hồi hiệu quả” (hay còn gọi là cam kết 30x30).
Bên cạnh đó, thông qua một quỹ bảo tồn đa dạng sinh học, thỏa thuận cũng đặt mục tiêu tăng nguồn tài chính hỗ trợ các nỗ lực bảo tồn tự nhiên từ các nước phát triển dành cho các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước kém phát triển nhất, các quốc đảo nhỏ đang phát triển, lên ít nhất 20 tỉ đô la Mỹ /năm vào năm 2025 và ít nhất 30 tỉ đô la Mỹ /năm vào năm 2030.
“Đó là một thỏa thuận rất quan trọng”, Lina Barrera, Phó chủ tịch phụ trách chính sách quốc tế ở Tổ chức Bảo tồn quốc tế, có trụ ở ở bang Virginia (Mỹ), nhận xét.
Nhưng bất chấp sự lạc quan thận trọng trong cộng đồng khoa học, nhiều người theo dõi các cuộc đàm phán tại COP15 cho rằng kết quả cuối cùng không hoàn hảo.
Không giống như Thỏa thuận Paris, Thỏa thuận GBF không đặt ra các mục tiêu cụ thể cho từng nước và bị chỉ trích vì không sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ hơn về việc ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng của các loài động thực vật nguy cấp. Thỏa thuận này cũng không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý.
EJ Milner-Gulland, giáo sư chuyên ngành đa dạng sinh học và trưởng khoa động vật học tại Đại học Oxford (Anh), cho rằng một số mục tiêu trong Thỏa thuận GBF thiếu ngôn ngữ cụ thể.
Bà nói: “Nếu nhìn vào chi tiết của các mục tiêu cho đến 2030, bạn sẽ nhận thấy chúng có xu hướng sử dụng những từ khá chung chung như ‘tăng cường’ đa dạng sinh học hoặc ‘đảm bảo tính bền vững’, và loại nội dung đó khá dễ trôi tuột. Thật khó để các nước có thể xác định họ sẽ làm những điều gì cho đến năm 2030?”.
Bà cho biết các cam kết 30x30 là tốt nhưng chúng không giải quyết được vấn đề. “Các bằng chứng khoa học đã cho thấy rất rõ ràng rằng cách duy nhất để thực sự ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học là giải quyết các nguyên nhân cơ bản dẫn đến mất đa dạng sinh học. Đó là sự tiêu dùng không bền vững, làm tổn hại quá mức các chuỗi cung ứng và tiêu thụ ở các nước giàu”, Milner-Gulland nói.
Những chuyên gia khác bày tỏ lo ngại xung quanh các mục tiêu mơ hồ về việc các nước cam kết ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng của các loài trước năm 2050.
Tanya Sanerib, Giám đốc pháp lý quốc tế tại Trung tâm Đa dạng sinh học, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở bang Arizona (Mỹ), nói: “Về cơ bản, thỏa thuận này là một phiên bản suy yếu của trạng thái bình thường hiện nay khi nói đến nỗ lực chống lại sự tuyệt chủng của các loài hoang dã”.
Trong một báo cáo đánh giá năm 2019, Nền tảng liên chính phủ về đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái (IPBES), cơ quan khoa học của Liên hợp quốc về tự nhiên, ước tính có 1 triệu loài động vật và thực vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Báo cáo cũng ước tính rằng khoảng 3/4 cây lương thực phụ thuộc vào sự thụ phấn của động vật đang gặp nguy hiểm.
Giới khoa học lưu ý điều quan trọng là phải xác định được khu vực nào cần được bảo vệ theo các cam kết 30x30.
Jennifer Sunday, nhà sinh học biển tại Đại học McGill (Canada), nói: “Có những khu vực mà chúng tôi thấy rằng điều quan trọng hơn là phải duy trì các hệ sinh thái khác bên ngoài khu vực đó. “Đó là những nơi động vật đến sinh sản hoặc nơi mà chúng tôi biết có các điểm di cư quan trọng. Không phải tất cả nước trên đất liền và đại dương đều quan trọng như nhau”.
Christopher Dunn, Giám đốc điều hành Vườn bách thảo Cornell Botanic Gardens ở New York, nói rằng các thỏa thuận quốc tế sẽ luôn có một số yếu tố thỏa hiệp. Theo ông, dù việc thiếu các mục tiêu nghiêm ngặt trong Thỏa thuận GBF đã gây ra một chút lo ngại, nhưng thỏa thuận này nhìn chung là tích cực.
Theo Financial Times