Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

IMF cảnh báo rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu đang tăng lên

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Kristalina Georgieva cảnh báo các rủi ro đối với sự ổn định tài chính toàn đang tăng lên. Bà kêu gọi giới chức trách của các nước cần phải cảnh giác sau những căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng gần đây ở các nền kinh tế tiên tiến.

Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Kristalina Georgieva phát tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc (CDF) 2023 diễn ra Bắc Kinh hôm 26-3. Ảnh: Yicai

Phát biểu tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc (CDF) 2023 diễn ra Bắc Kinh hôm 26-3, người đứng đầu IMF cho rằng bất ổn trong nền kinh tế thế giới vẫn ở mức “đặc biệt cao”. Bà cho biết tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến ​​sẽ chậm lại dưới 3% trong năm nay vì tác động của cuộc chiến Ukraine và tổn thương từ đại dịch Covid-19 cũng như chiến dịch thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới

“Rủi ro đối với sự ổn định tài chính đang tăng lên vào thời điểm mức nợ của các nước cao hơn” bà Georgieva nói tại CDF, có sự tham dự của các giám đốc điều hành toàn cầu và các nhà hoạch định chính sách cấp cao của Trung Quốc.

Theo bà, việc chuyển tiếp nhanh chóng từ thời kỳ lãi suất thấp kéo dài sang lãi suất cao hơn nhiều cần thiết để chống lạm phát chắc chắn tạo ra những căng thẳng và tổn thương như “chúng ta đã thấy ở diễn biến gần đây trong lĩnh vực ngân hàng”.

Lĩnh vực tài chính toàn cầu rung chuyển trong hai tuần qua bắt đầu từ vụ sụp đổ của ngân hàng hàng Silicon Valley Bank (SVB) ở Mỹ, kéo theo cú gục ngã đớn đau của Credit Suisse, ngân hàng 167 tuổi đời ở Thụy Sĩ sau khi chấp nhận sáp nhập vào đối thủ UBS với mức định giá chỉ hơn 3 tỉ đô la.

Cổ phiếu ngân hàng ở châu Âu lại giảm trong phiên giao dịch cuối tuần qu nhưng lần này mối lo chuyển sang Deutsche Bank (DB), ngân hàng lớn nhất nước Đức sau khi chi phí bảo hiểm rủi ro vỡ nợ của DB tăng vọt lên mức cao nhất trong 4 năm. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã phải lên tiếng trấn an rằng “không có lý do gì để lo ngại” về DB.

Bà Georgieva nói: “Chúng tôi cũng chứng kiến ​​các nhà hoạch định chính sách hành động quyết đoán để đối phó với rủi ro bất ổn tài chính. Chúng tôi đã thấy các ngân hàng trung ương của các nền kinh tế tiên tiến tăng cường cung cấp thanh khoản đô la Mỹ.  Những hành động này giúp giảm bớt căng thẳng thị trường ở một mức độ nào đó nhưng tình trạng bất ổn vẫn còn cao và điều đó nhấn mạnh sự cần thiết phải cảnh giác”.

Bà cho biết IMF tiếp tục giám sát các diễn biến trong lĩnh vực ngân hàng và thẩm định các hệ lụy tiềm tàng đối với triển vọng kinh tế và sự ổn định tài chính toàn cầu. IMF sẽ chú ý đến những nước dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là những nước thu nhập thấp và có mức nợ cao.

Hồi tháng 11, IMF dự báo tăng trưởng toàn đạt 2,9% trong năm 2023, chậm lại đáng kể so với 3,4% vào năm ngoái, trước khi nhích lên 3,1% trong năm 2024.

“Ngay cả khi triển vọng tốt hơn trong năm 2024, tăng trưởng toàn cầu sẽ vẫn dưới mức trung bình 3,8% trong thập niên qua”, bà  Georgieva nói tại CDF.

Bà cũng lặp lại lời cảnh báo của một số diễn giả khác tại CDF về tình trạng nguy hiểm khi thế giới có nguy cơ bị chia cắt thành các khối kinh tế. Bà nói rằng đây sẽ là “sự chia cắt nguy hiểm khiến mọi nước trở nên nghèo hơn và kém an toàn hơn”.

Bà ghi nhận diễn biến tích cực nhất của nền kinh tế thế giới trong năm nay là sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ được kỳ vọng ở Trung Quốc sau khi nước từ bỏ chính sach “zero Covid”. IMF dự báo tăng trưởng của Trung Quốc đạt 5,2% trong năm 2023, cải thiện nhiều so với 3% của năm ngoái.

Georgieva cho biết tăng trưởng của Trung Quốc sẽ đóng góp khoảng 1/3 tăng trưởng toàn cầu trong năm nay. Bà nói: “Tăng trưởng GDP 1 điểm phần trăm ở Trung Quốc kéo theo tăng trưởng 0,3 điểm phần trăm ở các nền kinh tế châu Á khác”.

Bà kêu gọi các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc hành động nhiều hơn nữa dể nâng cao năng suất và tái cân bằng nền kinh tế bằng cách giảm sự phụ thuộc đầu tư và hướng tới tăng trưởng dựa vào tiêu dùng bền vững hơn, bao gồm thông qua cải cách theo định hướng thị trường để tạo sân chơi bình đẳng giữa khu vực tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.

Georgieva nhận định những cải cách như vậy có thể nâng GDP thực tế của Trung Quốc lên tới 2,5% vào năm 2027 và khoảng 18% vào năm 2037.

Bà cho rằng việc tái cân bằng nền kinh tế Trung Quốc cũng sẽ giúp Bắc Kinh đạt được các mục tiêu về khí hậu, vì khi chuyển sang tăng trưởng dựa vào tiêu dùng, nhu cầu năng lượng sẽ giảm, giúp giảm khí thải nhà kính và giải tỏa sức ép an ninh năng lượng.

Cũng tại CDF, Tharman Shanmugaratnam, Chủ tịch Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS)  nhận định các thách thức kinh tế vĩ mô gần đây là những hậu quả sớm của cơn bất ổn do thời kỳ lãi suất thực ở mức thấp hoặc âm ở các nền kinh tế tiên tiến.

Ông mô tả thời kỳ nới lỏng tiền tệ này là “sai lầm chính sách vĩ mô lớn nhất trong 70 năm qua”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lưu Côn ghi nhận tình hình thế giới đang rất thách thức “với thay đổi chưa từng có đang diễn ra", gồm căng thẳng chính trị gia tăng. Ông thông báo trong năm nay, Trung Quốc sẽ tăng chi tiêu tài khóa ở mức vừa phải để hỗ trợ nền kinh tế.

Theo Financial Times, Reuters

1 BÌNH LUẬN

  1. Rủi ro tài chính không còn là cảnh báo nữa, khi mà các trung tâm tài chính lớn thế giới (Mỹ/ Thụy sĩ…) bắt đầu rung chuyển vì cú sốc vỡ nợ và phá sản. Một khi tiền tệ bị ném ngày càng nhiều vào những phi vụ vô lý và vô nghĩa. Theo nghĩa “tiền càng nhiều, tệ lại càng nhiều hơn”, thì tất yếu sẽ gây ra những phản tác dụng vô cùng lớn đối với kinh tế toàn cầu. Người ta có thể bỏ ra hàng ngàn tỷ USD để mua sắm vũ khí giết người, nhưng lại rất ngại ngần khi bỏ ra vài tỷ để cứu vãn cảnh nghèo đói hoặc giảm nguy cơ biến đổi khí hậu. Rủi ro tài chính chỉ là phần nổi. Phần chìm đó chính là hành vi thiếu trách nhiệm, phi nhân tính của con người.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới