(KTSG Online) – Các căng thẳng địa chính trị gia tăng đã định hình lại đầu tư toàn cầu theo xu hướng phương Tây đưa hoạt động sản xuất và đầu tư đến các nước bạn bè (friendshoring). Tuy nhiên, điều này có nguy cơ làm giảm tăng trưởng tiềm năng của GDP toàn cầu ở mức 2% và làm tăng rủi ro bất ổn tài chính, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo.
Trong báo cáo công bố hôm 5-4, IMF lưu ý đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng chảy mạnh giữa các nước đồng minh địa chính trị hơn là những nước gần gũi về mặt địa lý. Báo cáo ghi nhận dòng vốn FDI giữa Mỹ và Trung Quốc giảm đáng kể kể từ năm 2015 khi hai cường quốc xem nhau là đối thủ chiến lược.
Dù an ninh chính trị có thể cải thiện nhờ dòng vốn đầu tư phân bổ ở các nước thân thiện ngày càng mạnh mẽ nhưng IMF cảnh báo, xu hướng này có khả năng làm giảm đa dạng hóa rủi ro, đồng thời làm tăng nguy cơ kinh tế trì trệ.
IMF cho biết, tổn thất chi phí về tính hiệu quả trong dài hạn của xu hướng thế giới chuyển hướng sang các khối kinh tế riêng biệt, với các rào cản đầu tư thắt chặt hơn, sẽ rất lớn. IMF ước tính, điều này sẽ làm giảm 2% sản lượng kinh tế toàn cầu.
“Những tổn thất sản lượng lớn trong dài hạn cho thấy lý do tại sao thúc đẩy hội nhập toàn cầu lại quan trọng, đặc biệt là khi các nền kinh tế lớn cổ xúy chính sách hướng nội”, báo cáo IMF viết.
Báo cáo nhấn mạnh, những rủi ro tiềm ẩn đã bộc lộ khi các nước và công ty tìm cách xây dựng năng lực chống chịu của chuỗi cung ứng bằng cách giao dịch và đầu tư nhiều hơn ở các nước bạn bè chia sẻ quan điểm địa chính trị.
Năm ngoái, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen kêu gọi các công ty tiếp tục tìm kiếm các địa điểm đầu tư bên ngoài đất nước nhưng ưu tiên xây dựng chuỗi cung ứng ở “các nước mà chúng ta có thể tin tưởng”.
Gần đây, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU), đề xuất Đạo luật Công nghiệp zero ròng nhằm hỗ trợ tài chính và cấp phép nhanh hơn cho các dự án liên quan đến công nghệ sạch.
Đạo luật này là lời đáp trả Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ, được thiết kế để trợ cấp cho các công ty nước ngoài và trong nước triển khai các dự án năng lượng sạch ở Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào công nghệ của nước ngoài. Đây là những ví dụ cho thấy xu hướng phân mảnh địa kinh tế đang dâng cao.
Theo IMF, những nước phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài sẽ cảm nhận rõ ràng nhất các tác động của sự phân mảnh trong hoạt động đầu tư toàn cầu. Các nước nghèo dễ tổn thương trước những căng thẳng địa chính trị ở mức gần gấp đôi so với các nền kinh tế tiên tiến.
Trong một mô phỏng về những tổn thất hiệu quả tiềm tàng do mức giảm 50% của dòng vốn đầu tư giữa hai khối kinh tế lớn lấy Mỹ và Trung Quốc làm trung tâm, IMF nhận thấy nền kinh tế Mỹ ít bị tổn thương nhất. Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi châu Á bên ngoài Trung Quốc chịu rủi ro cao nhất.
Tác động dài hạn đối với nền kinh tế Mỹ do tổn thất hiệu quả từ căng thẳng địa chính trị sẽ thấp hơn 1% GDP của nước này. Tuy nhiên, tổn thất GDP ở các nước phụ thuộc vào dòng chảy đầu tư và thương mại với Mỹ và Trung Quốc, có thể lên tới 6%.
IMF cảnh báo, thiệt hại có thể đặc biệt nghiêm trọng đối với những nền kinh tế đang phát triển. Thị trường mới nổi sẽ hứng chịu các hạn chế thương mại và đầu tư ngày tăng từ các nền kinh tế tiên tiến, vốn là nguồn FDI quan trọng.
IMF kêu gọi duy trì các nỗ lực hội nhập toàn cầu của các nền kinh tế để tránh những thiệt hại này và thúc đẩy sự thịnh vượng toàn cầu.
Tuy nhiên, Matthew Martin, nhà kinh tế tại hãng tư vấn Oxford Economics, không đồng tình với quan điểm của IMF. Ông cho rằng, làn sóng chính sách hướng nội gần đây khó có thể tạo ra tác động lớn đến thương mại toàn cầu trong ngắn hạn. Hiện tại, có rất ít dấu hiệu cho thấy toàn cầu hóa đang đảo ngược một cách nghiêm trọng.
Ông nhận định, Trung Quốc cũng như các thị trường mới nổi khác sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho sản xuất và FDI nhờ chi phí lao động và nguốn vốn rẻ hơn. Một một số sản phẩm, như chip máy tính và ô tô điện, có thể được sản xuất nhiều hơn ở Mỹ nhưng điều đó không có nghĩa là tái định hướng toàn bộ chuỗi cung ứng.
“Nhìn chung, những đồn đoán và tuyên bố liên quan đến phi toàn cầu hóa dường như hơi quá đà và chúng tôi không cho rằng sẽ diễn ra một cuộc sắp xếp lại toàn bộ chuỗi cung ứng”, ông nói.
Theo Financial Times, Investing