(KTSG Online) – Để chống lạm phát, các chính phủ nên hạn chế tăng chi tiêu và chỉ tập trung vào các chương trình hỗ trợ người nghèo trong bối cảnh giá thực phẩm và năng lượng leo thang, gây khó khăn cho người dân khắp nơi toàn thế giới. Khuyến cáo này được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa trong một báo cáo về các điều kiện tài khóa toàn cầu công bố hôm 12-10.
IMF cho rằng các nhà hoạch định chính sách nên hạn chế triển khai các biện pháp kiểm soát giá cả, trợ cấp hoặc cắt giảm thuế cho tất cả các hộ gia đình để giảm bớt tác động của giá cả vì các biện pháp như vậy rất tốn kém và không có tác dụng về lâu dài. Thay vào đó, họ nên tập trung vào các biện pháp hỗ trợ cho những hộ gia đình có thu nhập, có thể bao gồm giảm chi phí điện nước, phụ cấp cho bữa ăn ở trường học và phương tiện đi lại công cộng.
Báo cáo của IMF cho rằng lãi suất tăng và lạm phát cao đã làm tăng tầm quan trọng trong việc xây dựng khả năng chống chịu của tài chính công để giúp các chính phủ họ có thể đối phó các cú sốc.
IMF đã đưa ra lời khuyên trên kèm với dự báo mới cho biết tổng nợ của chính phủ Mỹ và toàn cầu tính theo tỷ trọng GDP sẽ giảm trong năm nay khi các chương trình hỗ trợ trong đại dịch Covid-19 kết thúc. Nhưng mức nợ của toàn cầu vẫn cao hơn so với trước khi Covid-19 ập vào đầu năm 2020.
Nợ công toàn cầu sẽ tương đương 91% GDP thế giới trong năm 2022, giảm mạnh so với mức kỷ lục 256% GDP vào năm 2020 nhưng vẫn cao hơn 7,5 điểm phần trăm so với mức trước đại dịch.
Mỹ một trong những nền kinh tế phát triển chứng kiến thâm hụt ngân sách hàng năm và nợ tăng lên trong những năm gần đây. IMF cho biết tổng nợ liên bang, tiểu bang và các chính quyền địa phương của Mỹ tính theo tỷ trọng GDP đã tăng lên 134,5% vào năm 2020 từ 108,8% vào năm 2019, nhưng được dự báo sẽ giảm xuống 122,1% trong năm nay.
Trong khi đó, tỷ lệ nợ trên GDP trung bình của các nền kinh tế phát triển là 112,4% trong năm nay và dự kiến tăng lên mức 114% vào năm 2027, theo IMF.
Cả nước giàu lẫn nước có thu nhập thấp đều phải đối mặt với tình huống nan giải về chính sách khi họ phải vật lộn ứng phó tình trạng lạm phát cao. Các ngân hàng trung ương đang tăng lãi suất nhanh chóng để làm chậm tăng trưởng kinh tế trong nỗ lực hạ nhiệt áp lực giá cả. Nhưng các quan chức chính phủ lại chịu áp lực tăng chi tiêu hoặc cắt giảm thuế để thúc đẩy tăng trưởng, giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp đối phó với giá cả tăng cao, đặc biệt đối với giá thực phẩm và năng lượng.
Tuy nhiên, IMF không khuyến khích các chính phủ chi tiêu mạnh mẽ hoặc cắt giảm thuế.
“Đừng cung cấp trợ cấp cho người giàu. Đừng áp dụng các biện pháp kiểm soát giá đại trà, có lợi cho người nghèo nhưng cũng mang lại lợi ích cho người giàu”, Giám đốc điều hành IMF, Kristalina Georgieva cho biết vào tuần trước.
Trong một lần chỉ trích hiếm hoi đối với một quốc gia giàu có, hôm 11-10, Pierre-Olivier Gourinchas, Giám đốc ban nghiên cứu của IMF, nói rằng kế hoạch cắt giảm thuế và tăng chi tiêu của chính phủ Anh đang chống lại nỗ lực chống lạm phát của Ngân hàng trung ương Anh (BoE).
Ông ví von: “Điều này giống như một chiếc ô tô có hai người cầm vô lăng và mỗi người đều cố lái xe theo một hướng khác”.
Phát biểu trước Hạ viện Anh hôm 12-10, Thủ tướng Anh, Liz Truss đã bảo vệ các đề xuất của chính phủ khi nói rằng: “Kết quả của các hành động của chúng tôi là tăng trưởng cao hơn và lạm phát thấp hơn...Cách chúng ta sẽ tăng trưởng cao hơn không phải là thông qua con đường tăng thuế lên cao hơn”. Bà cũng nói BoE sẽ phải đưa ra quyết định của riêng mình về lãi suất.
IMF cho biết nhiều nước khác trên thế giới đã áp dụng các biện pháp như trợ cấp năng lượng, giảm thuế bán hàng và giảm thuế hải quan trong năm nay để giúp bù đắp cho giá cả tăng cao. Hầu hết các biện pháp này, được IMF nghiên cứu trong cuộc khảo sát hơn 700 biện pháp chính sách để ứng phó lạm phát, “không nhắm vào những người cần nhất”, Vitor Gaspar, Giám đốc bộ phận tài chính của IMF, cho biết.
Các cuộc tranh luận về chính sách tài khóa diễn ra khi nhiều chính phủ đối mặt tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút và chi phí trả nợ tăng.
Do lạm phát, cuộc chiến ở Ukraine và tăng trưởng suy yếu của Trung Quốc, nền kinh tế toàn cầu chỉ tăng trưởng 2,7% trong năm 2023, giảm từ 3,2% trong năm nay và 6% vào năm 2021, theo dự báo của IMF.
IMF cho rằng nhiều chính phủ cần phải giảm thâm hụt ngân sách để giúp giải quyết lạm phát và giảm bớt gánh nặng chi phí trả nợ. Theo IMF, để làm như vậy, họ có thể cần tăng nguồn thu bổ sung và hạn chế tăng chi tiêu, bao gồm cả tiền lương ở khu vực nhà nước.
Theo WSJ