Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Indonesia cân nhắc mua dầu giá rẻ của Nga để hạ nhiệt giá nhiên liệu trong nước

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tổng thống Indonesia, Joko Widodo cho biết Indonesia cần xem xét tất cả các lựa chọn khi cân nhắc việc tham gia cùng các nền kinh tế khác ở châu Á gồm Ấn Độ và Trung Quốc mua dầu giá rẻ của Nga để giảm sức ép chi phí năng lượng đang tăng cao ở trong nước.

Nhân viên của một cây xăng ở TP. Pangkal Pinang, Indonesia điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu hôm 5-9. Ảnh: Bloomberg

Trong nhiều năm qua, Indonesia không nhập khẩu lượng dầu nào đáng kể từ Nga nhưng chính phủ của ông Widodo đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc kiểm soát đà tăng của chi phí sinh hoạt người dân sau khi buộc phải tăng giá một số mặt hàng nhiên liệu lên tới 30% trong tháng này.

Bất kỳ động thái nào để mua dầu của Nga với giá cao hơn mức trần do các cường quốc công nghiệp thuộc nhóm G7 đặt ra có thể khiến Indonesia đối mặt với lệnh trừng phạt của Mỹ khi Jakarta chuẩn bị tổ chức hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) tại Bali vào tháng 11 tới. Tổng thống Widodo đã mời các nhà lãnh đạo thế giới bao gồm Tổng thống Vladimir Putin của Nga và Tổng thống Volodymyr Zelenskyy của Ukraine tham dự hội nghị.

“Chúng tôi luôn theo dõi tất cả các lựa chọn, dĩ nhiên, để xem liệu có quốc gia nào bán dầu với giá tốt hơn”, ông Widodo nói trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times trước câu hỏi về việc liệu Indonesia có mua dầu của Nga hay không.

“Nghĩa vụ của chính phủ là phải tìm nhiều nguồn cung dầu khác nhau để đáp ứng nhu cầu năng lượng của người dân. Chúng tôi muốn tìm ra giải pháp”, ông Widodo cho biết thêm.

Những phát biểu trên của Widodo nhấn mạnh tình thế khó khăn đối với nhiều nước khi họ cố gắng chèo lái đất nước vượt qua các biến động địa chính trị và cuộc khủng hoảng năng lượng đang tác động đến các hộ gia đình và doanh nghiệp trên toàn thế giới.

Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, từ lâu đã theo đuổi chính sách không liên kết với các cường quốc. Tổng thống Widodo đến thăm Moscow và Kyiv hồi tháng 6, chỉ vài tháng sau khi Nga phát động cuộc chiến tranh ở Ukraine, để đích thân mời các nhà lãnh đạo của họ tới hội nghị thượng đỉnh G20.

David Sumual, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Bank Central Asia, có trụ sở ở Jakarta, nhận định: “Nếu chính phủ làm điều đó (mua dầu của Nga), nó sẽ tạo ra dư luận xấu vì Indonesia là một quốc gia không liên kết và thậm chí còn là thành viên sáng lập phong trào không liên kết”.

Sinh viên ở Jakarta biểu tình phản đối chính phủ tăng giá bán xăng dầu hôm 8-9. Ảnh: AP

Theo Bộ trưởng Du lịch Indonesia, Sandiaga Uno, Moscow đã đề nghị bán dầu cho Indonesia với giá chiết khấu hơn 30% so với giá thị trường quốc tế. Tháng trước, Pertamina, công ty dầu khí nhà nước Indonesia, cho biết đang xem xét những rủi ro nếu mua dầu của Nga.

Tuần trước, Mỹ đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những nước mua dầu của Nga dưới mức giá trần mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dự kiến áp đặt nếu họ sử dụng các dịch vụ của phương Tây bao gồm bảo hiểm trong các giao dịch.

Trong tháng này, Indonesia đã quyết giảm trợ cấp năng lượng bằng cách tăng giá xăng dầu hơn 30% khi chi phí trợ cấp nhiên liệu tăng gấp 3 lần so với ngân sách ban đầu, lên mức 502,4 tỉ rupiah (34 tỉ đô la).

Đây là lần đầu tiên Indonesia tăng giá xăng dầu trong 8 năm. Quyết định này đã châm ngòi các cuộc biểu tình phản đối ở nhiều nơi trên cả nước.

Nền kinh tế Indonesia đã vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng nhờ tiêu dùng nội địa mạnh mẽ và giá hai mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của nước này, than và dầu cọ, tăng cao.  Trong quí 2, GDP của Indonesia tăng 5,44% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, đà tăng của chi phí nhiên liệu dự kiến ​đẩy lạm phát của đất nước đông dân nhất Đông Nam Á lên cao hơn và buộc Ngân hàng trung ương Indonesia phải tăng lãi suất, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Nếu Indonesia gia nhập Ấn Độ và Trung Quốc để mua dầu của Nga, điều đó sẽ giúp Moscow bù đắp phần lớn thu nhập bị mất do xuất khẩu năng lượng sang châu Âu sụt giảm mạnh.

Phân tích của Financial Times về số liệu thống kê của hải quan Trung Quốc và Ấn Độ cho thấy hai nước này đã tăng nhập khẩu 11 triệu tấn dầu từ Nga trong quí 2-2022 so với quí đầu tiên.

Indonesia và Nga cũng có một số dự án hợp tác năng lượng lớn bao gồm một nhà máy lọc dầu có tổng vốn đầu tư 16 tỉ đô la ở tỉnh Đông Java đang được xây dựng bởi Pertamina và Tập đoàn năng lượng Rosneft của Nga. Công ty dầu khí Zarubezhneft thuộc sở hữu nhà nước của Nga đang nắm 50% cổ phần trong lô thăm dò dầu khí Tuna ở khu vực biển Bắc Natuna thuộc vùng cực nam của Biển Đông.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới