(KTSG Online) - Các đợt tăng thuế gần đây và sắp tới đang đè nặng doanh nghiệp ở Indonesia, từ thuế giải trí đến thuế giá trị gia tăng hay thuế với xe chạy xăng. Một số hiệp hội dọa sẽ kiện chính phủ ra tòa khi Indonesia chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào tuần tới.
- Giới khởi nghiệp Indonesia lạc quan về năm mới dù năm 2023 đầy biến động
- TikTok đầu tư 1,5 tỉ đô la vào nền tảng thương mại điện tử Tokopedia của Indonesia
- Du lịch y tế của Malaysia hút ngoại tệ từ khách hàng Indonesia
Hoang mang với thuế giải trí
Dự định có hiệu lực từ cuối tháng trước, mức thuế giải trí đối với các hộp đêm, quán bar, spa và quán karaoke tăng "hỏa tiễn" từ mức 0% lên ít nhất 40%, và mức trần được áp tới 75%. Chính quyền địa phương, bao gồm cả các điểm du lịch nổi tiếng như Bali và Yogyakarta, có thể quyết định áp bất cứ mức thuế nào theo luật định. Nhưng chính quyền có thể áp dụng các trường hợp ngoại lệ và định ra mức thuế thấp hơn.
Maulana Yusran, Tổng thư ký Hiệp hội Nhà hàng và khách sạn Indonesia (PHRI), nói rằng hầu hết các địa phương đều không đòi không tăng thuế. Nhưng mức thuế mới sẽ gây tổn hại cho ngành du lịch Indonesia khi nước này đang phải vật lộn để theo kịp ngành du lịch các nước láng giềng ASEAN như Thái Lan, Malaysia và Singapore. “Chúng tôi phải chạy đua để cải thiện khả năng cạnh tranh, trong đó giá cả là yếu tố quyết định. Làm sao chúng tôi có thể làm điều đó khi giá tăng vọt? Khách sẽ chọn những nước khác”, Yusran nói với Nikkei Asia.
Việc tăng thuế giải trí diễn ra chỉ vài ngày sau khi chính phủ áp đặt mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ 10-15% đối với thuốc lá điếu và thuốc lá điện tử. Đây là năm thứ hai liên tiếp mức thuế này tăng, khiến doanh số và giá cổ phiếu của các hãng thuốc lá lớn ở Indonesia như Gudang Garam và HM Sampoerna sụt giảm. Theo OECD, Indonesia là một trong những quốc gia có tỷ lệ hút thuốc cao nhất thế giới, với 54% nam giới trưởng thành hút thuốc lá.
Các doanh nghiệp cũng cảnh giác với khả năng tăng thuế giá trị gia tăng. Dựa trên luật hài hòa thuế năm 2021, dự kiến mức thuế này sẽ tăng từ 11% lên 12% vào ngày 1-1-2025.
Được thực hiện từ năm 2018, chương trình giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) cũng sẽ hết hạn trong năm nay. Mức thuế đối với công ty có doanh thu từ 500 triệu rupiah (32.000 đô la) đến 4,8 tỉ rupiah hiện ở mức 0,5%.
Doanh nghiệp sợ “phép vua thua lệ làng”
Ra sức trấn an doanh nghiệp nhỏ, hôm 29-1 cơ quan thuế đã đăng trên X (trước đây là Twitter) rằng sẽ không tăng thuế đối với MSME và mức thuế trở lại bình thường như trước khi chính sách hết hạn. Cơ quan thuế cho biết thêm, những công ty thụ hưởng ưu đãi thuế suất trễ hơn năm 2018 vẫn có thể hưởng mức thuế này tối đa bảy năm. Sau đó thuế suất sẽ trở lại mức thông thường lên đến 30%.
Yusran cho biết PHRI và Hiệp hội Công nghiệp du lịch Indonesia đang chuẩn bị nộp đơn lên Tòa án Hiến pháp đối với chính sách tăng thuế giải trí, viện dẫn các quy định trong luật quản lý thuế khu vực năm 2022. Hiệp hội Trị liệu Spa Indonesia cũng tham gia, với hy vọng rằng doanh nghiệp hội viên sẽ được miễn thuế giải trí.
Sau phản ứng dữ dội của doanh nghiệp, hôm 17-1 Luhut Binsar Pandjaitan, Bộ trưởng điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư, nói trên trang cá nhân rằng chính phủ sẽ hoãn lại, đồng thời xem lại mức tăng thuế. Tuần rồi, Bộ trưởng Du lịch Sandiaga Uno cho biết chính phủ sẽ hủy bỏ việc tăng thuế. Tuy nhiên, các hiệp hội vẫn đang tiến hành các kế hoạch khiếu kiện, bởi họ e ngại về chữ “sẽ”. Họ cũng cho rằng “không có gì bảo đảm chắc chắn rằng chính quyền địa phương sẽ tuân thủ luật và hủy bỏ các sắc thuế”.
Trong khi đó, kế hoạch khuyến khích sử dụng xe điện của chính phủ cũng gặp làn sóng phản đối kịch liệt của người dân. Trong buổi ra mắt xe của gã khổng lồ BYD của Trung Quốc tại Indonesia vào tháng 1, Bộ trưởng Luhut Binsar Pandjaitan đã thông báo “chính phủ đang chuẩn bị tăng thuế đối với xe máy thông thường". Tuần rồi, thủ đô Jakarta đã đi trước một bước, tăng gấp đôi thuế mua lẻ xăng lên 10% với lý do “chống ô nhiễm”.
Tăng thuế theo chu kỳ 5 năm của bầu cử
Chính phủ Indonesia dự kiến sẽ tăng các loại thuế nội địa nhằm đạt mục tiêu tăng 8% doanh thu thuế trong năm 2024 lên 2.309.900 tỉ rupiah (146,84 tỉ đô la) trong bối cảnh nguồn thu từ xuất khẩu các mặt hàng hàng đầu của Indonesia như dầu cọ, than đá và nickel giảm từ mức cao kỷ lục của năm 2022.
Bhima Yudhistira, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và luật có trụ sở tại Jakarta, cho rằng việc tăng thuế nhằm đạt được ngân sách chi tiêu cho các chính sách dân túy trước cuộc bầu cử. Chẳng hạn, đợt tăng lương đầu tiên cho công chức trong 5 năm, hỗ trợ gạo thường xuyên cho hộ nghèo, hỗ trợ tiền mặt cho nông dân bị tác động của El Nino, hỗ trợ tài chính cho sinh viên các gia đình có thu nhập thấp...
Yudhistira cho biết tăng thuế để đáp ứng các chương trình dân túy như vậy là một hiện tượng "theo chu kỳ" xảy ra 5 năm một lần theo các kỳ bầu cử quốc gia. Theo Bộ Tài chính, chính phủ sẽ chi khoảng 496.800 tỉ rupiah (31,58 tỉ đô la) cho ngân sách bảo trợ xã hội của Indonesia vào năm 2024, tăng 11% so với năm ngoái.
“Với nhiều đợt tăng thuế khác nhau, chi tiêu dân túy lớn sẽ tạo gánh nặng cho các doanh nghiệp. Tầng lớp trung lưu sẽ sớm cảm nhận các tác động xã hội. Tăng trưởng kinh tế có thể thấp hơn 5% nếu điều này tiếp diễn. Sự biến dạng của chính sách tài khóa đã bắt đầu khiến các doanh nghiệp lo lắng”.
Theo Nikkei Asia, Channel News Asia, Jakarta Post