Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Indonesia mua 450.000 tấn gạo, Việt Nam trúng thầu 59.000 tấn

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong đợt nhập khẩu 450.000 tấn gạo của Indonesia lần này, Việt Nam trúng thầu cung cấp với tổng khối lượng 59.000 tấn. Đây là kết quả có được sau khi đàm phán và chấp nhận giảm giá bán so với giá bỏ thầu ban đầu.

Việt Nam giành được 59.000 tấn trong đợt thầu nhập khẩu 450.000 tấn gạo của Indonesia. Trong ảnh là gạo nguyên liệu được đưa đi chế biến tại Cụm công nghiệp An Thạnh (Tiền Giang). Ảnh minh hoạ: Trung Chánh

Phiên mở thầu nhập khẩu 450.000 tấn gạo lần này được Indonesia chia thành 15 lot (Lot là số lượng đơn vị được tiêu chuẩn hóa của một tài sản được giao dịch- cụ thể ở đây là gạo), trong đó, Myanmar, Việt Nam, Pakistan, Thái Lan và Campuchia là những quốc gia được mời để cung cấp gạo lần này.

Kết quả của đợt đấu thầu vừa được công bố cho thấy, Việt Nam đã giành được tổng khối lượng 59.000 tấn ở Lot 3 và 5, trong đó, khối lượng Lot 3 là 30.650 tấn và Lot 5 là 28.350 tấn.

Trao đổi với KTSG Online, Tổng giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam có trụ sở ở tỉnh Đồng Tháp cũng cho biết, Việt Nam trúng hai trong tổng số 15 Lot; Myanmar trúng 4 Lot; Pakistan 8 Lot và Thái Lan 1 Lot.

Theo kết quả công bố của đợt thầu lần này, Công ty cổ phần thực phẩm thiên nhiên King Green (Vua Gạo) là đơn vị của Việt Nam giành chiến thắng với mức giá 548 đô la Mỹ/tấn (giá CIF) ở cả hai Lot.

Với mức giá trúng thầu như nêu trên đồng nghĩa Vua Gạo đã giảm 18,9 đô la Mỹ/tấn sau khi “đàm phán” với Indonesia, bởi mức giá bỏ thầu trước đó được đơn vị này đưa ra là 566,9 đô la Mỹ/tấn ở cả hai Lot.

Tương tự Việt Nam, các quốc gia còn lại cũng phải chấp nhận giảm giá sau khi đàm phán với Indonesia để giành chiến thắng. Chẳng hạn, ở Lot 2, nguồn gạo từ Myanmar (Riceland International Limited) bỏ thầu với mức giá 554,8 đô la Mỹ/tấn, nhưng đã chấp nhận giảm xuống còn 550 đô la Mỹ/tấn (giá CIF); Pakistan cũng chấp nhận đàm phán giảm giá, trong đó, giá trúng thầu thấp nhất của đơn vị này là 554,7 đô la Mỹ/tấn (giá CIF) ở Lot 13.

Trong khi đó, Thái Lan trúng thầu 31.800 tấn của Lot 8 với mức giá 574 đô la Mỹ/tấn (giá CIF), giảm 12,49 đô la Mỹ/tấn so với mức giá bỏ thầu ban đầu. Giá trúng thầu bán gạo thấp nhất của Myanmar trong đợt thầu lần này là 539 đô la Mỹ/tấn.

Theo tìm hiểu của KTSG Online, thay vì mời thầu cấp Chính phủ với khối lượng lớn như thông lệ của những năm trước đây, từ đầu năm 2024 đến nay, Indonesia đã áp dụng chính sách nhập khẩu thành nhiều đợt, với khối lượng mua mỗi lần vài trăm ngàn tấn và chia số lượng gạo nhập khẩu cho nhiều quốc gia khác nhau.

Theo đó, từ khối lượng gạo được chia cho mỗi quốc gia, Indonesia mời nhiều doanh nghiệp cùng tham dự để cung ứng cho quốc gia này, trong đó, một số doanh nghiệp có giá bỏ thầu thấp nhất (thường là 3 doanh nghiệp) sẽ được đơn vị nhập khẩu của quốc gia này đưa vào đàm phán kín để tiếp tục yêu cầu bên bán giảm giá tiếp.

Đa phần các hợp đồng của Việt Nam giành chiến thắng trong các đợt mở thầu của Indonesia từ đầu năm đến nay đều phải chấp nhận giảm giá để giành chiến thắng. Trong đó, một số đơn vị chiến thắng trước đó như Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã từng bị dư luận cho rằng đã bán “phá giá”.

Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, đến giữa tháng 9-2024, tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 6,5 triệu tấn với trị giá trên 4 tỉ đô la Mỹ, tăng 6,2% về lượng và 21,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đó, tính trong 8 tháng đầu năm nay, Indonesia là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam với tổng khối lượng xuất khẩu vào đây đạt gần 914.000 tấn, trị giá khoảng 558 triệu đô la Mỹ, lần lượt tăng 27 và 54% về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới