(KTSG Online) - Indonesia sẽ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ kéo dài hơn ba tuần kể từ thứ Hai 23-5, sớm hơn dự định năm tuần, sau các đợt biểu tình của nông dân địa phương và nguy cơ xuất khẩu giảm sút, ảnh hưởng tăng trưởng.
Thị trường thế giới có thể nhẹ nhõm một chút, nhất là các nước phụ thuộc vào nguồn dầu cọ Indonesia. Tuy nhiên, thị trường có dồi dào nguồn cung dầu cọ hay không vẫn còn chờ “ẩn số từ Malaysia”. Tương tự như Ukraine và Nga thống lĩnh thị trường dầu hạt hướng dương, Malaysia và Indonesia chiếm 85% sản lượng dầu cọ toàn cầu.
Mất 3 tỉ đô la mỗi tháng nếu lệnh cấm kéo dài
Tổng thống Joko Widodo hôm 19-5 nói rằng dầu cọ nguyên liệu để sản xuất dầu ăn đã đạt 211.000 tấn mỗi tháng, cao hơn mức cần thiết 194.000 tấn.
Trong khi đó, giá bán sỉ trung bình dầu ăn trên toàn quốc đã giảm 15% xuống còn khoảng 17.000 rupiah (1,2 đô la) mỗi lít kể từ ngưỡng 20.000 rupiah sau khi lệnh cấm được áp dụng hôm 29-4.
"Với điều kiện nguồn cung và giá dầu ăn hiện tại, và cũng xem xét 17 triệu người trong lĩnh vực dầu cọ - bao gồm nông dân, công nhân và lực lượng lao động hỗ trợ khác - tôi đã quyết định rằng xuất khẩu dầu ăn sẽ được nối lại vào ngày 23-5”, Tổng thống Widodo phát biểu trong cuộc họp báo phát trực tiếp trên YouTube.
Ông cho biết chính phủ sẽ tiếp tục giám sát ngành công nghiệp dầu cọ để đảm bảo cung cấp đủ dầu ăn trong nước. Cảnh sát sẽ tiếp tục điều tra những người bị cáo buộc tích trữ và những người khác lợi dụng thời cơ nâng giá bất hợp pháp.
Indonesia là nhà sản xuất - xuất khẩu dầu cọ và dầu thực vật lớn nhất thế giới. Mặc dù vậy, giá dầu ăn ở nước này - chủ yếu có nguồn gốc từ dầu cọ - đã tăng gấp đôi kể từ cuối năm ngoái khi Covid bùng phát trở lại và sản lượng dầu cọ của đối thủ Malaysia cũng suy giảm.
Giá dầu ăn đã tăng vọt do ảnh hưởng cuộc chiến Nga – Ukraine (hai nước vốn sản xuất đến 70% dầu hạt hướng dương trên thế giới). Việc đình trệ xuất khẩu dầu hướng dương đã khiến nhu cầu các sản phẩm thay thế như dầu cọ tăng đột biến.
Indonesia đã tạm thời cấm xuất khẩu dầu cọ sau khi chính phủ thất bại trong nỗ lực giảm giá dầu cọ, bao gồm việc bắt buộc các hãng thực hiện nghĩa vụ bán hàng trong nước trước và tăng thuế xuất khẩu.
Nông dân trồng cây cọ dầu một số vùng đã tổ chức biểu tình trong tuần qua để phản đối bị mất nguồn thu nhập. Indonesia chỉ sử dụng 1/3 sản lượng dầu cọ hàng năm cho nhu cầu trong nước, và phần còn lại dành cho xuất khẩu.
Các nhà phân tích cũng lo ngại về sự sụt giảm thu nhập từ xuất khẩu. Dầu cọ là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Indonesia sau than đá. Giá dầu cọ và than quốc tế tăng vọt đã góp phần vào thặng dư thương mại hiếm có kể từ năm 2020. Năm ngoái, Indonesia đã xuất khẩu lượng dầu cọ trị giá 28,5 tỉ đô la, nhiều thứ hai sau than đá. Dầu cọ góp phần tạo ra thặng dư thương mại hiếm hoi cho nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á trong năm thứ hai liên tiếp.
Bhima Yudhistira, nhà kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và luật có trụ sở tại Jakarta, ước tính rằng Indonesia có thể mất 3 tỉ đô la dự trữ ngoại tệ mỗi tháng nếu nước này áp đặt lệnh cấm toàn diện.
Đồng rupiah đã giảm trong những tuần gần đây với lệnh cấm xuất khẩu và việc Fed (Quỹ Dự trữ liên bang) tăng lãi suất. Sự thiếu hụt dầu ăn trên toàn cầu đã làm gia tăng lạm phát và góp phần trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực.
Ai lợi, ai thiệt?
Người tiêu dùng toàn cầu, đặc biệt là các nước mua dầu cọ lớn nhất của Indonesia, sẽ được hưởng lợi từ sự thay đổi chính sách này. Đầu tiên là Ấn Độ, khách hàng lớn nhất mua đến 16,2% lượng dầu xuất khẩu của Indonesia, tiếp đến là Trung Quốc với tỷ lệ 15,5% và Pakistan là 9% - theo số liệu của cơ quan thống kê Statistics Indonesia.
Giá dầu cọ, dầu hướng dương và dầu đậu nành trên thế giới đã tăng vọt do gián đoạn nguồn cung vì thời tiết xấu ở Argentina và Canada, và chiến tranh Ukraine.
Lệnh cấm của Tổng thống Widodo nhằm buộc nhà xuất khẩu phải thực hiện nghĩa vụ hạn ngạch (quota) trong nước trước khi xuất khẩu. Nhưng liệu việc gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu có làm giá dầu ăn ở Indonesia và trên toàn cầu giảm đi hay không vẫn là bài toán chưa giải.
Hội đồng các nước sản xuất dầu cọ toàn cầu (CPOPC) đã dự đoán rằng giá dầu cọ sẽ vẫn ở mức cao trong một thời gian ngay cả khi không có sự gián đoạn giữa Nga-Ukraine. Bởi một nhà sản xuất hàng đầu khác là Malaysia vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu công nhân trồng rừng nước ngoài do các hạn chế biên giới đại dịch.
Sản lượng dầu cọ dự kiến sẽ thấp hơn trong năm nay do các thay đổi ở Indonesia và Malaysia, do việc trồng mới ở hai nước này đã chậm lại đáng kể kể từ năm 2015 và số cây cọ già cỗi bắt đầu tăng.
Malaysia - ẩn số mới
Malaysia, nhà sản xuất dầu cọ lớn thứ hai thế giới sau Indonesia, được hưởng lợi từ tình trạng thiếu hụt dầu ăn toàn cầu trở nên trầm trọng hơn do lệnh cấm xuất khẩu của Jakarta vào tháng trước. Nhưng Malaysia cũng đang vật lộn với tình trạng thiếu hụt lao động kéo dài do lao động nước ngoài không thể nhập cảnh, khiến nhân công đồn điền thiếu nghiêm trọng.
Tháng 9-2021, nhà chức trách đã phê duyệt việc tuyển dụng 32.000 lao động nhập cư cho các đồn điền dầu cọ. Một số lao động dự kiến sẽ nhập cảnh trong hai tháng 5 và 6 này theo hạn ngạch đặc biệt của chính phủ - theo lời Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Trồng trọt và Hàng hóa Zuraida Kamaruddin. Bà không cho biết dự kiến sẽ đưa bao nhiêu công nhân vào.
“Với việc công nhân quay trở lại, mức sản xuất sẽ tăng lên và Malaysia đang trên đà đáp ứng nhu cầu toàn cầu”, bà bộ trưởng phát biểu đầu tháng 5 này. Bà cũng cho rằng các nhà trồng trọt và sản xuất Malaysia nên "gặt hái lợi ích từ khoảng trống" do Indonesia để lại trên thị trường toàn cầu.
Ban đầu, Indonesia dự định sẽ gỡ bỏ lệnh cấm từ đầu tháng 7 tới.