Indonesia siết chặt lao động nhập cư
Chính Phong
(TBKTSG Online) – Indonesia bắt đầu áp dụng đạo luật mới, bắt buộc các công ty phải dạy tiếng Bahasa – ngôn ngữ địa phương, cho người lao động nước ngoài trước khi đưa họ vào làm việc. Bảo vệ công ăn việc làm cho người Indonesia là nỗ lực của tổng thống Joko Widodo nhằm giành phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống năm tới.
![]() |
Các lao động nước ngoài trái phép ở Indonesia. Anh: Jakarta Post. |
Ông Widodo ký đạo luật này vào tháng 3, nó sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 7, tức là đầu tuần tới. Các công ty sẽ bị phạt nếu không theo đạo luật. Các công ty này phải mất ít nhất 6 tháng để đào tạo người nước ngoài nói được tiếng Bahasa cơ bản. Trong khi đó, công nhân phải có chứng chỉ ngôn ngữ Bahasa mới được cấp giấy phép lao động.
Đạo luật này ra đời trong bối cảnh dư luận Indonesia ngày càng lo ngại với làn sóng công nhân Trung Quốc tràn vào, đặc biệt trong các lĩnh vực khai mỏ, luyện kim và điện lực. Tin đồn lan truyền trên mạng internet ở Indonesia là có khoảng 10 triệu công nhân Trung Quốc đang làm việc ở các dự án có vốn đầu tư Trung Quốc.
Các đối thủ chính trị của ông Widodo thường dùng hiện trạng có nhiều công nhân Trung Quốc làm việc tại Indonesia để làm giảm uy tín của ông, tố cáo ông cho phép công nhân nước ngoài chiếm các công việc của người trong nước.
“Đạo luật này mới chỉ là sơ bộ thôi, chúng tôi sẽ thêm các chi tiết sau khi khảo sát ý kiến dư luận xã hội. Nếu dư luận cho rằng đạo luật chưa đủ chặt chẽ, chúng tôi sẽ siết chặt thêm các điều kiện cấp giấy phép lao động”, một quan chức của chính phủ Indonesia cho biết.
Năm 2013, Indonesia đã từng xây dựng một đạo luật bắt buộc công nhân nước ngoài phải thông thạo tiếng Bahasa mới lấy được giấy phép làm việc. Nhưng đạo luật đó bị ông Widodo bác bỏ vào năm 2015. Ông Widodo đang trong nhiệm kỳ tổng thống Indonesia đầu tiên, đắc cử vào tháng 10-2014.
Các nước Singapore, Malaysia gần đây cũng nâng cao điều kiện cấp giấy phép làm việc. Singapore tuy không có các ngành công nghiệp cần nhiều người làm việc nhưng họ rất lo ngại tình trạng nhân công IT từ Ấn Độ sau khi không tìm được đường vào Mỹ (vì Mỹ siết chặt các quy định nhập cư) sẽ tới Singapore như bến đỗ thay thế.
Theo Nikkei Asian Review