(KTSG) - IPEF là hiệp định thương mại thế hệ mới với một tiếp cận gắn với các vấn đề địa chính trị toàn cầu trong một thế giới đang phân cực và chia rẽ sâu sắc hơn.
Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (Indo-Pacific Economic Framework for Prosperity - IPEF) là sáng kiến do Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra ngày 23-5-2023 với sự tham gia của 14 quốc gia thành viên sáng lập (gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Ấn Độ, Brunei, Fiji và Việt Nam). Đây là hiệp định thương mại thế hệ mới gắn với những thay đổi về địa chính trị thế giới trong thời gian qua.
Tuyên bố chung của Bộ trưởng Bộ Thương mại các nước vào tháng 11-2023 đã nêu: “Phát triển các phương pháp tiếp cận sáng tạo, lần đầu tiên nhằm giải quyết các thách thức của thế kỷ 21 và tăng cường sự tham gia kinh tế trên toàn một khu vực quan trọng bao gồm 40% GDP và 28% thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu”.
Bốn trụ cột của IPEF
IPEF có bốn trụ cột gồm: thương mại, chuỗi cung ứng, nền kinh tế sạch và nền kinh tế công bằng. Mỗi trụ cột được thiết kế như một thỏa thuận tiềm năng riêng biệt, cho phép các cuộc đàm phán trên mỗi trụ cột diễn ra với tốc độ khác nhau và kết thúc vào những thời điểm khác nhau. Các đối tác của IPEF cũng được phép xác định trụ cột nào họ muốn tham gia.
Thương mại
Các cam kết thương mại công bằng, tự do và tiêu chuẩn cao, đồng thời phát triển các cách tiếp cận mới, sáng tạo và có ý nghĩa về mặt kinh tế đối với chính sách thương mại. Cụ thể, thúc đẩy các mục tiêu chính sách thương mại về khả năng phục hồi, tính bền vững và tính toàn diện bằng các cam kết trong các lĩnh vực gồm: lao động, môi trường, kinh tế số, nông nghiệp, minh bạch và thực hành quản lý tốt, chính sách cạnh tranh, tạo thuận lợi cho thương mại, bao trùm, và hợp tác kinh tế - kỹ thuật. Đảm bảo các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể hưởng lợi từ lĩnh vực thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng, đồng thời giải quyết các vấn đề như quyền riêng tư trực tuyến, sự phân biệt đối xử và phi đạo đức khi sử dụng trí tuệ nhân tạo. Tìm kiếm các tiêu chuẩn cao về lao động và môi trường cũng như các điều khoản về trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp nhằm thúc đẩy cuộc chạy đua giành vị trí dẫn đầu cho người lao động thông qua thương mại.
Đầu tháng 2-2024, Bộ Thương mại Mỹ đã thông báo về lộ trình và hiệu lực của trụ cột chuỗi cung ứng: sẽ có hiệu lực từ ngày 24-2-2024 với lộ trình cụ thể của những vấn đề liên quan.
Chuỗi cung ứng
Tăng cường hợp tác nhằm xây dựng khả năng phục hồi trong các lĩnh vực quan trọng; phối hợp ứng phó với khủng hoảng và gián đoạn chuỗi cung ứng; và thúc đẩy quyền lao động trong chuỗi cung ứng. Cơ chế giải quyết các cáo buộc về “sự không nhất quán về quyền lao động” tại các cơ sở riêng lẻ ở một quốc gia IPEF khác. Các sáng kiến mới được công bố riêng (ví dụ: Đối thoại về khoáng sản quan trọng của IPEF) có thể bổ sung cho công việc theo thỏa thuận. Các nhà quan sát đã ủng hộ những nỗ lực mở rộng hợp tác khu vực như vậy, đồng thời đặt ra câu hỏi về triển vọng tham gia của khu vực tư nhân và cách thức thực hiện các điều khoản một cách hiệu quả.
Kinh tế sạch
Hỗ trợ các quốc gia chuyển đổi năng lượng xanh thông qua tăng cường hợp tác về đổi mới và đầu tư vào năng lượng sạch và công nghệ thân thiện với khí hậu. Các đối tác phải thành lập một quỹ vốn mới, do một đơn vị thuộc khu vực tư nhân quản lý, để tập hợp các nguồn lực và diễn đàn nhà đầu tư hàng năm để huy động tài chính cho “các dự án khí hậu có khả năng huy động vốn”.
Kinh tế công bằng
Tạo ra sân chơi bình đẳng thông qua việc nâng cao tính công bằng, toàn diện, minh bạch, pháp quyền và trách nhiệm giải trình trong nền kinh tế của các đối tác. Các nỗ lực bao gồm chống tham nhũng và trốn thuế, tăng cường tính minh bạch và trao đổi thông tin. Thỏa thuận này bao gồm các biện pháp xây dựng năng lực chuyên môn.
Quá trình hình thành và lộ trình
IPEF nằm trong nỗ lực nhất quán về chiến lược của Mỹ ở khu vực châu Á, khẳng định vị thế của mình và phản ánh chính trị nội bộ của Mỹ. Nỗ lực xoay trục của Mỹ được triển khai dưới thời Tổng thống Obama thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, do các vấn đề chính trị nội bộ, Tổng thống Donald Trump đã quyết định không tham gia hiệp định này và sau đó đưa ra sáng kiến hành lang tự do và mở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Free and Open Indo-Pacific) cùng với chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Khi lên nắm quyền, Tổng thống Joe Biden đã tiếp tục triển khai ý tưởng này cùng với việc tăng cường chiến tranh thương mại và cạnh tranh với Trung Quốc.
Tháng 10-2021, Tổng thống Joe Biden công bố ý định phát triển khuôn khổ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đến tháng 5-2022, IPEF được ra mắt tại Tokyo. Ba cuộc họp trực tiếp của các bộ trưởng của các nước đã được tổ chức tại: Los Angeles, tháng 9-2022; Detroit, tháng 5-2023; và San Francisco, tháng 11-2023. Sáu vòng đàm phán đã được tổ chức tại New Delhi, Bali, Singapore, Detroit, Busan, Bangkok, Kuala Lumpur.
Cuộc họp lãnh đạo của các nước sáng lập IPEF tại San Francisco vào tháng 11-2023 đã đưa ra những nội dung và cam kết quan trọng. Trong đó, thỏa thuận về chuỗi cung ứng đã được ký kết và thỏa thuận các trụ cột khác đã có những bước tiến đáng kể.
Đầu tháng 2-2024, Bộ Thương mại Mỹ đã thông báo về lộ trình và hiệu lực của trụ cột chuỗi cung ứng: có hiệu lực từ ngày 24-2-2024 với lộ trình cụ thể của những vấn đề liên quan gồm:
- Xác định người đại diện cho ba cơ quan trong chuỗi cung ứng của hiệp định chậm nhất là ngày 25-3;
- Lựa chọn chủ tịch của từng cơ quan trong chuỗi cung ứng chậm nhất là ngày 24-4;
- Mỗi cơ quan thông qua các điều khoản tham chiếu không muộn hơn ngày 23-6;
- Xác định và thông báo cho các đối tác về danh sách các ngành, hàng hóa quan trọng của mỗi nước để hợp tác theo hiệp định chậm nhất là 120 ngày kể từ ngày hiệp định có hiệu lực đối với mỗi nước;
- Xây dựng hướng dẫn cho cơ chế báo cáo dành riêng cho từng cơ sở về sự không nhất quán về quyền lao động trong chuỗi cung ứng IPEF chậm nhất là vào ngày 22-8.
Tiếp cận của IPEF
Các thỏa thuận hướng dẫn cách các bên ký kết sẽ cộng tác để cùng nhau giải quyết những thách thức chung. Nó được thiết kế để cho phép mối quan hệ giữa các bên ký kết phát triển theo thời gian, cung cấp cho các đối tác một nền tảng để tập trung sự chú ý chung của họ đồng thời vào những thách thức kịp thời và xây dựng khả năng phục hồi lâu dài trong các lĩnh vực mang tính chiến lược như khoáng sản quan trọng, chất bán dẫn và dược phẩm.
Đây là một cách tiếp cận mới về chính sách kinh tế. Không có thỏa thuận IPEF nào bao gồm việc cắt giảm thuế quan, loại bỏ khả năng tiếp cận thị trường. Trái lại, thỏa thuận này được thiết kế theo nguyên tắc cùng tổ chức và xây dựng.
Các thỏa thuận trong IPEF kêu gọi các đối tác cải thiện cơ sở hạ tầng hậu cần, hợp tác thu hút đầu tư cho các lĩnh vực quan trọng, giúp các công ty đa dạng hóa nguồn cung ứng, chia sẻ các phương pháp hay nhất về đánh giá rủi ro hàng hóa, tăng cường khả năng giám sát chuỗi cung ứng và xóa bỏ các hạn chế về lưu kho gần cảng nhập cảnh.
Thỏa thuận này cũng yêu cầu các đối tác thiết lập cơ chế báo cáo để tiếp nhận các cáo buộc về sự không nhất quán về quyền lao động tại các cơ sở sản xuất nằm trên lãnh thổ của một bên khác và hợp tác với bên đó để giải quyết mọi vấn đề sau khi được xác định.
Hiệp định bao gồm cam kết của mỗi đối tác trong việc giám sát các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng và các phụ thuộc nhập khẩu cũng như chia sẻ thông tin với các đối tác khác. Hầu hết các quốc gia đều hiểu rõ về những sản phẩm nào đang được đưa vào thị trường của họ và những gì đang được xuất khẩu ra nước ngoài, nhưng họ có rất ít thông tin về các bộ phận cấu thành và nguyên liệu mà đối tác thương mại đã nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất của mình.
Đây là minh chứng rõ ràng cho nỗ lực của chính phủ các nước trong việc sử dụng các thỏa thuận kinh tế được đàm phán để thúc đẩy các ưu tiên quan trọng đối với nền kinh tế hiện đại. Đây cũng là nỗ lực chưa từng có nhằm sử dụng các công cụ của khu vực công để cải thiện chức năng của một lĩnh vực chủ yếu do tư nhân thúc đẩy.
Giai đoạn nhà nước đóng vai trò lớn hơn trong phát triển kinh tế, thúc đẩy các thị trường phát triển đang trở thành một trào lưu mới. Điều đáng chú ý là chính Mỹ - quốc gia đã đề cao vai trò của thị trường với sự can thiệp khiêm tốn của nhà nước lại là quốc gia khởi xướng và đẩy mạnh vai trò chủ đạo của nhà nước. Luật Giảm lạm phát năm 2022, thực chất là để thúc đẩy vai trò của nhà nước, thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất trong nước và củng cố tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tóm lại, IPEF là hiệp định thương mại thế hệ mới với một tiếp cận gắn với các vấn đề địa chính trị toàn cầu trong một thế giới đang phân cực và chia rẽ sâu sắc hơn. Thực tiễn trong quá khứ cho thấy, các nước đã tận dụng một cách khôn khéo những vấn đề toàn cầu (bao gồm những bất ổn và rủi ro) cho mục tiêu phát triển của mình đã thành công. Trái lại, những nước bị ảnh hưởng hay lôi kéo bởi việc chọn bên hoặc không giải quyết được những vấn đề bên trong thì thường bị ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn. Đây là điều rất đáng chú ý đối với Việt Nam.