Thứ ba, 7/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Iran phát hiện trữ lượng lithium lớn thứ hai thế giới

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chính phủ Iran tuyên bố phát hiện trữ lượng lithium khổng lồ với quy mô tương đương gần 1/10 tổng trữ lượng của toàn cầu. Phát hiện này hứa hẹn đưa Iran trở thành một đấu thủ chính trong cuộc đua khai khác lithium, kim loại thiết yếu được sử dụng cho pin xe của xe điện, laptop và điện thoại di động.

Bộ Công nghiệp, Mỏ và Thương mại Iran cho biết phát hiện lượng lithium khoảng 8,5 triệu tấn ở tỉnh Hamedan, phía tây đất nước. Ảnh: OneIndia

Mohammad Hadi Ahmadi, một quan chức của Bộ Công nghiệp, Mỏ và Thương mại Iran, đã xác nhận thông tin trên truyền hình nhà nước Iran vào cuối tuần qua.

“Lần đầu tiên ở Iran, một trữ lượng lithium đã được phát hiện ở tỉnh Hamedan (phía tây Iran)”, ông Ahmadi nói đồng thời cho biết thêm rằng bộ của ông ước tính trữ lượng lithium ở đây khoảng 8,5 triệu tấn.

Nếu con số đó là chính xác, điều đó có nghĩa là Iran hiện nắm giữ trữ lượng lithium lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Chile, nước nắm giữ trữ lượng lithium khoảng 9,2 triệu tấn. Cục Khảo sát địa chất Mỹ ước tính tổng trữ lượng lithium trên thế giới khoảng 89 triệu tấn.

Hãng tin IRIB của Iran dẫn lời một quan chức ở Hamedan cho biết Iran sẽ tiến hàng khai thác lithium trên một khu vực rộng 11 km vuông trong hai năm tới.

Sau nhiều năm kinh tế kiệt quệ do các lệnh trừng phạt quốc tế và chứng kiến đồng tiền rial chạm mức thấp nhất so với đồng đô la vào cuối tháng 2, Iran sẽ được hưởng lợi rất lớn từ khả năng khai thác và xuất khẩu nguồn tài nguyên có giá trị như vậy.

Giá lithium đã tăng trong những năm gần đây, phần lớn là nhờ các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đầy tham vọng của các nước ở châu Âu và Bắc Mỹ, tạo ra nhu cầu ngày càng tăng đối với xe điện sử dụng pin lithium-ion. Năm ngoái, một báo  nghiên cứu của hãng tư vấn quản lý McKinsey cho biết giá kim loại này tăng 550% chỉ trong vòng một năm.

Bình luận về thông tin trên, Thomas Chandler, nhà phân tích lithium của SFA Oxford, nói: “Vẫn còn những câu hỏi xung quanh về tính mức độ chính xác của trữ lượng lithium ở Iran và tính khả thi kinh tế trong hoạt động khai thác”.

Việc phát hiện trữ lượng lithium khổng lồ sẽ có ý nghĩa lớn đối với nền kinh tế của Iran trong bối cảnh ngành dầu mỏ của nước này bị kìm hãm do lệnh trừng phạt của Mỹ và các đồng minh.

Ngay sau khi Iran công bố thông tin về trữ lượng lithium, hãng truyền thông nhà nước Nga Sputnik đã đăng một bài xã luận nhận định trữ lượng lithium này sẽ “khiến các biện pháp trừng phạt của phương Tây (đối với Iran) trở nên vô tác dụng”. Bài xã luận hàm ý rằng lithium có thể là lối thoát cho nền kinh tế Iran, vốn bị cô lập do lệnh trừng phạt kéo dài nhiều năm. Theo bài xã luận, kim loại quý này có giá thị trường khoảng 57.500 đô la/tấn, nghĩa là trữ lượng mới tìm thấy của Iran có giá trị ước tính khoảng 494,5 tỉ đô la.

Chính phủ Nga cũng đang tăng cường mối quan hệ với Iran, nước bị Ukraine cáo buộc đã cung cấp cho quân đội Nga máy bay không người lái và các công nghệ quân sự khác. Trong khi các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu lên án Iran hậu thuẫn Moscow trong cuộc chiến ở Ukraine của Nga, họ khó có thể bổ sung thêm nhiều đòn trừng phạt đối với quốc gia Hồi giáo này.

Với nhu cầu về lithium tăng lên cùng với làn sóng phổ cập xe điện, đặc biệt là ở các nước châu Âu, nơi đặt ra các mục tiêu giảm phát thải đầy tham vọng, việc Iran phát hiện trữ lượng mới chắc chắn có thể mang lại cho nước này một cú hích kinh tế, cũng như một quân bài để thương lượng dỡ bỏ lệnh trừng phạt của phương Tây.

Bên cạnh đó, trữ lượng lithium lớn ở Iran có thể là tin tốt lành cho Trung Quốc. Là một trong số ít đồng minh kinh tế của Iran, Trung Quốc đang tích cực săn lùng các nguồn cung lithium mới cho ngành công nghiệp pin đang phát triển nhanh chóng của nước này. Là quê hương của thị trường xe điện lớn nhất thế giới, Trung Quốc đã đầu tư mạnh để sản xuất lithium tại các thị trường mới, bao gồm khoản đầu tư hàng tỉ đô la gần đây vào một nhà máy chế biến lithium ở Bolivia, một quốc gia ở Nam Mỹ.

Trung Quốc duy trì quan hệ kinh tế chặt chẽ với Iran và trở thành khách hàng mua dầu hàng đầu của nước này sau khi chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump tái áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt đối với Tehran vào năm 2020. Là đối tác thương mại duy nhất có khả năng tinh chế lithium quy mô lớn, Trung Quốc có thể sẽ được hưởng lợi từ bất kỳ trữ lượng mới nào ở Iran.

Ngoài ra, Iran có thể sẽ cần phải dựa vào vốn đầu tư của Trung Quốc để khai thác và tinh chế bất kỳ loại lithium nào. Theo nhà phân tích Thomas Chandler, Iran không có đủ nguồn lực để xử lý một trữ lượng lithium khổng lồ như vậy. Ông nói: “Chắc chắn Iran sẽ cần hoạt động đầu tư và thăm dò của Trung Quốc”.

Theo CNBC, Quartz

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới