Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ireland bác bỏ Hiệp ước Lisbon

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ireland bác bỏ Hiệp ước Lisbon

Hình vẽ phản đối Hiệp ước Lisbon tại Dublin, Ireland -Ảnh: AP

(TBKTSG Online) – Hôm 13-6, Liên minh châu Âu (EU) đã bị giáng một đòn mạnh khi cử tri Ireland bác bỏ Hiệp ước cải tổ EU – Hiệp ước Lisbon.

Bộ trưởng Tư pháp Ireland, Dermot Ahern, đã công bố kết quả kiểm phiếu trên cả nước cho thấy Hiệp ước Lisbon bị phản đối tại hầu hết đơn vị bỏ phiếu dù tỷ lệ đi bầu chỉ đạt 40%.

Với kết quả trưng cầu dân ý của cử tri Ireland, Tổng thống Cộng hòa Czech, Vaclav Klaus, khẳng định Hiệp ước Lisbon giờ đây đã đến hồi “kết thúc” và Thủ tướng Luxembourg, Jean-Claude Juncker, thừa nhận ít nhất thì hiệp ước này không đạt được mục tiêu có hiệu lực vào ngày 1-1. Áo khẳng định người dân Ireland bỏ phiếu chống đối với hiệp ước là một “thất bại” rành rành đối với châu Âu.

Hiệp ước Lisbon nhằm mục tiêu bầu ra một Chủ tịch EU lâu dài, chứ không phải chỉ luân phiên 6 tháng như hiện nay, để phụ trách chính sách đối ngoại đồng thời điều hành bộ máy tổ chức gồm 27 thành viên.

Trong một tuyên bố chung, Tổng thống Pháp, Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức, Angela Merkel cho biết: “Chúng tôi chấp nhận quyết định mang tính dân chủ này của người dân Ireland với tất cả sự tôn trọng mặc dù chúng tôi rất tiếc”.

Tổng thống Estonia, Toomas Hendrik Ilves, khẳng định: “Bằng cách bỏ phiếu chống, người dân Ireland đã kiềm hãm sự phát triển của Liên minh châu Âu (EU). Sự việc này sẽ ảnh hưởng đến tất cả chúng ta”.

Hiệp ước Lisbon đã được 18 nước trong EU phê chuẩn. Những nước này cho biết họ hy vọng các thành viên khác cũng sẽ “tiếp tục tiến trình”.

Một lời kêu gọi tương tự cũng được Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Jose Manuel Barroso đưa ra: “Là một người ủng hộ cho hiệp ước, Ủy ban châu Âu hy vọng sẽ có một kết quả khác. Tuy nhiên, chúng tôi tôn trọng kết quả trưng cầu dân ý của người dân Ireland”.

Chính phủ của Thủ tướng Anh, ông Gordon Brown, cũng chịu một áp lực mạnh phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về Hiệp ước Lisbon nhưng hy vọng sẽ được thông qua tại Thượng viện Anh vào thứ Tư tới.

Hà Lan cũng khẳng định sẽ thông qua Hiệp ước Lisbon.

Tuy nhiên, Cộng hòa Czech, nước sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của EU vào tháng 1 tới, cho biết vẫn chưa quyết định có phê chuẩn hiệp ước này hay không.

Nước hiện nắm giữ chức Chủ tịch EU, Slovenia cho biết hiệp ước này nhằm xây dựng châu Âu “hiệu quả hơn, dân chủ hơn và minh bạch hơn”.

Bồ Đào Nha cho biết họ vẫn lạc quan về Hiệp ước Lisbon và khẳng định quyết định của Ireland chỉ là “sự phản đối cá nhân” sau khi hiệp ước đã được lãnh đạo các nước EU ký ở thủ đô Bồ Đào Nha.

Theo quy định, chỉ cần một thành viên EU bác bỏ thì Hiệp ước Lisbon phá sản, nghĩa là tương lai một hiệp ước của 500 triệu dân được quyết định chỉ bởi 3 triệu người. Trong số 27 nước thành viên EU, chỉ có Ireland tổ chức trưng cầu dân ý.

Tuy nhiên, Pháp và Đức khẳng định hiệp ước này vẫn có hiệu lực nếu các thành viên khác đều phê chuẩn.

Lần trước vào năm 2001, cử tri Ireland cũng đã nói không với Hiệp ước Nice sau đó xu hướng nói “không” lan sang các cuộc trưng cầu dân ý tại Pháp và Hà Lan khiến hiệp ước này phá sản.

MAI TRANG (Tổng hợp)

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới