Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ít cơ hội xuất hàng sang Ấn Độ hơn là nhập

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ít cơ hội xuất hàng sang Ấn Độ hơn là nhập

T.Thu

(TBKTSG Online) – Ngày 6-7, Bộ Công Thương tổ chức buổi trao đổi trực tuyến để giúp doanh nghiệp Việt Nam tìm cơ hội xuất hàng vào Ấn Độ, tuy nhiên các thông tin đưa ra cho thấy có nhiều cơ hội để doanh nghiệp nhập hàng từ nước này hơn là xuất.

Đối thoại trực tuyến về thị trường Ấn Độ

Theo ông Trần Quang Huy, Phó Vụ trưởng Vụ châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương), cơ cấu hàng hóa Ấn Độ tương đối giống Việt Nam nhưng có sức cạnh tranh cao hơn cả về chất lượng lẫn giá cả, như dệt may, da giày, nông sản.

Nhập siêu của Việt Nam từ Ấn Độ cũng khá cao, dù hiện lượng nhập siêu này đang có chiều hướng giảm. Theo Cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm nay Việt Nam xuất sang Ấn Độ hàng hoá với tổng giá trị trên 483 triệu đô la Mỹ, nhưng đã nhập trên 1 tỉ đô la Mỹ hàng hoá từ thị trường này.

Một số lý do được đưa ra để giải thích cho tình trạng nhập siêu của Việt Nam từ Ấn Độ như hiện nay. Chẳng hạn, việc sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, mà lượng lớn nguyên phụ liệu Việt Nam đang nhập lại vốn là điểm mạnh của Ấn Độ, như nguyên liệu cho thức ăn gia súc, nguyên liệu cho ngành dệt may, da giày, linh kiện điện tử, các loại phụ tùng máy móc…

Theo ông Nguyễn Sơn Hà, Tham tán thương mại thuộc Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, gần đây xuất khẩu hàng dệt may của Ấn Độ sang Việt Nam ngày càng tăng và nước này đang là thị trường đầu vào cho ngành may mặc Việt Nam, chủ yếu bông, xơ, sợi, vải. Chẳng hạn như, lượng bông Ấn Độ xuất sang Việt Nam trong năm 2009 là trên 30.000 tấn thì đến năm 2010 là gần 66.000 tấn.

Ông Hà cũng cho biết thêm, Ấn Độ có nguồn da dồi dào và thợ có tay nghề, nên nước này sẽ sớm trở thành trung tâm cung ứng da của thế giới. “Ấn Độ là thị trường sản xuất hàng da lớn thứ 5 trên thế giới, thị phần chiếm từ 5-6%, cung ứng gần 63 triệu sản phẩm ra thế giới”.

Ấn Độ có nhu cầu rất lớn về nhập khẩu nguyên nhiên liệu, nông sản thô cũng như các mặt hàng tiêu dùng. Tuy nhiên, nước này vẫn đang duy trì mức thuế nhập khẩu rất cao nhằm hạn chế nhập khẩu, bảo hộ cho sản xuất trong nước, ông Huy, Phó Vụ trưởng Vụ châu Phi, Tây Á, Nam Á cho biết. “Do vậy, việc hàng hoá của ta thâm nhập vào thị trường này là rất khó khăn, chủ yếu bao gồm một số loại hàng nông sản mà Việt Nam có thế mạnh như cà phê, cao su, hạt tiêu, dệt may, giày dép…”.

Ấn Độ cũng có nhu cầu rất lớn về bao bì thực phẩm, nhưng đây cũng là nước sản xuất mặt hàng chất dẻo lớn trên thế giới và có thể tự cung cấp đủ cho nhu cầu trong nước. Do đó, không có sản phẩm này trong danh mục hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Ấn Độ. Ngoài ra, hoa quả ở Ấn Độ cũng đa dạng, nhiều và rẻ hơn hoa quả của Việt Nam.

Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn được đánh giá là thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam ở nhiều mặt hàng như cà phê, máy vi tính…. Ngoài ra, nhu cầu đồ gỗ nội thất, vật liệu xây dựng (như xi măng, gỗ dán, kính xây dựng,..) của nước này đang tăng cao do đang đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, chung cư cao tầng….

Hiện Ấn Độ chủ yếu nhập từ Việt Nam sắt thép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, cà phê, hạt tiêu, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng dệt may, giày dép, chè… Trong khi đó, Việt Nam nhập từ Ấn Độ, chủ yếu là thức ăn gia súc, nguyên liệu thức ăn gia súc, dược phẩm, bắp, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, sản phẩm hóa chất, nguyên phụ liệu dệt may da giày, bông, sợi, thuốc trừ sâu, hóa chất…

Theo hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN- Ấn Độ, hiện một số mặt hàng của Việt Nam xuất sang Ấn Độ được hưởng ưu đãi thuế quan, gồm hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, chè, cà phê, cao su và sản phẩm cao su, chất dẻo và sản phẩm chất dẻo, hoá chất và sản phẩm hoá chất, máy móc, thiết bị, quặng và khoáng sản khác.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới