Jack Ma về hưu, tương lai nào chờ đón Alibaba?
Lê Linh
(TBKTSg Online) - Sự rút lui của Jack Ma khỏi ghế chủ tịch tập đoàn Alibaba sẽ mở ra một nguyên mới đối với Alibaba với nhiều thách thức bao gồm các nỗ lực chật vật để chiếm lĩnh các thị trường quốc tế, thể hiện rõ qua cuộc cạnh tranh khốc liệt tại Đông Nam Á, nơi Lazada, công ty con của Alibaba đang hoạt động.
Daniel Zhang (phải), người tiếp quản ghế chủ tịch Alibaba từ Jack Ma. Ảnh: Getty/Kyodo. |
Thách thức tìm kiếm lĩnh vực tăng trưởng mới
Hôm 10-9, Jack Ma (Mã Vân) chính thức rút khỏi ghế chủ tịch tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc để chuyên tâm theo đuổi các hoạt động từ thiện. Ngày 10-9 là ngày sinh nhật lần thứ 55 của ông và cũng là ngày kỷ niệm 20 năm thành lập tập đoàn đồng thời là ngày nhà giáo Trung Quốc.
Cách đây 30 năm, Jack Ma, một cựu giáo viên tiếng Anh, dẫn đầu một nhóm 18 người thành lập Alibaba ở một gara dưới tầng hầm một căn hộ tại TP. Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Ngày nay, Alibaba trở thành một tập đoàn khổng lồ có mức vốn hóa thị trường hơn 460 tỉ đô la. Ngoài mảng kinh doanh cốt lõi thương mại điện tử, hãng cũng thâm nhập mạnh mẽ vào các mảng khác gồm thanh toán số, ngân hàng trực tuyến, điện toán đám mây, truyền thông số hóa và giải trí.
Dù rút khỏi ghế chủ tịch, Jack Ma vẫn là thành viên trọn đời của Đối tác Alibaba (Alibaba Partnership), một nhóm gồm 36 người có quyền đề cử đa số thành viên hội đồng quản trị Alibaba.
Daniel Zhang, Giám đốc điều hành (CEO) Alibaba, sẽ tiếp quản chiếc ghế chủ tịch tập đoàn.
Xuất thân là một kiểm toán viên với lối nói chuyện mềm mỏng, Daniel Zhang, là hình ảnh đối lập hoàn toàn với Jack Ma, người có phong cách ấn tượng và lối nói chuyện lôi cuốn. Giới phân tích cho rằng một trong những thách thức lớn của Zhang là phải tìm những lĩnh vực tăng trưởng mới khi mảng kinh doanh thương mại điện tử ở Trung Quốc đã bão hòa. Doanh thu bán lẻ trực tuyến của nước này chỉ tăng trưởng 17,8% trong nửa đầu năm 2019, tức chỉ gần bằng phân nửa mức tăng trưởng 32,4% vào cùng kỳ năm ngoái.
“Nếu Alibaba muốn tìm các sáng tạo hay xu hướng mới, điều này sẽ khó hơn nhiều so với trước đây. Đối với Daniel Zhang, đây sẽ là một thách thức lớn”, Liu Yiming, nhà phân tích ở bộ phận nghiên cứu của chuyên trang công nghệ 36Kr.com (Trung Quốc), nói.
Để duy trì động lực tăng trưởng cho mảng thương mại điện tử, Alibaba đã thúc đẩy các nỗ lực chiếm lĩnh các thị trường quốc tế nhưng cho đến nay, không mấy thành công. Từ lâu, hãng này đã thống trị thị trường mua sắm trực tuyến lớn nhất thế giới ở Trung Quốc và nhiều chuyên gia từng dự báo sẽ nhanh chóng chinh phục các thị trường nước ngoài khác. Tuy nhiên, Alibaba giờ đây nhận ra rằng rất khó để áp dụng công thức thành công ở trong nước cho thị trường quốc tế.
Năm ngoái, Alibaba đạt tổng doanh thu 56,2 tỉ đô la Mỹ; trong đó mảng bán lẻ ở thị trường trong nước đóng góp 36,9 tỉ đô la (66%), còn mảng bán lẻ ở thị trường nước ngoài chỉ đạt 2,9 tỉ đô la, tương đương 5% tổng doanh thu. Đây là vấn đề then chốt đối với Daniel Zhang sau khi ông thay Jack Ma.
Trong một cuộc gặp gỡ các nhà đầu tư vào năm 2016, Jack Ma nói rằng Alibaba cần ít nhất 1,2 tỉ khách hàng bên ngoài Trung Quốc để đạt mục tiêu phục vụ 2 tỉ khách hàng vào năm 2036.
Một số sáng kiến thương mại điện tử của Alibaba ở nước ngoài đang có triển vọng tốt bao gồm nền tảng mua sắm AliExpress ở Nga và Brazil. Tuy nhiên, một số đặt cược lớn hơn của tập đoàn ở các thị trường nước ngoài vẫn chưa tạo ra được các kết quả như mong đợi.
Nỗ lực chinh phục thị trường Đông Nam Á
Jack Ma phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Alibaba ở sân vận động Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc vào tối 10-9. Ảnh: Shine |
Năm 2016, tập đoàn này mua lượng cổ phần kiểm soát ở công ty thương mại điện tử Lazada (Singapore) với giá 1 tỉ đô la, thời điểm này Lazada là nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á. Alibaba rót vào Lazada thêm 1 tỉ trong năm 2017 và thêm 2 tỉ đô la nữa năm 2018. Tuy nhiên giờ đây Lazada đang thụt lùi so với các đối thủ cạnh tranh về mức tăng trưởng hoặc quy mô, đồng thời vẫn đang lỗ lớn. Vị trí số một về thương mại điện tử trong khu vực của Lazada đang bị Shopee, một đơn vị của Sea Group (Singpore) thách thức. Tại Indonesia, thị trường lớn nhất của Đông Nam Á, thị phần của Lazada chỉ đứng thứ tư sau các các công ty Shopee, Tokopedia và Bukalapak.
Sau khi củng cố quyền kiểm soát Lazada, Alibaba xây dựng lại Lazada với mô hình hoạt động giống như các nền tảng thương mại điện tử ở Trung Quốc. Hãng khuyến khích các thương nhân Trung Quốc bán hàng trên nền tảng và nỗ lực giảm chi phí khuyến mãi.
Tại Thái Lan, một trong những thị trường lớn của Lazada tại Đông Nam Á, người mua sắm ngày càng nghi ngại các thương nhân Trung Quốc bán hàng kém chất lượng và dùng các từ ngữ mô tả sản phẩm được dịch bằng Google. Điều này khiến một số khách hàng thất vọng và chuyển sang mua sắm ở Shopee.
Đối phó với tình hình này, tập đoàn đã gửi các quản lý kỳ cựu ở Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc, bao gồm một số không nói được tiếng Anh, đến hỗ trợ điều hành các hoạt động của Lazada tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, phong cách quản lý quyết liệt, từ trên xuống có hiệu quả ở Trung Quốc nhưng lại không thích ứng tốt ở các thị trường khác.
“Họ hành động rất nhanh, có phần thô bạo và điều này gây rạn nứt lớn với đội ngũ địa phương”, một cựu lãnh đạo của Lazada nói khi nhận xét về các quản lý của Alibaba.
Đến cuối năm 2018, hầu như tất cả các lãnh đạo cao cấp của Lazada trước khi Alibaba đến đầu tư đều đã ra đi và nhiều quản lý của Alibaba được điều chuyển sang Lazada để thay thế họ. Một trong số họ là Max Zhang, người được gửi đến để tiếp quản ghế Giám đốc điều hành (CEO) Lazada Việt Nam vào năm ngoái. Trước đó, Max Zhang là trợ lý của ông Daniel Zhang.
Song các nguồn tin nắm bắt rõ các hoạt động của Lazada Việt Nam cho biết Max Zhang là nhà quản lý ít có kinh nghiệm điều hành. Trước khi đến Việt Nam, ông chưa bao giờ sống ở nước ngoài và có sở thích nói chuyện với các đồng nghiệp Trung Quốc hơn là trao đổi với các quản lý địa phương bằng tiếng Anh. Max Zhang có phong cách quản lý từ trên xuống và điều này gây bối rối cho các nhân viên địa phương vốn quen với phong cách điều hành kiểu phương Tây hơn. Ông cũng ít khi giải thích các quyết định và muốn mọi mệnh lệnh phải được chấp hành mà không được thắc mắc.
Max Zhang đột ngột dừng phần lớn chương trình giao hàng miễn phí, khiến doanh thu bán hàng của Lazada Việt Nam bị ảnh hưởng khi khách hàng chuyển sang mua sắm ở các nền tảng khác.
Khi Zhang và các trợ lý của ông bị chất vất về chiến lược ở Việt Nam, họ thường lấy kinh nghiệm của họ ở hai nền tảng Tmall và Taobao của Alibaba ở Trung Quốc để giải thích. Tuy nhiên, các quản lý người Việt Nam không hài lòng với cách giải thích này vì cho rằng Lazada Việt Nam khác với Tmall và Taobao và không hoạt động ở Trung Quốc
Đến tháng 6-2019, Zhang bị điều trở lại Trung Quốc, trong khi đó CEO Lazada Thái Lan, James Dong, được giao thêm vai trò CEO Lazada Việt Nam. Hai tháng sau đó, CEO Alibaba Daniel Zhang có chuyến thăm đến TPHCM và đưa ra thông điệp: “Tôi muốn Lazada thực sự là Lazada. Nó không phải là Taobao, cũng không phải là Tmall. Chúng tôi cần Lazada riêng của chúng tôi ở Việt Nam, Thái Lan và các thị trường Asean khác. Chúng tôi phải địa phương hóa hoạt động kinh doanh của chúng tôi”.
Theo Wall Street Journal, Reuters