Jetstar Pacific muốn mua nhà ga cũ sân bay Đà Nẵng
Lê Anh
![]() |
Nhà ga cũ của sân bay Đà Nẵng - Ảnh: TL TBKTSG Online |
(TBKTSG Online) - Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific vừa gửi văn bản đề xuất Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xin được nhượng quyền khai thác nhà ga cũ của sân bay Đà Nẵng trong thời gian từ 20 đến 50 năm để phục vụ hàng không giá rẻ.
Theo văn bản được Jetstar Pacific gửi tới Bộ GTVT, hãng hàng không giá rẻ này mong muốn được trực tiếp quản lý, sử dụng nhà ga cũ của sân bay Đà Nẵng trong thời hạn 20-50 năm để nâng cao chất lượng dịch vụ và thuận tiện cho hành khách.
Theo Jetstar Pacific, việc nhượng quyền cho hãng khai thác nhà ga cũ của sân bay Đà Nẵng sẽ khuyến khích các hãng khác trong nhóm của Jetstar khai thác các chuyến bay đến Đà Nẵng, góp phần thúc đẩy du lịch và kinh tế của địa phương này.
Hãng cũng cam kết chấp hành nghiêm túc các quy định, thủ tục của Nhà nước trong việc quản lý, khai thác nhà ga và đảm bảo nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không; đồng thời thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh để tăng thêm nguồn thu.
Hiện nay, sân bay Đà Nẵng có 2 nhà ga, một nhà ga mới đưa vào sử dụng từ cuối năm 2011 và một nhà ga cũ.
Năm 2014, sân bay Đà Nẵng đã đạt công suất 5 triệu hành khách, tăng 16% so với năm 2013, trong đó lượng hành khách quốc tế đạt gần 900.000 người, tăng 53% so với năm 2013.
Sau khi đạt được công suất thiết kế là 5 triệu hành khách/năm, dự kiến sân bay Đà Nẵng sẽ được nghiên cứu mở rộng nhà ga để nâng công suất đạt 10 triệu hành khách/năm.
Như vậy, không lâu sau khi VietJet Air và Vietnam Airlines đề xuất mua nhà ga T1 sân bay Nội Bài, đến lượt Jetstar Pacific cũng muốn có nhà ga riêng để phục vụ cho các chuyến bay của mình.
Cách đây vài hôm, ba nhà đầu tư gồm Công ty cổ phần dịch vụ hàng không Thăng Long (TASECO), Công ty cổ phần Đầu tư (AOV) và Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (HANCORP) – viết tắt là tổ hợp nhà đầu tư TAH - đã gửi văn bản đề xuất Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xin xây dựng nhà ga hành khách quốc tế sân bay Đà Nẵng với công suất 4 triệu hành khách/năm theo hình thức xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT).
Phía liên danh nhà đầu tư TAH khẳng định với năng lực hiện có về tài chính, công nghệ, thiết bị, tổ hợp nhà đầu tư này tin tưởng sẽ có thể xây dựng một nhà ga hành khách chất lượng tốt, giúp sân bay Đà Nẵng là sân bay thứ ba có nhà ga quốc nội và quốc tế riêng biệt.
Mời đọc thêm:
>> Ba nhà đầu tư muốn cùng xây nhà ga quốc tế sân bay Đà Nẵng