(KTSG Online) - Cho rằng nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động được đào tạo lành nghề của Việt Nam còn hạn chế, nên thời gian tới Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ hỗ trợ Việt Nam nhiều dự án nhằm cải thiện tình trạng này.
- JICA cung cấp 1.600 hộp lạnh bảo quản vaccine cho Việt Nam
- JICA và Đại học Cần Thơ hợp tác để phát triển bền vững ĐBSCL
Tại buổi họp báo được JICA tổ chức ngày 12-10 tại Hà Nội, ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, cho biết vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam được đẩy mạnh nhờ lực lượng lao động dồi dào và truyền thống lao động cần cù của người lao động Việt Nam. Sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng do mâu thuẫn thương mại Mỹ - Trung và dịch Covid-9 sẽ khiến đầu tư vào Việt Nam tăng cao và chuyển dịch mạnh mẽ chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, Việt Nam sẽ dần mất đi lợi thế về nguồn nhân lực do tình hình già hóa dân số trong 30 năm tới, và mô hình kinh tế thâm dụng lao động giá rẻ hiện tại sẽ gặp nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, năng suất lao động của Việt Nam tương đối thấp so với nhiều quốc gia khác (chỉ bằng 10% năng suất của Singapore, 40% năng suất của Thái Lan, 60% năng suất của Philippines).
Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cho rằng, với nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động được đào tạo lành nghề còn hạn chế, Việt Nam cần khẩn trương phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu lao động tăng cao trong thời gian tới.
JICA đã hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững thông qua các hợp tác trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, cụ thể như hợp tác với trường Đại học Việt – Nhật (VJU), Viện Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản (VJCC), hợp tác kỹ thuật thực tập sinh kỹ năng...
Nhằm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam, ông Shimizu Akira cho biết thời gian tới JICA tiếp tục hợp tác thông qua hình thức hợp tác kỹ thuật và vốn vay nhằm hỗ trợ Đại học Việt Nhật mở thêm chương trình đào tạo tiến sĩ. Bên cạnh đó hỗ trợ Đại học Việt Nhật thiết lập cơ sở mới tại Hòa Lạc từ năm 2023, với mục tiêu đưa trường này trở thành trường đại học tổng hợp có quy mô 6.000 sinh viên.
Ngoài ra, JICA dự kiến triển khai hợp tác kỹ thuật tăng cường kết nối việc làm cho thực tập sinh kỹ năng. Dự án nhằm tạo môi trường làm việc tốt hơn cho lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản thông qua việc kết nối giữa nguồn nhân lực Việt Nam với các doanh nghiệp Nhật Bản, đồng thời xóa bỏ việc môi giới việc làm bất hợp pháp, vốn là vấn đề tồn tại trong những năm gần đây.
Hiện tại, các bên liên quan của Nhật Bản và Việt Nam đang chuẩn bị các công việc cần thiết để bắt đầu triển khai dự án. Trước mắt, JICA sẽ sớm cử chuyên gia Nhật Bản sang công tác tại Việt Nam. Sắp tới đây, JICA sẽ nghiên cứu nội dung và việc ứng dụng trang web này tại Việt Nam để người lao động Việt Nam nộp đơn đăng ký tham gia chương trình thực tập sinh kỹ năng ở Nhật Bản với mục đích cắt giảm các khoản phí mà người lao động phải trả cho các đơn vị môi giới trước khi sang nước này làm việc.
Cùng với các dự án trên, trong lĩnh vực đào tạo lao động có tay nghề (công nhân lành nghề), JICA đang lên kế hoạch cùng với Chính phủ Việt Nam xây dựng dự án vốn vay ODA hỗ trợ 13 trường đào tạo nghề. Nếu các thủ tục được hoàn tất và dự án được triển khai, JICA kỳ vọng công tác đào tạo lao động trẻ có tay nghề cao trong thời gian tới sẽ có những bước phát triển nhất định. Các chuyên gia Nhật Bản sẽ có mặt để hỗ trợ trong thời gian đầu, hướng dẫn, đào tạo và chuyển giao kỹ năng đào tạo cho người Việt Nam.
Ngoài hỗ trợ Việt Nam nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, JICA còn đang hỗ trợ nâng tỷ lệ nội địa hóa ở Việt Nam. Bởi tầm quan trọng và đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu tăng mạnh kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Trước đây, các chuỗi cung ứng được hình thành tập trung ở một vài quốc gia chủ lực, nhưng hiện có xu hướng mở rộng ra nhiều nơi khác nhau. Việt Nam cũng đang trở thành một điểm đến triển vọng trong xu hướng mở rộng này - là một trong những quốc gia có triển vọng trong mở rộng chuỗi cung ứng.
Ông Shimizu Akira cho hay có rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản vẫn mong muốn mở rộng đầu tư kinh doanh sang Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam hầu như không thay đổi nhiều so với khoảng 10 năm trước đây. Hiện tỷ lệ nội địa hóa ở Trung Quốc khoảng 60%, ở Thái Lan là gần 50%, còn ở Việt Nam thì tỷ lệ này chỉ trên dưới 30% - hầu như không thay đổi trong 10 năm trở lại đây.
Nhận biết được tình hình đó, JICA cho biết đang nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam.
Cụ thể là JICA đang triển khai dự án cung cấp hướng dẫn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản. Thông qua đó, tiếp nhận nhu cầu của các doanh nghiệp này và tìm kiếm các doanh nghiệp phù hợp, đồng thời hỗ trợ bổ sung về kỹ thuật các điểm còn thiếu sót. Việc hướng dẫn này sẽ do chuyên gia Nhật Bản đảm nhiệm.
Thời gian qua JICA đã triển khai nhiều dự án ở Việt Nam như cung cấp vốn vay ODA cho dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị (metro) đầu tiên tại TPHCM, nối chợ Bến Thành ở trung tâm thành phố với khu vực Suối Tiên; JICA đã ký thỏa thuận cho vay trị giá 25 triệu đô la Mỹ với công ty tư nhân phát triển điện gió của Việt Nam trên đất liền tại tỉnh Quảng Trị...