Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

JICA và Đại học Cần Thơ hợp tác để phát triển bền vững ĐBSCL

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

JICA và Đại học Cần Thơ hợp tác để phát triển bền vững ĐBSCL

Huỳnh Kim

(KTSG Online) - Tại hội nghị quốc tế “Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long năm 2021: Nông nghiệp, thủy sản và môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu” do trường Đại học Cần Thơ và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức chiều ngày 30-3, đại diện hai tổ chức khẳng định sẽ hợp tác để cùng ĐBSCL phát triển bền vững theo tinh thần “thuận thiên” của Nghị quyết 120 của Chính phủ.

JICA và Đại học Cần Thơ hợp tác để phát triển bền vững ĐBSCL
Hội nghị “Phát triển bền vững ĐBSCL” tại trường Đại học Cần Thơ chiều ngày 30-3-2021. Ảnh: Huỳnh Kim

ĐHCT tập trung phát triển nông nghiệp, thủy sản, môi trường ĐBSCL

Tại sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 55 năm thành lập trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT), GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng, cho biết nhà trường đang đẩy mạnh dự án nâng cấp trường ĐHCT (sử dụng vốn vay ODA từ Chính phủ Nhật Bản thông qua JICA) để đáp ứng được việc thực hiện Nghị quyết 120/CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu.

Được thực hiện trong 7 năm (từ tháng 10-2015 đến tháng 10-2022), dự án có tổng kinh phí 2.250 tỉ đồng. “Mục tiêu tổng thể của dự án là nâng cấp trường ĐHCT thành trường đại học xuất sắc, đạt chuẩn quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và quản trị đại học; trong đó, tập trung vào 3 lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, môi trường, góp phần phát triển kinh tế xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, gia tăng giá trị nông nghiệp và thủy sản ở vùng ĐBSCL”, GS Hà Thanh Toàn nói.

Dự án này có 5 hợp phần chính gồm phát triển nguồn nhân lực; phát triển cơ sở vật chất; đầu tư thiết bị nghiên cứu; thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học; và dịch vụ tư vấn. Hiện nay, nội dung 5 hợp phần này đang được thực hiện, trong đó, hợp phần nghiên cứu khoa học gồm 36 chương trình, chia thành 3 đợt, mỗi chương trình kéo dài 3 năm, tổng kinh phí vay lại là 81,72 tỉ đồng (do ĐHCT chi trả vốn và lãi). Theo GS Toàn, từ khi bắt đầu thực hiện vào tháng 5-2017 đến nay, các chương trình nghiên cứu đã đạt được những kết quả nhất định.

GS Hà Thanh Toàn chia sẻ: “Nhân kỷ niệm 55 năm thành lập trường ĐHCT, chúng tôi tổ chức hội nghị quốc tế này để trình bày kết quả của 36 chương trình nghiên cứu khoa học thuộc dự án; qua đó tạo điều kiện tăng cường hơn nữa hợp tác giữa nhà trường với các địa phương, các doanh nghiệp và các viện trường trong vùng; về định hướng nghiên cứu, hướng tiếp cận trong tương lai để ứng dụng phục vụ cộng đồng, góp phần phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Theo GS Hà Thanh Toàn, dự án này được thực hiện trong hoàn cảnh ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức. BĐKH và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân. Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, đặc biệt là xây dựng đập thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế với cường độ cao ở nội vùng cũng bộc lộ ngày càng gay gắt, gây nhiều hệ lụy như ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng, sụt lún đất, suy giảm mực nước ngầm, xâm thực bờ biển, nhiều diện tích rừng tự nhiên, nhất là rừng ngập mặn, rừng tràm, rừng phòng hộ bị chặt phá, chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác hoặc bị suy thoái nặng nề. Việc khai thác bùn cát quá mức, xây dựng nhà cửa và hạ tầng sát bờ sông, kênh, rạch làm gia tăng nguy cơ sạt lở.

Bên cạnh đó, việc huy động, sử dụng nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế. Mặt bằng học vấn và tỷ lệ ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến của vùng thấp hơn mức bình quân chung của cả nước; chất lượng giáo dục, y tế vẫn còn thấp so với yêu cầu; nhân lực chất lượng cao đang có xu hướng dịch chuyển sang các địa phương khác.

“Để giải quyết những thách thức này, góp phần giúp vùng ĐBSCL phát triển bền vững, thịnh vượng, trên cơ sở chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển, bảo đảm được cuộc sống ổn định, khá giả của người dân cũng như bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của vùng, thì việc đầu tư, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ đóng vai trò hết sức quan trọng”, GS Hà Thanh Toàn nói và cho biết ĐHCT sẵn sàng phối hợp triển khai Dự án Hỗ trợ kỹ thuật JICA giai đoạn 2 trong thời gian tới về “Tăng cường liên kết và ứng dụng khoa học thúc đẩy phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Biến đổi khí hậu gây hạn hán tại ĐBSCL. Ảnh: Huỳnh Kim

JICA đồng hành với Đại học Cần Thơ

Nhắc lại hội nghị ngày 13-3 vừa rồi, thảo luận về 3 năm thực hiện Nghị quyết 120, ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, nói: “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm đó đã đề cập tới các dự án phát triển nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở hạ tầng tại ĐBSCL của JICA và tầm quan trọng của ĐHCT trong khu vực. Chúng tôi cảm thấy vô cùng vinh hạnh khi JICA được trở thành đối tác lâu năm của ĐHCT”.

Theo ông Shimizu Akira, thực hiện dự án này, dù đang có đại dịch Covid-19, “Chúng ta vẫn duy trì được mối liên hệ công việc chặt chẽ với nhau. Mọi hoạt động của dự án vẫn đang được triển khai thuận lợi nhờ có sự chủ động và nhiệt huyết của mọi thành viên liên quan”.

Ông Shimizu Akira cho rằng Việt Nam đã đặt ra mục tiêu rõ ràng là trở thành một nước công nghiệp, tuy nhiên, Việt Nam cũng rất coi trọng sự phát triển của nông nghiệp. JICA luôn quan tâm tới ĐBSCL, là khu vực trọng điểm sản xuất nông nghiệp và có vai trò cực kỳ quan trọng trong ngành công nghiệp thủy sản của cả nước.

Đại diện JICA cho biết cách tiếp cận mới, liên kết giữa doanh nghiệp - chính phủ - cơ sở nghiên cứu, vốn rất phổ biến với các trường đại học công nghệ của Nhật Bản, đã được giới thiệu tại ĐHCT nhằm mục tiêu giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội của khu vực. Và nhu cầu của xã hội đối với ĐHCT đang ngày càng cao với mong muốn là trụ cột cho phát triển vùng, là nơi đề xuất các giải pháp phát triển phù hợp với nhu cầu và điều kiện địa phương.

Kinh nghiệm của JICA về đào tạo bậc đại học tại khu vực châu Á, ông Shimizu Akira tin rằng mối liên hết cùng có lợi giữa doanh nghiệp - chính phủ - cơ sở nghiên cứu sẽ trở nên có sức hút tại khu vực ĐBSCL và ĐHCT có thể trở thành hình mẫu của mối liên kết này.

“ĐHCT, với mạng lưới đối tác mạnh mẽ kết nối với chính quyền địa phương và người dân - có đóng góp lớn lao cho sự phát triển của doanh nghiệp. Chúng tôi thấy rất mừng khi mối liên kết doanh nghiệp - chính phủ - cơ sở nghiên cứu đã đem lại những kết quả tích cực ban đầu và mong muốn sẽ còn phát triển hơn nữa, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của toàn vùng ĐBSCL”, ông Shimizu Akira nói.

Ông cũng nhấn mạnh rằng hợp phần xây dựng Trung tâm Giáo dục công nghệ quốc tế bao gồm phòng hội thảo truyền hình trong dự án “Sẽ giúp thúc đẩy hơn các hoạt động nghiên cứu chung từ xa với các trường đại học nước ngoài, gồm cả đại học Nhật Bản và các nước khác trong tiểu vùng sông Mekong vì cách làm này rất phù hợp với bối cảnh dịch Covia-19”.

Bài toán đặt ra cho tương lai để mối quan hệ hợp tác giữa JICA và trường ĐHCT, theo ông Shimizu Akira, là: “Phải đóng góp cho sự phát triển của xã hội; những công nghệ và bí quyết mà trường đã tích lũy sẽ tạo đà cho việc thiết lập mô hình thực tiễn thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và môi trường”.

Theo ông Shimizu Akira, thích ứng với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL không chỉ hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam mà còn có tác động lớn tới sự ổn định của các nước lân cận, bao gồm cả Nhật Bản. ĐHCT giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực về các vấn đề chung thông qua hợp tác với các viện nghiên cứu các nước trong tiểu vùng sông Mekong và tiếp nhận các sinh viên quốc tế.

Ông nhấn mạnh: “Điều này nhất quán với Chiến lược Tokyo 2018 - trong đó có nêu chính sách về hợp tác Nhật Bản - sông Mekong. Tôi hy vọng rằng điều này sẽ đóng góp cho sáng kiến Ấn độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở mà Nhật Bản chủ trì”.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với ĐHCT để thúc đẩy sự phát triển bền vững của trường, góp phần vào sự phát triển chung của toàn khu vực. Trong tương lai, chúng tôi trông đợi chính phủ Việt Nam, chính quyền địa phương, các công ty trong nước, đối tác phát triển, các công ty Nhật Bản và các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau, tận dụng tiềm năng - thế mạnh của ĐHCT, để có các hành động thích ứng với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL”, vị đại diện cho JICA tại Việt Nam nhấn mạnh.

Thành lập ngày 31-3-1966 với tên gọi ban đầu là Viện ĐHCT, đến nay, Trường ĐHCT là cơ sở đào tạo đại học trọng điểm của Nhà nước ở ĐBSCL; là trung tâm văn hóa - khoa học kỹ thuật của vùng. Nhiệm vụ chính của trường là đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới