KCN Vĩnh Lộc: hệ thống xử lý nước thải chưa hoàn tất
![]() |
Nước thải chưa qua xử lý từ các doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc, quận Bình Tân, TPHCM gây ô nhiễm nghiêm trọng nhiều năm qua chưa giải quyết - ẢNH: Văn Nam |
(TBKTSG Online) - Khu công nghiệp Vĩnh Lộc ở quận Bình Tân, TPHCM đã hoạt động 11 năm qua nhưng mãi đến ngày 1-9 vừa qua mới đưa vào vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung. Lượng nước thải chưa xử lý 11 năm qua đã làm môi trường khu vực này ô nhiễm nghiêm trọng.
Tại buổi tham vấn ý kiến người dân về tác động ô nhiễm môi trường trên địa bàn quanh khu vực khu công nghiệp Vĩnh Lộc chiều 11-9, ông Nguyễn Tiến Trung, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên KCN Vĩnh Lộc (chủ đầu tư) thừa nhận nhà máy xử lý nước thải đang trong giai đoạn nuôi cấy vi sinh, chưa thể xử lý toàn bộ lượng nước thải của khu công nghiệp.
Theo ông Trung, hiện toàn khu công nghiệp có 93 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng chỉ có 37 doanh nghiệp có hệ thống xử lý nước thải cục bộ. Ngoài ra, có trên 40 doanh nghiệp thường xuyên thải khí thải của lò hơi và lò dầu do đốt nhiên liệu.
Ông Trung cho biết hệ thống xử lý nước thải tập trung vừa hoạt động có công suất khoảng 6.000 mét khối/ngày, tuy nhiên hệ thống ống dẫn nước thải từ doanh nghiệp về nhà máy vẫn chưa hoàn tất.
Nhiều người dân sinh sống ở ấp 5, xã Vĩnh Lộc ngay sát khu công nghiệp này hàng chục năm qua thường xuyên phải chịu mùi hôi thối và khí độc phát sinh từ khu công nghiệp này.
Ông Ngô Anh Tuấn cho biết, ngay đầu tuần tới, Hepza sẽ họp để kiến nghị với Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM rút giấy phép hoạt động của Công ty TNHH Hào Dương ở khu công nghiệp Hiệp Phước. Công ty này chuyên gia công thuộc da, thải khoảng 1.000 mét khối nước thải mỗi ngày, đã xử phạt nhiều lần nhưng liên tục tái phạm xả nước thải chưa qua xử lý, gây ô nhiễm cực kỳ nghiêm trọng. Theo ông Tuấn, đây sẽ là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tại thành phố mà Hepza sẽ kiên quyết đề nghị rút giấy phép hoạt động để răn đe các doanh nghiệp vi phạm khác. |
Ông Phan Văn Bảy, một người dân ở ấp 5, xã Vĩnh Lộc, cho biết, nhà ông cách Công ty TNHH Quang Huy trong khu công nghiệp khoảng 700 mét, mỗi ngày đều nghe mùi hôi nồng nặc phát ra từ nhà máy này. “Tôi biết nhà máy này có khoảng 3.500 công nhân, cộng với khoảng 4.000 người dân khu vực ấp 5, sơ sơ mỗi ngày có hàng ngàn người gánh chịu khí độc này”, ông Bảy nói.
Nhiều người dân khác bày tỏ bất bình về việc nhiều doanh nghiệp lợi dụng lúc trời mưa để xả nước và khói thải ra môi trường, nước chảy ra kênh rạch, thấm vào đất. Trong khi đó, hầu hết người dân ở đây xài nước giếng bơm, do đó ảnh hưởng đến sức khỏe là khó tránh khỏi.
Ông Ngô Anh Tuấn, phó ban Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TPHCM (Hepza), cho biết, bắt đầu từ tuần tới, Hepza sẽ mời đích danh các tổng giám đốc của các doanh nghiệp còn vi phạm về môi trường để làm việc. Hepza đã chuyển 345 hồ sơ doanh nghiệp phát hiện vi phạm không đấu nối cho thanh tra môi trường thành phố xử phạt.
Vào tháng 3-2008, Chính phủ đã ra Nghị định 29 về khu chế xuất, khu công nghiệp và khu kinh tế. Theo đó, Chính phủ giao ban quản lý các khu công nghiệp quyền thanh tra và xử phạt doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, đến nay, vẫn chưa có những văn bản, thông tư hướng dẫn thi hành.
Ông Nguyễn Minh Hoàng, trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND thành phố, đề nghị chủ đầu tư và Hepza phải nhanh chóng xử lý dứt điểm chuyện gây ô nhiễm của Công ty TNHH Quang Huy và ra thời hạn cho các doanh nghiệp đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung, nếu không sẽ bị đóng cửa.
VĂN NAM