Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kế hoạch chống đói của G-20

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kế hoạch chống đói của G-20

Thái Bình

Trong một kho chứa lúa mì ở Anh. Ảnh: Boomberg.

(TBKTSG) – Bộ trưởng nông nghiệp của các nền kinh tế lớn có khả năng sẽ hợp tác thiết lập một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc tế về nông sản và đồng ý cắt giảm các rào cản thương mại nông sản để giúp thế giới chống lại tình trạng thiếu hụt lương thực và giá cả lên xuống thất thường.

Trong hai ngày thứ Tư và thứ Năm (22, 23-6), các bộ trưởng nông nghiệp của 20 nền kinh tế lớn nhất (G-20) hội họp ở thủ đô Paris, Pháp, sẽ phải đối mặt với một vấn đề ngày càng cấp bách: nhu cầu tiêu thụ lương thực thực phẩm đã vượt quá khả năng cung cấp đang bị hạn chế bởi thời tiết bất ổn và sự can thiệp của các chính phủ.

Thế kỷ đói khát

Pháp, nước đang đảm nhiệm vị trí chủ tịch G-20, mong muốn đưa sự bất ổn của thị trường hàng hóa và lương thực lên thành đề tài ưu tiên của G-20 trong nhiệm kỳ lãnh đạo của mình. Tuần trước Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Bruno Le Maire nói với báo chí: “Điểm xuất phát là để tránh biến thế kỷ 21 thành một thế kỷ đói khát. Chúng tôi nghĩ, cộng đồng quốc tế sẽ không hiểu nếu chúng ta không đưa ra quyết định”.

Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO) dự báo thế giới cần phải tăng sản lượng lương thực thêm khoảng 70% mới đủ để nuôi nhân loại vào năm 2050. Nhưng theo khảo sát mới nhất của FAO, mức tăng sản xuất lương thực trong thập kỷ này sẽ chậm lại, chỉ tăng khoảng 1,7% mỗi năm, thấp hơn mức tăng hàng năm 2,6% của thập kỷ trước. Điều đó đã thúc đẩy giá lương thực lên cao và “ăn lạm” vào các nguồn dự trữ. Và khi các Chính phủ can thiệp nhanh vào thị trường, như chính phủ Nga đã làm khi cấm xuất khẩu lúa mì năm ngoái, thị trường lương thực càng dễ bị sốt giá.

Chỉ số giá lương thực của FAO đã chạm đỉnh hồi tháng 2-2011 và hôm thứ Sáu tuần trước, tổ chức này dự báo giá lương thực bình quân của thập niên này sẽ đắt hơn 30% so với thập niên trước. Lạm phát giá lương thực được coi là yếu tố góp phần gây ra những vụ bất ổn làm rung chuyển các xã hội Ả rập. Các tổ chức thiện nguyện dự báo số người bị thiếu đói kinh niên sẽ vượt quá 1 tỉ người trong năm nay.

Vai trò của đầu cơ

Các chuyên gia cho rằng, vẫn còn có thể tăng nguồn cung lương thực thông qua việc cải tiến kỹ thuật canh tác. Carmel Cahill, chuyên gia nông nghiệp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD, nhận xét: “Tài nguyên không phải là vô tận. Nhưng vẫn còn có chỗ để gia tăng nguồn cung lương thực. Có nhiều đất đai ở châu Mỹ Latinh, châu Phi và khu vực quanh Hắc Hải… Có sự chênh lệch rất lớn về năng suất mà chúng ta có thể thu hẹp thông qua giáo dục, thủy lợi và đầu tư”, cũng như phân bón.

Tuy nhiên, để nông dân được hưởng lợi nhờ giá lương thực cao hơn, nước Pháp cho rằng cần phải quản lý chặt hoạt động đầu cơ trên thị trường hàng hóa – thị trường sản phẩm tài chính phái sinh. Hoạt động của các nhà đầu tư mua đi bán lại các hợp đồng nông sản giao sau, các cổ phiếu hàng hóa nông sản… được coi là một trong những yếu tố quan trọng gây bất ổn về giá trên thị trường lương thực. Tại một hội nghị gần đây ở Brussels, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố: “Giá hàng hóa cao là mối đe dọa chính đối với sự tăng trưởng”.

Trong năm tài chính kết thúc cuối tháng 3 vừa qua, tổng vốn đầu tư có đăng ký vào thị trường hàng hóa nông nghiệp đã đạt mức kỷ lục 126 tỉ đô la Mỹ, cao hơn hai lần so với mức 55 tỉ đô la Mỹ đầu tư trong thời kỳ bùng nổ giá lương thực năm 2008, theo số liệu của Công ty Tài chính Barclays Capital. Nhưng phần lớn khoản đầu tư này không đổ vào việc cải tiến kỹ thuật canh tác nhằm tạo ra năng suất và sản lượng cao hơn mà chủ yếu vào các cổ phiếu hàng hóa nông sản giao dịch trên các thị trường chứng khoán khắp thế giới.

Charles Ogang, Chủ tịch Hội Nông dân quốc gia Uganda, nhận định: “Những người được hưởng lợi từ tình trạng giá lương thực cao không phải là nông dân mà là những kẻ môi giới trung gian”.

Minh bạch hóa thị trường lương thực

Tuy nhiên, Abdolreza Abbassian, nhà kinh tế của FAO, nói rằng cuộc họp tuần này có thể sẽ không tập trung vào vấn đề cải thiện cung cách điều hành thị trường, chống đầu cơ, mà thay vào đó, các bộ trưởng G-20 dự kiến sẽ xử lý vấn đề tính minh bạch của thị trường bằng cách tạo ra một cơ sở dữ liệu lương thực theo mô hình Sáng kiến Hợp tác Dữ liệu Dầu mỏ – ra đời năm 2001 để cung cấp thông tin về cung – cầu dầu mỏ trên toàn cầu.

Cơ sở dữ liệu về lương thực sẽ được gọi là Hệ thống Thông tin Thị trường Nông nghiệp, viết tắt theo tiếng Anh là AMIS, được đặt tại trụ sở của FAO ở Rome, Ý và sẽ bao gồm cả dữ liệu về sản xuất và tồn trữ lương thực. Các nhà kinh tế học nói rằng, có thể khó mà vận động các nước như Trung Quốc – một nước nhập khẩu nhiều lương thực – đóng góp vào hệ thống những dữ liệu có thể làm lộ chiến lược thương mại của họ. Nga cũng có thể sẽ chống lại các đề nghị hạn chế sự can thiệp của chính phủ vào hoạt động xuất khẩu lương thực.

Nhưng theo ông Abbassian, hệ thống thông tin dữ liệu mới sẽ giúp ích cho tất cả các nước. “Trung Quốc biết rõ tầm quan trọng của việc dự báo tốt hơn đối với chính họ và cả thế giới. Càng nhiều dữ liệu được đưa ra công chúng thì càng có ít cơ hội cho những hành động đầu cơ”, ông Abbassian nói.

Vấn đề cấm xuất khẩu lương thực cũng sẽ được đưa vào nghị trình của cuộc họp các bộ trưởng G-20. Chính việc các chính phủ cấm hoặc hạn chế xuất khẩu lương thực đã góp phần gây ra cơn sốt giá năm 2008. Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Le Maire nói rằng, không thể nào ngăn chặn những lệnh cấm như vậy, nhưng có thể hạn chế chúng. “Các chính phủ đều muốn bảo đảm người dân có đủ lương thực cho dù chuyện gì xảy ra. Nhưng chúng tôi muốn tránh để cho những sự hạn chế đó ảnh hưởng đến viện trợ lương thực”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới