Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Kế hoạch hai con liệu có khả thi?

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hơn 14 năm trước, ngày 18 tháng 11 năm 2008, báo chí đưa tin các thành viên chính phủ khi ấy đã thông qua dự thảo sửa đổi điều 10 của Pháp lệnh Dân số 2003 nhằm trình Quốc hội quyết định ban hành tại kỳ họp cuối năm.

Khoản 1, điều 10 của pháp lệnh hiện hành khi ấy được đề nghị sửa thành như sau: “Mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền: Quyết định thời gian sinh con, khoảng các giữa các lần sinh, sinh một hoặc hai con, phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con…”(1)

Ý nghĩa của thay đổi nêu trên nằm ở chỗ quy định mới cho phép mỗi gia đình chỉ có từ một đến hai con, thay vì để các cặp vợ chồng tự quyết định số con của họ như trong quy định trước đó(2). Và hẳn nhiều bạn đọc vẫn còn nhớ một khẩu hiệu quen thuộc tuyên truyền chính sách kế hoạch hóa gia đình với nội dung tương tự quy định này: “Mỗi gia đình chỉ nên có từ một đến hai con”.

Đến nay, thời thế đã thay đổi. Người dân không còn thấy khẩu hiệu nêu trên từng được treo khắp nơi. Ngày 28-4-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 588 về “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030” nhằm khuyến khích người dân kết hôn trước 30 tuổi, sinh con sớm hơn, bãi bỏ chính sách sinh ít con, khuyến khích vợ chồng sinh đủ hai con, cũng như quy định việc hỗ trợ sinh con tại các địa phương có mức sinh thấp(3).

Báo chí đưa tin tỉnh Bạc Liêu, một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, vừa ban hành mức hỗ trợ nhằm khuyến khích người dân trong tỉnh đạt mức sinh thay thế (mỗi cặp vợ chồng có hai con). Theo đó, “…phụ nữ Bạc Liêu sinh đủ hai con trước 35 tuổi, không vi phạm chính sách dân số, được tặng giấy khen của chủ tịch ủy ban nhân dân huyện và hỗ trợ một lần 1 triệu đồng tiền viện phí…”(4)

Được biết, theo danh sách tỉnh, thành trong các vùng mức sinh áp dụng cho giai đoạn 2020 – 2025 của Bộ Y tế, Bạc Liêu, nơi mỗi bà mẹ chỉ có 1,7 con, thuộc vùng có mức sinh thấp. Hiện nay tại tỉnh này, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh con sinh đủ hai con chỉ vào khoảng 30%. Các số liệu thống kê dân số này là đáng lo bởi lẽ đồng bằng sông Cửu Long nói chung là một nguồn cung cấp lao động cho các địa phương với nhiều nhà máy công nghiệp như Bình Dương.

Như vậy, sau một thời gian dài áp dụng chính sách gia đình sinh ít con, Việt Nam đã chính thức ban hành các biện pháp khuyến khích người dân sinh con nhiều hơn. Theo kết quả điều tra, độ tuổi kết hôn trung bình ở Việt Nam đã muộn hơn, nữ trung bình 23 tuổi và nam trung bình 27 tuổi. Tại nhiều địa phương, số con trung bình đã xuống sâu dưới mức sinh thay thế(5). Chẳng hạn, ở TPHCM, con số này trong mỗi gia đinh chỉ ở mức 1,2 đến 1,4 con.

Chính sách khuyến khích sinh nhiều hơn được xem là một bước ngoặt thay đổi liên quan đến quy mô dân số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại Việt Nam. Tuy nhiên, xét các điều kiện thực tế hiện nay, việc thực thi thành công mục tiêu này không hề dễ dàng, nếu không nói là sẽ phải giải quyết nhiều thách thức.

Việt Nam, cũng như Trung Quốc - hai quốc gia từng áp dụng chính sách hạn chế sinh con - đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số, nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực trong tương lai cũng như các vấn đề xã hội liên quan đến người cao tuổi.

Không khó để xác định các nguyên nhân của tình trạng lão hóa dân số. Như đã nói ở trên, tại nhiều địa phương ở Việt Nam, tỷ lệ đạt mức sinh thay thế rất thấp. Người Việt đang kết hôn muộn hơn và sinh con cũng muộn hơn. Nhiều cặp vợ chồng Việt đang trì hoãn sinh con hay chỉ sinh một con duy nhất.

Thực ra, thực trạng này cũng không nằm ngoài xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở các nước phát triển, người dân chú ý nhiều hơn đến sự thỏa mãn nhu cá nhân thay vì lập gia đình, sinh con đẻ cái. Nhiều người Việt cũng nghĩ như vậy. Ngoài ra, tỷ lệ phụ nữ Việt tham gia vào lực lượng lao động cao hơn cũng hạn chế mức sinh con.

Theo người viết bài này, có một sự khác biệt về nguyên nhân khiến các gia đình Việt ngại sinh nhiều con so với các cặp đôi ở các nước phát triển. Ở nhiều quốc gia giàu có, thu nhập cao ngăn trở quyết định sinh con của các cặp đôi nhằm giúp họ có nhiều thời gian hơn tận hưởng cuộc sống. Còn ở Việt Nam thì ngược lại. Nhiều cuộc điều tra, thăm dò ý kiến các gia đình đã chỉ ra rằng chính thu nhập thấp khiến họ ngần ngại không sinh thêm con. Tỷ lệ các gia đình trẻ cho rằng tài chính khó khăn đã khiến họ chỉ sinh một con nhằm dồn sức nuôi dạy con tốt hơn thay vì sinh đứa con thứ hai là rất cao.

Trở lại với Bạc Liêu, một triệu đồng tiền thưởng (viện phí) cho mỗi phụ nữ dưới 35 tuổi sinh đủ hai con không phải là lớn. Nhưng số tiền này cũng đủ phản ảnh nỗ lực lớn lao của chính quyền địa phương với ngân sách eo hẹp nhằm thực hiện được chính sách dân số đạt tỷ lệ sinh thay thế.

Tuy nhiên, dù có nỗ lực bao nhiêu đi nữa trong điều kiện hiện nay, các địa phương tại Việt Nam rất khó lòng đạt được mục tiêu dân số bằng cách khen thưởng cho các gia đình sinh đủ con. Tại các nước phát triển, chính sách này đòi hỏi nguồn lực tài chính rất đáng kể. Chẳng hạn, theo báo Anh The Guardian, từ năm 2005, chính phủ Pháp đã trả cho mỗi bà mẹ sinh con thứ ba 1.000 euro mỗi tháng (gần bằng mức lương tối thiểu ở nước này) trong vòng một năm sau khi sinh(6). Chúng ta khó lòng kham nổi mức hỗ trợ tương tự trong hoàn cảnh ngân sách hiện giờ.

Vì vậy, hiện nay, các biện pháp khuyến khích sinh con với hiệu lực thực tế ở Việt Nam vẫn không ngoài việc cải thiện phát triển kinh tế giúp các gia đình có thu nhập cao hơn nhằm đáp ứng được kỳ vọng có thêm con và nuôi dạy con tốt hơn của họ.

-------------

(1)https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/thoi-su-phap-luat/chinh-sach-moi/-19556/tu-1-2-2009-moi-gia-dinh-chi-duoc-sinh-1-2-con-

(2)https://tuoitre.vn/moi-gia-dinh-chi-duoc-co-1-2-con-288546.htm

(3), (5)https://thanhnien.vn/khuyen-khich-sinh-de-co-dan-so-vang-post952920.html

(4)https://dantri.com.vn/an-sinh/phu-nu-sinh-du-2-con-truoc-35-tuoi-duoc-tang-giay-khen-ho-tro-1-trieu-dong-20221215151921790.htm

(6)https://www.theguardian.com/world/2005/sep/22/france.jonhenley1

2 BÌNH LUẬN

  1. Thực tiễn bây giờ đã khác nhiều rồi. Chính sách hai con hoặc kiểm soát sinh đã bộc lộ nhiều hạn chế, thậm chí gây nguy hiểm lâu dài cho tương lai dân số Việt. Giữa việc sinh con và nuôi con sao cho đàng hoàng là hai việc hoàn toàn khác nhau. Chất lượng dân số trong hoàn cảnh hiện nay đã biến đổi về căn bản. Đặc biệt là nhận thức về hôn nhân, tăng trưởng kinh tế, chất lượng cuộc sống…Làm gì để gia đình, xã hội, con cháu chúng ta ngày càng tốt hơn lên. Đó mới là mục tiêu quan trọng nhất. Chính sách dân số cần phải cập nhật, nhanh chóng thay đổi, dỡ bỏ những gì cản trở, lạc hậu thôi.

  2. Cơ quan tôi có người bị xử lý kỷ luật vì vi phạm chính sách hai con. Người bị phạt, phản ánh lên vị chủ tịch công đoàn. Chủ tịch công đoàn nói “Con người là vốn quý nhất. Không thưởng thì thôi. Sao lại phạt ?”. Không biết chính quyền hay đoàn thể đúng đây ? Nhưng dù sao, người được xem là vi phạm, cũng đỡ mủi lòng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới