Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tản mạn chuyện dân số

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Tuần trước dân số thế giới đạt mốc 8 tỉ người. Thế nhưng, theo tờ Economist, sang năm sẽ có một mốc mới, xem chừng dễ hình dung hơn: đó là dân số Ấn Độ sẽ vượt dân số Trung Quốc, biến Ấn Độ thành nước đông dân nhất thế giới vào ngày 14-4-2023!

Vị trí của Trung Quốc như là đất nước đông dân nhất thế giới đã đứng vững trong hàng mấy trăm năm nay. Năm 1750, dân số Trung Quốc ước chừng 250 triệu người, chiếm đến hơn một phần tư dân số thế giới. Năm đó, Ấn Độ, tuy chưa phải là một nước thống nhất về mặt chính trị, tính ra chỉ có 200 triệu dân, xếp thứ nhì. Vị trí này sẽ đảo ngược vào thời điểm nói trên trong năm 2023 khi dân số Ấn Độ được Liên hiệp quốc dự báo đạt mốc 1.425.775.850 người.

Năm ngoái, mỗi ngày có thêm 67.000 trẻ Ấn Độ được sinh ra, so với chỉ 27.397 trẻ Trung Quốc nên nếu tốc độ tăng trưởng dân số tự nhiên này được duy trì, đến năm 2050, Ấn Độ sẽ có 1,66 tỉ dân trong khi dân số Trung Quốc sẽ sụt giảm còn 1,31 tỉ người vào cùng năm đó.

Hiện nay GDP của Trung Quốc gấp sáu lần GDP Ấn Độ nhưng mức tăng dân số của Ấn Độ sẽ giúp họ đuổi kịp Trung Quốc trong tương lai. Từ nay đến năm 2050, thế giới cứ tăng thêm 6 người trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) thì Ấn Độ đóng góp một người. Ngược lại, số người trong độ tuổi lao động ở Trung Quốc đã đạt đỉnh cách đây một thập niên. Đến năm 2050, tuổi trung vị của nước này sẽ là 51, cao hơn hiện giờ đến 12 tuổi.

Điều đáng chú ý là cả hai nước Trung Quốc và Ấn Độ đều từng áp dụng các biện pháp kiểm soát sinh sản nghiêm ngặt. Nạn đói năm 1959-1961 là một trong những yếu tố buộc Trung Quốc kiểm soát mức tăng dân số, trước tiên bằng chính sách một con đưa ra vào thập niên 1980.

Thật ra, chiến dịch tuyên truyền “muộn hơn, lâu hơn, ít hơn” vào thập niên 1970 có tác dụng sâu rộng hơn cả chính sách một con này: lập gia đình muộn hơn, khoảng cách sinh con lâu hơn và số con ít hơn. Tỷ lệ sinh sản mỗi phụ nữ sinh bình quân sáu con vào cuối thập niên 1960 sụt xuống còn ba con vào cuối thập niên 1970 là mức sụt giảm chưa từng thấy ở bất kỳ nước nào khác. Nay đối diện với một dân số già đi nhanh chóng, thế hệ trẻ không đủ người làm việc để nuôi thế hệ già buộc Trung Quốc đảo ngược chính sách, khuyến khích người dân sinh con thay vì hạn chế.

Chính sách kiểm soát sinh sản ở Ấn Độ không đạt mục tiêu như ở Trung Quốc; nay tuổi trung vị ở nước này là 28. Tuy thế dân số trẻ đã giúp nền kinh tế Ấn Độ phát triển đều đặn; nước này vừa thay chân nước Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 toàn cầu, dự báo đến năm 2029 sẽ vươn lên đứng thứ 3.

***

Vào cuối thời nữ hoàng Cleopatra ở Ai Cập, dân số thế giới chỉ vào khoảng 230 triệu người. Đến thời Phục hưng năm 1500, dân số thế giới tăng gấp đôi và 300 năm sau lại tăng gấp đôi thêm một lần nữa. Cho dù các con số này chỉ là ước tính, điều có thể nói chắc chắn là dân số thế giới từng rất thưa thớt và cứ ổn định như thế trong cả ngàn năm.

Thế nhưng chỉ trong hai thế kỷ qua, dân số thế giới bùng nổ. Mốc 2 tỉ dân bị vượt vào năm 1925 và chỉ mất 35 năm sau đó, mốc 3 tỉ dân cũng bị vượt qua. Sau đó cứ bình quân 10-15 năm dân số thế giới đều đặn tăng thêm 1 tỉ người.

Sau khi đạt mốc 8 tỉ dân vào tuần trước, dân số thế giới sẽ đạt mốc 9,7 tỉ người vào năm 2050 và cao nhất là 10,4 tỉ người vào thập niên 2080. Sau đó dân số thế giới sẽ giữ ổn định ở mức này trong vài chục năm và qua thế kỷ 22, sẽ bắt đầu sụt giảm.

Các dự báo dân số này dựa trên con số thay thế 2,1; nếu bình quân mỗi phụ nữ có số con cao hơn con số thay thế này thì dân số vẫn tiếp tục tăng, còn nếu có số con thấp hơn 2,1 thì dân số thế giới sẽ giảm. Nhiều nhà khoa học cho rằng số trẻ em được sinh ra trên thế giới hiện ở mức cao nhất, ở nhiều nước, tỷ lệ sinh sản của phụ nữ đã thấp hơn con số thay thế nói trên, bao gồm châu Âu, Bắc Mỹ, Úc và nhiều nước châu Á. Dân số nhiều nước như Bulgaria, Lithuania, Latvia, Serbia đang sụt giảm, chừng 1% mỗi năm.

Ngược lại cũng có những nước dân số tiếp tục tăng; ngoài Ấn Độ nói ở đầu bài, còn có Philippines, Pakistan và năm nước châu Phi (Nigeria, Tanzania, Ethiopia, CHDC Congo và Ai Cập). Tám nước này sẽ chiếm hơn một nửa mức tăng dân số toàn cầu vào năm 2050. Châu Phi được dự báo sẽ chiếm đến 38% dân số toàn thế giới vào năm 2100. Người ta thường nói “vật đổi, sao dời” để miêu tả các biến động địa lý nhưng có lẽ trong thời gian tới biến động dân số còn “đổi, dời” nhiều hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới