(KTSG Online) - Tình hình hỗn loạn hàng hải ở Biển Đỏ, nơi phiến quân Houthi liên tục tấn công tàu thương mại, bắt đầu tác động đến triển vọng lợi nhuận của các công ty có những lô hàng giao chậm trễ do các tàu đang tránh đi qua khu vực này. Trong khi các hãng vận tải biển và công ty bảo hiểm hàng hải “thắng lớn” nhờ tăng giá cước lên các mức cao chưa từng thấy ở thời hậu đại dịch Covid-19, lĩnh vực bán lẻ và sản xuất ô tô đang “thua lớn” rõ khi tình trạng giao hàng trễ bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động của họ.
- Gián đoạn hàng hải ở Biển Đỏ gây sức ép nhà xuất khẩu Trung Quốc
- Khủng hoảng Biển Đỏ gây tổn thương chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu
2.300 tàu hàng đi đường vòng để tránh Biển Đỏ
Khi cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ khiến dòng chảy của mọi hàng hóa từ ô tô đến năng lượng phải di chuyển theo lộ trình dài hơn và tốn kém hơn, chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi tác động của chi phí tăng vọt và căng thẳng trong chuỗi cung ứng xuất hiện trong báo cáo thu nhập của các doanh nghiệp.
Thực tế, một số công ty đã ghi nhận tác động của tình trạng gián đoạn hàng hải ở Biển Đỏ. Hôm 11-1, nhà sản xuất xe điện Tesla (Mỹ) thông báo sẽ tạm dừng sản xuất trong hai tuần tại một nhà máy ở Đức do các lô hàng linh kiện giao chậm trễ. Một ngày sau đó, hãng xe Volvocar của Thụy Điển cho biết ngừng sản xuất ba ngày tại một nhà máy ở Bỉ. Các nhà bán lẻ Anh, gồm Tesco, Marks & Spencer Group và Next đều đã cảnh báo nguy cơ giá cả hàng hóa sẽ tăng cao hơn đối với người tiêu dùng do chi phí vận chuyển hàng hóa từ châu Á tăng mạnh
Tất cả là do ít nhất 2.300 tàu hàng đang đi đường vòng dài hơn, xuống Mũi Hảo Vọng của Nam Phi, để tránh các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Biển Đỏ, tuyến hàng hải chiếm 12% thương mại đường biển toàn cầu. Các ngân hàng trung ương cũng đang cảnh báo rủi ro lạm phát tăng trở lại, có thể cản trở kế hoạch giảm lãi suất. Đối với nhiều công ty, đặc biệt là ở châu Âu, khủng hoảng Biển Đỏ làm tăng thêm thời gian, chi phí vận chuyển và bảo hiểm. Điều đó buộc các nhà phân tích phải xem xét điều chỉnh ước tính thu nhập của họ trong 12 tháng tới.
Dữ liệu của Bloomberg cho thấy, trong ba tháng qua, dự báo đồng thuận của giới phân tích về thu nhập của các nhà sản xuất ô tô trong 12 tháng tới giảm 5%. Trái lại, các hãng vận tải biển là những “người chiến thắng”, với giá cước vận chuyển container tăng 300% trên một số tuyến hàng hải. Ước tính thu nhập 12 tháng tới của giới phân tích đối với các công ty có cổ phiếu nằm trong Chỉ số vận tải châu Âu MSCI Châu Âu tăng 7% trong hai tuần qua.
Thomas Brenier, người đứng đầu bộ phận cổ phiếu của Lazard Freres Gestion (Pháp), đã giảm mức độ tiếp xúc cổ phiếu của lĩnh vực ô tô, vì coi đây là một trong những ngành đầu tiên bị ảnh hưởng do chuỗi cung ứng căng thẳng. Ông cũng tránh mua cổ phiếu của ngành bán lẻ vì ngành này “có thể thiếu sản phẩm để bán”.
“Nếu khủng hoảng Biển Đỏ kéo dài thêm một hoặc hai tháng nữa, chắc chắn bạn sẽ thấy một số công ty cảnh báo lợi nhuận suy giảm”, Brenier dự đoán.
Vận may của ngành vận tải biển và bảo hiểm
Theo ước tính của Bloomberg Intelligence, cước vận chuyển container ở mức cao hiện tại, nếu được duy trì, có thể làm tăng thêm lạm phát ở Anh và khu vực đồng sử dụng euro (eurozone) vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025.
Nhưng giá cước cao đang mang lại vận may của các hãng vận tải biển lớn nhất toàn cầu, chẳng hạn như Maersk của Đan Mạch và Hapag-Lloyd của Đức ở châu Âu, ZIM Integrated Shipping (Mỹ) và Mitsui OSK Lines (Nhật Bản). Các hãng bảo hiểm cũng hưởng lợi khi một số hãng tăng phí bảo hiểm rủi ro chiến tranh, áp dụng cho tàu hàng, lên đến 10 lần trên một số tuyến hàng hải đi qua Biển Đỏ và lân cận.
Trong số các hãng tàu, Maersk nhận được nhiều đánh giá tích cực nhất về triển vọng thu nhập. Gần đây, ngân hàng Bank of America (BofA) tăng gấp đôi ước tính thu nhập năm 2024 của công ty Đan Mạch.
David Vernon, Phó chủ tịch của hãng nghiên cứu đầu tư Sanford C. Bernstein, dự đoán, thu nhập của các công ty hậu cần cũng sẽ tăng, bao gồm cả các công ty giao nhận vận tải, nếu doanh nghiệp buộc phải chuyển sang sử dụng vận tải hàng không.
“Vận tải hàng không rõ ràng sẽ thắng lớn”, Vernon nói, đồng thời chỉ ra các hãng giao nhận quốc tế như FedEx, United Parcel Service và DHL Group, vốn có đội máy bay chở hàng riêng, là những công ty hưởng lợi tiềm năng.
Ngành bán lẻ và ô tô trở thành “kẻ thua”
Next (Anh), chuỗi cửa hàng kinhh doanh thời trang và gia dụng sản xuất châu Á, là một trong những nhà bán lẻ đầu tiên ở châu Âu bày tỏ lo ngại về tác động từ khủng hoảng Biển Đỏ. Hồi đầu tháng 1, CEO Simon Wolfson của Next cho biết, việc giao hàng chậm trễ sẽ khiến một số sản phẩm thời trang không có sẵn để bán và một số mẫu hàng mới đến chậm hơn dự kiến.
Theo nhà phân tích Richard Chamberlain của RBC Capital Markets, chuỗi cửa hàng thời trang Primark, có trụ sở ở Ireland, sẽ chịu ảnh hưởng lớn do sử dụng đường biển để vận chuyển phần lớn hàng hóa từ châu Á. Tương tự, ngân hàng đầu tư Bryan Garnier & Co. nhấn mạnh, Maisons du Monde, nhà bán lẻ nội thất của Pháp là công ty rất dễ bị tổn thương khi mua 75% hàng hóa từ châu Á và vận chuyển 90% số hàng đó vận chuyển bằng đường biển.
Hãng nghiên cứu đầu tư Sanford C. Bernstein cho biết, tình trạng gián đoạn hàng hải ở Biển Đỏ, nếu kéo dài, cũng sẽ khiến các thương hiệu thời trang toàn cầu như Nike, Adidas và Capri gia nhập danh sách “kẻ thua”.
Vấn đề đối với những công ty trên là bối cảnh kinh tế hiện nay có thể khiến việc chuyển chi phí cao hơn sang người tiêu dùng trở nên khó khăn hơn. “Các công ty có thể phải hấp thụ chi phí tăng thêm, làm giảm tỷ suất lợi nhuận của họ”, Frédérique Carrier, Giám đốc chiến lược đầu tư của RBC Wealth Management, nhận định.
Cho đến nay, Tesla và Volvo Car là những nhà sản xuất ô tô duy nhất thông báo ngừng sản xuất do hàng linh kiện giao trễ liên quan đến gián đoạn hàng hải ở Biển Đỏ. Theo ngân hàng Morgan Stanley, sự chậm trễ đó có thể báo hiệu rủi ro mới cho hoạt động sản xuất xe hạng nhẹ nói chung của ngành công nghiệp ô tô trong năm nay.
Tuy nhiên, hầu hết nhà phân tích cho rằng, ngành này sẽ không chứng kiến tình trạng thắt nút cổ chai tồi tệ trong đại dịch Covid-19 lặp lại. “Chi phí nhiên liệu tốn kém hơn, số ngày thuê tàu thêm và giá cước vận chuyển cao hơn sẽ tác động tiêu cực triển vọng lợi nhuận của các hãng xe. Dù vậy, cước vận tải biển hiện nay vẫn thấp hơn khoảng 57% so với mức trong đại dịch”, John Murphy, nhà phân tích của BofA, viết trong báo cáo gần đây.
Bloomberg Intelligence nhận định, khủng hoảng Biển Đỏ thậm chí có thể giúp các nhà sản xuất ô tô có lý do để duy trì giá bán xe ở mức cao.
Đối với mặt hàng dầu thô, tác động của cơn hỗn loạn hàng hải ở Biển Đỏ tương đối ít trong năm nay, nhưng điều đó có thể thay đổi nếu tình trạng này kéo dài, gây ra thiếu hụt nguồn cung. Tuy nhiên, thị trường dầu mỏ có thể đứng trước tình trạng gián đoạn nguồn cung kéo dài nhiều tuần. Theo hãng nghiên cứu thị trường năng lượng Vortexa, ngày càng ít tàu chở dầu đi qua eo biển Bab el-Mandeb ở cuối phía nam của Biển Đỏ. Số liệu của Vortexa cho thấy, số tàu chở các sản phẩm dầu thô hoặc dầu nhiên liệu đi qua eo biển này giảm 25% trong năm nay, tính đến ngày 19-1, so với một năm trước đó.
Theo Bloomberg