(KTSG Online) – Đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lấy ý kiến các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra, đó là làm gì để “kéo” được doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết của đề án này?
- Lấy ý kiến về đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao ở ĐBSCL
- Cách nào để phát triển thành công 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao
Nông dân chủ yếu bán lúa cho thương lái
Đề cương nhiệm vụ xây dựng đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” cho biết, các tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị lúa gạo ở ĐBSCL hiện nay, bao gồm cơ sở cung cấp vật tư đầu vào; nông dân canh tác lúa (hoặc thông qua hợp tác xã); hệ thống thu mua lúa; doanh nghiệp hoạt động trong các khâu sấy, xay xát, đánh bóng, xuất khẩu, phân phối nội địa và người tiêu dùng.
Theo đó, đặc trưng của chuỗi lúa gạo ở ĐBSCL hiện nay là có hàng nghìn cơ sở cung cấp vật tư đầu vào; hàng chục nghìn thương lái thu mua lúa và hàng nghìn doanh nghiệp hoạt động trong các công đoạn xay xát, đánh bóng, xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Tuy nhiên, có một thực tế, đó là số doanh nghiệp có đủ năng lực để trực tiếp mua lúa của nông dân hoặc hợp tác xã để sản xuất ra gạo là không nhiều.
Cụ thể, đề cương nhiệm vụ nêu trên dẫn kết quả khảo sát mới nhất (của CAP/IPSARD năm 2021- PV) cho thấy, ở ĐBSCL có 3 kênh tiêu thụ lúa chính. Trong đó, nông dân bán trực tiếp cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu chiếm tỷ lệ thấp nhất, chỉ 12,1% tổng sản lượng lúa (tổng sản lượng lúa của ĐBSCL đạt khoảng 24-25 triệu tấn mỗi năm- PV); nông dân bán qua hợp tác xã để phân phối cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu hoặc cho thương lái chiếm 37,5%. Trong khi đó, lượng lúa được nông dân bán qua thương lái để phân phối lại cho các đối tượng khác chiếm đến 49,5% sản lượng lúa của ĐBSCL.
Tuy tỷ lệ lúa được nông dân tiêu thụ qua thương lái có giảm so với trước đây (còn 49,5% so với con số khoảng 90% của trước đây), nhưng vẫn còn rất lớn. Điều này cho thấy, việc liên kết xây dựng vùng nguyên liệu để tiến đến chuẩn hoá sản phẩm, bao gồm an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc vẫn chưa như kỳ vọng.
Tại hội nghị “Tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ban chỉ đạo phát triển nông nghiệp nông thôn vùng ĐBSCL” diễn ra hôm 30-1 ở TP Cần Thơ, khi nói về đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, xây dựng vùng nguyên liệu là rất cần thiết, bởi đây là hướng đi để sản phẩm truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm.
“Đối với 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, cái chính chúng tôi hướng đến là tổ chức lại sản xuất; thứ hai, là nâng giá trị sản phẩm chủ lực này của ĐBSCL; thứ ba, là xác định nhiệm vụ, trách nhiệm của các địa phương để giữ được đất lúa, nâng giá trị thu nhập cho bà con nông dân”, ông Nam nhấn mạnh.
Tuy nhiên, vị Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thừa nhận một thực tế, đó là có rất ít doanh nghiệp xuất khẩu có gắn với xây dựng vùng nguyên liệu, thậm chí nhiều doanh nghiệp xuất khẩu rất mạnh, nhưng chỉ thu mua qua thương lái, không đơn vị nào có vùng nguyên liệu. Ông cho rằng việc doanh nghiệp xuất khẩu lớn đi mua lúa trôi nổi đã góp phần tạo ra sự bấp bênh cho thị trường, và sự cạnh tranh không lành mạnh với những doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu.
Ông Nam chia sẻ, đã có 1-2 doanh nghiệp Nhật Bản sang đặt vấn đề, nếu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý họ sẵn sàng triển khai khoảng 200.000 héc ta để sản xuất 1 triệu lít cồn làm xăng sinh học.
“Kéo” doanh nghiệp vào chuỗi bằng cách nào?
Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Phước Thành IV cho rằng, đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao tuy mới, nhưng mối liên kết sản xuất thì cũng tương tự như mô hình cánh đồng mẫu lớn hay mô hình cánh đồng lớn đã triển khai từ nhiều năm nay.
Để doanh nghiệp tham gia vào chuỗi này, theo ông Thành, về phía địa phương, trước mắt phải mời doanh nghiệp có tiềm năng tham gia liên kết sản xuất để thu mua lúa cho bà con nông dân. “Tuy nhiên, quan trọng nhất là chính sách của Chính phủ hỗ trợ được gì cho bà con nông dân và doanh nghiệp”, ông nhấn mạnh.
Với mô hình cánh đồng lớn, ông Thành cho biết, đã có không ít doanh nghiệp tham gia ngay từ đầu, nhưng gặp rất nhiều khó khăn, mà cụ thể là gãy đổ hợp đồng giữa doanh nghiệp và hợp tác xã. “Bây giờ, mình đúc kết lại giữa hai bên không gần nhau được vì cái gì? Bà con nông dân có tin doanh nghiệp không? Doanh nghiệp có tin bà con không? Cái này có lẽ phải giao về cho chính quyền địa phương, thậm chí ở cấp cơ sở để làm thí điểm”, ông gợi ý.
Về chính sách, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị, kho chứa hoặc khi tham gia thì hỗ trợ cho doanh nghiệp, người trồng lúa được những gì. “Tôi nghĩ, cái này phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên có chương trình cụ thể để doanh nghiệp, nông dân thấy hấp dẫn tham gia vào chuỗi này nhanh hơn”, ông cho biết.
Trong khi đó, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An nhấn mạnh, đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao thực chất là mô hình cánh đồng lớn trước đây, nhưng mang tính chất hoàn thiện hơn.
Theo ông, trước đây mô hình cánh đồng lớn, thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân (hợp tác xã), nhưng không thực hiện được do vướng cơ chế chính sách, nhất là vấn đề vốn.
“Doanh nghiệp không tiếp cận được vốn, trong khi với mối liên kết này, thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm lo vấn đề vốn để thực hiện các khâu trong chuỗi, từ khi gieo sạ, đến bảo quản, chế biến và xuất khẩu”, ông Bình cho biết và gợi ý, khi xây dựng 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có cơ chế chính sách cụ thể để doanh nghiệp tiếp cận được, chứ không nói chung chung.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, với đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, địa phương đăng ký triển khai thực hiện 200.000 trên 230.000 héc ta diện tích sản xuất lúa của tỉnh, trong đó, có khoảng 30.000 héc ta sẽ dành cho sản xuất giống lúa chất lượng cao.
Tuy nhiên, để “kéo” được doanh nghiệp tham gia vào chuỗi này, ông Lâm đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có cơ chế chính sách cho doanh nghiệp đầu tư nhà máy. “Như An Giang, bây giờ quỹ đất công cũng gần hết rồi, nhưng không có chính sách đột phá đặc thù, thì doanh nghiệp sẽ không đầu tư nhà máy chế biến”, ông dẫn chứng và cho rằng, điều này sẽ khiến con số liên kết của địa phương chỉ dừng lại ở mức tối đa là 50.000 héc ta.
Chính vì vậy, theo ông Lâm, đề án khi trình Chính phủ cần phải kèm theo quy định cụ thể, rõ ràng như: Ngân hàng Nhà nước làm gì? Bộ Công Thương làm gì, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm gì để tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong việc tháo gỡ chính sách.
Làm nông nghiệp có nền sẵn rồi! Bạn chỉ cần bỏ sức ra là có tiền, tuy lời không nhiều nhưng không sợ đói, làm công nghiệp vừa phức tạp vừa lệ thuộc từ nhiều phía
Nông nghiệp được ca ngợi là trụ đỡ nền kinh tế. Nhưng ngày nay phải tư duy kinh tế nông nghiệp thân thiên môi trường, sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, nông nghiệp xanh để bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mới winwin được.